Hiểm họa sử dụng máy hết 'đát' đi biển

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra sự cố hỏng máy tàu cá trên biển đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng các con tàu. Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hiện nay, nhiều ngư dân vẫn sử dụng những con tàu... hết đát để đi biển. Hiểm họa khi xảy ra sự cố máy móc là không thể lường hết.

Hàng loạt tàu cá liên tục bảo trì ở các xưởng sửa chữa ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) vì sử dụng máy cũ.

Tràn lan máy cũ, tai nạn liên tục

Theo ông Võ Khắc Én - Chi cục Phó Chi cục Thủy Sản tỉnh Khánh Hòa, không riêng gì ở Khánh Hòa mà tình trạng sử dụng máy cũ rất phổ biển ở toàn quốc. Hiện nay, tại Khánh Hòa có hơn 1000 tàu đánh bắt xa bờ thì 90% là sử dụng máy cũ. Với giá mua máy cũ chỉ bằng một 1/2 đến 2/3 máy mới, nhiều ngư dân "kiên trì" sử dụng máy cũ để tiết giảm kinh phí. Đi kèm với thực trạng này nguy cơ thiệt hại về người và tài sản là không thể lường hết được khi sử dụng máy cũ đang lênh đênh trên biển. Đơn cử, tối 1.12, Hệ thống thông tin Duyên hải (TTDH) Việt Nam nhận thông tin đề nghị cứu nạn khẩn cấp từ hai tàu cá KG 91864 (Kiên Giang), QB 98991 (Quảng Bình) bị hỏng máy trôi dạt trên vùng biển miền Trung và miền Nam. Mới đây, ngày 30.11, Hải quân Vùng 3 (đóng tại Đà Nẵng) phải điều tàu hỗ trợ 11 ngư dân trên tàu cá QNg 92823 do ngư dân Võ Lai (44 tuổi, trú xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) làm chủ, bị chết máy trôi dạt tại vùng biển Hoàng Sa. Hay trường hợp 7 ngư dân trên tàu QNg 90134 TS bị hỏng hộp số, phải cầu cứu khẩn cấp mới đây...

Tại nhiều xưởng chữa tàu biển tại Khánh Hòa, công nhân thường trong tình trạng "làm không ngớt tay" vì tàu về sửa chữa, bảo trì khá nhiều. Ông Nguyễn Văng Quang - chủ xưởng sữa chữa tàu cá Quang Anh (TP Nha Trang) cho hay: "Tàu cá chỉ gặp biển động đã hỏng máy thì có thể khẳng định là sử dụng máy cũ". Theo chủ xưởng này, tàu sử dụng máy cũ thường bị ngộp hệ thống nạp khí, ngộp hệ thống tiếp nhiên liệu, lọc dầu... nên khi tăng ga vượt sóng tránh áp thấp, bão thường hỏng máy. "Lực của sóng nước tác động vào chân vịt gây gãy nhông, trục hộp số. Nhiều chủ tàu chủ quan không thay linh kiện nên bị hỏng hệ thống làm mát… tất cả khiến tàu chết máy, thả trôi" - ông Quang tiết lộ.

Ông Mai Thành Phúc (xã Phước Đồng, Nha Trang) cho biết, ông thường đi Trường Sa đánh bắt hải sản. Ông Phúc đã từng bị chìm một con tàu bị chìm do hỏng máy. Không chỉ thiệt hại nặng nề về tài sản, theo ông Phúc, điều nguy hiểm hơn cả là khi hỏng máy, nếu không ứng cứu kịp thời thì nguy cơ phá nước, chìm tàu rất dễ xảy ra, nguy hiểm đến tính mạng các thuyền viên.

Không có cơ quan nào quản lý?

Theo kỹ sư Lê Đình Khiêm - Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), máy tàu cũ hiện này được các công ty, cơ sở trong nước nhập về tràn lan. Trong khi năng lực thẩm định, máy móc kiểm tra của nước ta có hạn. Nhiều tàu lắp máy cũ khi thử nghiệm ở điều kiện bình thường thì chạy tốt nhưng khi gặp thời tiết xấu thì hỏng hóc.

Tính đến tháng 11.2016, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4 tại Nha Trang (Khánh Hòa) đã cứu nạn và hỗ trợ được cho 482 người với 62 vụ tai nạn tàu thuyền trên biển. Trong đó, các vụ hỏng máy, chìm tàu, sự cố trên biển của ngư dân là 52 vụ, chiếm đến 89%. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc lắp đặt máy mới 100% sẽ rất khó khăn cho ngư dân. Tuy vậy, việc tăng cường quản lý đầu vào, siết chặt các quy định về nhập khẩu máy tàu, linh kiện để nâng cao chất lượng máy tàu là công việc hết sức cấp thiết.

Ông Võ Thiên Lăng - Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Nhà nước phải có hướng ra xử lý vấn đề này. "Đây là chuyện của mấy vạn tàu cá trên cả nước mà lâu nay không có cơ quan nào quản lý hết" - ông Lăng nói. Nếu cứ để ngư dân sử dụng máy cũ như hiện nay để đi biển thì hiểm họa là không lường hết được.

NHIỆT BĂNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc-quan-tam/hiem-hoa-su-dung-may-het-dat-di-bien-618481.bld