Hiểm họa từ những hộ 'làm rác'

Những vật liệu dễ gây cháy, nổ có trong những vựa đồng nát, từ những hộ “làm rác” đang uy hiếp đến sự an toàn của người dân.

Trong khi đó, nhiều gia đình làm nghề này không lường trước được hiểm họa tiềm ẩn.

Sống chung với rác

Tại khu vực xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) có nhiều hộ gia đình “làm rác” - nghề đồng nát, hay còn gọi là nghề thu gom phế liệu. Trong đó, làng Triều Khúc là nơi có nhiều gia đình mưu sinh theo nghề này hơn cả. Phần lớn các hộ kinh doanh đồng nát ở đây mua lại từ những người thu mua lẻ, sau đó tiến hành phân loại. Nhiều vựa kinh doanh đồng nát trong khu dân cư ẩm thấp, bẩn thỉu và hôi hám. Tuy nhiên, theo họ, đã làm nghề này phải chấp nhận sống chung với mùi của rác.

Phế phẩm bao tải, nilon chất rải rác ở đường Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Phương Nguyên

Tương tự, tại các tuyến phố Đại Linh - Cương Kiên (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), có khá nhiều gia đình “làm rác”. Vào các buổi chiều tối, khu vực này thường xuất hiện nhiều xe chở phế liệu cồng kềnh tập kết trong nhà, ngoài phố. Tại các tuyến đường,

Chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để các hộ làm nghề thấy được cái lợi trước mắt, được chuyển đổi nghề, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương. Ngoài ra, có sự tác động của các cơ quan đoàn thể, bà con lối xóm, nhiều hộ đã nhận thức được nên chuyển nghề. Nếu như trước đây có 74 gia đình làm nghề sản xuất dây thừng, dây nilon, hiện chỉ còn khoảng 30 hộ, và tương lai sẽ có thêm các hộ chuyển đổi nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Công - Chủ tịch UBND phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm

ngõ ngách khu vực này thường có những đống phế liệu chất ngổn ngang, nhiều điểm lấn chiếm cả đường giao thông. Các loại phế phẩm bao tải, nilon còn chất rải rác khắp các ngõ ngách, đường phố, gây mùi xú uế, mất mỹ quan đô thị.

Tại các khu vực đông dân cư, rải rác xuất hiện các hộ gia đình kinh doanh đồng nát, thu gom phế liệu. Phần lớn các hộ tập kết phế liệu kín hết cả diện tích sử dụng, chỉ chừa lối đi nhỏ chật chội trong nhà, nguy cơ gây cháy nổ. Cách đây nửa năm, vụ nổ xảy ra tại dãy liền kề khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) khiến nhiều người chết và bị thương. Nguyên nhân được xác định do chủ vựa đồng nát cưa vật liệu nổ giống bom. Ngay sau khi xảy ra sự cố, các hộ kinh doanh đồng nát tỏ ra lo sợ bởi tai họa nghề nghiệp có thể xảy ra mà chính bản thân họ không thể lường trước được. Trong khi đó, những người sống lân cận các gia đình “làm rác” cũng vô cùng lo lắng.

Theo những người kinh doanh đồng nát, đây là nghề mưu sinh vất vả bởi chủ yếu là những thứ rác rưởi, bẩn thỉu. Sau khi thu mua về, họ phải tiến hành phân loại. Trong quá trình làm nghề, cũng có những rủi ro. Giới làm nghề này vẫn thường nhắc nhau, nếu gặp đầu đạn, lựu đạn hoặc bom thì không được tham, bởi nếu cưa, đục hoặc dùng đèn khò vô hiệu hóa, rất có thể xảy ra sự cố như ở Văn Phú.

Quản lý, chuyển đổi nghề

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trọng Công - Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết, sản xuất dây thừng, dây nilon là nghề truyền thống ở địa phương. Các hộ làm nghề này phải mua lại nilon, chai lọ, nhựa phế thải để chế phẩm. Trên địa bàn phường, có khoảng vài chục hộ thu mua phế thải, và khoảng 30 hộ sản xuất máy dùng bằng nhiệt, điện tạo ra sản phẩm. Việc các hộ dân phơi phế liệu ở hai bên đường cho khô ráo và sử dụng máy sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường. Quận Nam Từ Liêm cũng đã kiểm tra, phối hợp với các cơ quan khác xử phạt.

“Bên cạnh đó, có nguy cơ cháy nổ từ những hộ làm nghề này, nên lực lượng PCCC đã tập huấn, đề nghị bà con làm cam kết; Công an phường, cảnh sát khu vực cũng thường xuyên nhắc nhở. Đây là nghề kiếm sống của bà con, nên chính quyền cũng không thể cấm ngay được, mà phải tuyên truyền, vận động dần. Vừa qua, có trung tâm thương mại của quận Nam Từ Liêm đầu tư trên địa bàn, đã tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi nghề nghiệp, một số hộ đã được bố trí kiốt ở trung tâm thương mại” - ông Công cho biết.

Các cơ sở kinh doanh, thu gom phế liệu có mặt khắp mọi nơi, nhất là trong các khu đông dân cư. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, có biện pháp quản lý đối với những hộ làm nghề này. Đồng thời, tuyên truyền về sự hiểm nguy của vật liệu có thể gây cháy, nổ, tránh những hậu quả khôn lường.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hiem-hoa-tu-nhung-ho-lam-rac-271642.html