Hiểm họa rình rập trên dòng sông Tranh

GD&TĐ - Hiện nay, trên dòng sông Tranh (đoạn qua huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có nhiều bến đò ngang ngày đêm hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các bến đò ngang này đều hình thành tự phát, sử dụng phương tiện thô sơ, không có thiết bị, phương tiện phòng tránh, cứu hộ và đảm bảo an toàn. Hiểm họa rình rập có thể cướp mất tính mạng người dân, học sinh bất cứ khi nào.

Ám ảnh thảm họa

Dòng sông Tranh phía thượng nguồn gập ghềnh thác đá, ngày đêm cuộn xiết. Càng về cuối hạ nguồn dòng sông Tranh như càng hung dữ hơn bởi được bồi thêm những chi lưu nhỏ, trước khi đổ vào lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Vậy mà trên đoạn sông đi qua 2 xã Trà Mai, Trà Tập (thuộc địa phần huyện Nam Trà My) có khoảng 4 - 5 bến đò ngang bất chấp nguy hiểm vẫn ngày đêm hoạt động.

Nhắc đến những bến đò ngang trên đoạn sông Tranh chảy qua địa phận 2 xã Trà Mai và Trà Tập, nhiều người dân địa phương vẫn không quên câu chuyện buồn đau về một người thầy giáo bị dòng nước cuốn trôi cách đây hơn 3 năm trước khi đang trên đường đi dạy về. Nhớ lại chuyện buồn này, ông Hồ Văn Lý (50 tuổi, ở thôn 1, xã Trà Mai) kể: Khi nghe tiếng kêu cứu thất thanh của lũ học trò, người dân thôn 1 chạy ra bờ sông ứng cứu thầy giáo gặp nạn, nhưng hôm đó dòng nước quá hung dữ, mọi người chỉ biết đứng nhìn nó nhấn chìm thầy trong nỗi xót xa, thương tiếc.

Theo ông Hồ Văn Lý, trước đây, để vào các điểm trường thôn ở xã Trà Tập dạy học, nhiều giáo viên phải chọn cách bơi qua sông. Từ sau khi tai nạn thương tâm xảy ra khiến thầy giáo tử nạn, người dân mới sắm đò qua sông. Ban đầu chỉ có một bến đò nhưng đến nay có đến 4 - 5 bến đò vì số lượng người dân ở thôn 4 (xã Trà Tập) và thôn 1 (xã Trà Mai) ngày một tăng, bởi thế mà nhu cầu đi lại, làm ăn, học hành cũng tăng lên.

Ông Lý cho biết thêm: Từ xã Trà Tập vào xã Trà Mai (huyện lỵ Nam Trà My) vẫn có đường bộ nhưng đường sá đi lại còn khó khăn, nhất là ở các địa bàn các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nếu đi thuyền vượt băng qua sông Tranh, rồi đi theo con đường Quốc lộ 40B lên trung tâm huyện Nam Trà My, hay đi xuống huyện Bắc Trà My, thành phố Tam Kỳ thì rất nhanh và tiết kiệm được thời gian; bởi vậy, người dân, học sinh ở các thôn này thường chọn cách đi thuyền, đò.

Mong mỏi một cây cầu

Ông Nguyễn Hoàng Thọ - một người dân địa phương - bày tỏ: Thương nhất là các cháu học sinh muốn vào trung tâm huyện Nam Trà My, hay xuống huyện Bắc Trà My học tập, nếu không muốn đi đường sông thì phải đi bộ vượt gần 15km đường rừng núi. Có em không đủ sức đi bộ thì chọn cách đi đò, bất chấp nguy hiểm rình rập. Chính vì một phần do đường sá đi lại khó khăn nên tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học vẫn diễn ra ở địa phương. Ông Thọ cho hay: Vào mùa khô, nước cạn, việc qua đò có phần đỡ vất vả hơn, nhưng khi mùa mưa lũ đến thì nguy hiểm luôn chực chờ người qua đò. Điều đáng lo hơn là ở một số đoạn sông không có đò, người dân vẫn chọn cách bơi qua, bất chấp nguy hiểm, tính mạng. “Người dân vẫn biết là nguy hiểm rình rập, mọi bất trắc có thể cướp đi mạng sống, nhưng họ không còn cách nào khác…” - ông Thọ nói.

Bởi vậy, mong muốn của người dân, con em địa phương là sớm có một cây cầu treo bắc qua đoạn sông này để không chỉ giải quyết được hiểm họa cho các em học sinh mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của hàng trăm hộ dân nơi vùng cao còn lắm gian khó này. Theo ông Nguyễn Thanh Lũy - Bí thư xã Trà Tập (huyện Nam Trà My), vấn đề này đã được chính quyền UBND xã Trà Tập kiến nghị nhiều lần với UBND huyện Nam Trà My trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được đạp ứng. Ông Lũy cho biết: Vào khoảng thời gian năm 2014 - 2015, có một đoàn khảo sát của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam đến khảo sát để xây dựng cầu treo, tuy nhiên, đến nay thì không thấy tin tức gì. Trước tình hình đó, UBND xã Trà Tập cũng đã có ý kiến với chính quyền huyện Nam Trà My nhưng vẫn chưa thấy phản hồi.

“Thực sự, lãnh đạo, chính quyền địa phương cảm thấy rất lo lắng, trăn trở trước việc người dân, con em đi lại ngày một đông và tình hình nhiều bến đò ngang hình thành tự phát, hoạt động mà không có một biện pháp đảm bảo an toàn nào cho người qua sông. Để nâng cao ý thức phòng tránh rủi ro khi qua sông, chính quyền địa phương chỉ biết tuyên truyền, vận động bà con, học sinh hạn chế đi lại bằng đò ngang. Vào mùa mưa lũ thì tuyệt đối không được qua sông, nhằm tránh xảy ra tai nạn đau lòng”, ông Lũy cho hay.

Tuy nhiên, theo lời ông Lũy thì việc cấm bà con qua lại bằng đò ngang là việc không thể, vì đó là nhu cầu cấp thiết. Cho nên, chính quyền địa phương xã Trà Tập, cũng như bà con nhân dân, con em học sinh trên địa bàn mong muốn chính quyền huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng sớm đầu tư xây dựng một chiếc cầu treo nơi địa phận xã Trà Tập với Quốc lộ 40B nhằm tạo điều kiện thông thương giữa các vùng, giúp bà con, con em học sinh đi lại an toàn, đảm bảo tính mạng. Xóa cảnh bơi qua sông, hay chồng chềnh trên những chiếc đò ngang mong manh, yếu ớt, có thể xảy ra tai nạn bất cứ khi nào.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/hiem-hoa-rinh-rap-tren-dong-song-tranh-2962053-b.html