Hiểm họa 'ma men': Bao nhiêu bài học mới đủ?

GD&TĐ - Theo ghi nhận tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, tuần qua, liên tiếp có thêm nhiều bệnh nhân tử vong vì uống rượu chứa methanol. Mặc dù các bác sĩ vẫn không ngừng cảnh báo về nguy cơ gây ngộ độc nặng, tổn thương thần kinh, mù mắt, tàn phế và thậm chí chết người khi uống phải loại rượu nguy hiểm này nhưng nhiều người vẫn “phớt lờ” để uống, bất chấp hậu quả.

Liên tiếp có thêm nạn nhân

Ngày 17/7, khi Hà Nội đang chống chọi lại cơn mưa lớn do áp thấp nhiệt đới gây nên thì các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện E cũng đang giành giật lại sự sống cho một bệnh nhân nam Nguyễn Văn V (48 tuổi ở Bắc Kim Nỗ, Đông Anh) đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng do uống rượu chứa methanol.

Theo người nhà bệnh nhân V, bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm, hay uống rượu ở gần nhà (xóm 3, Bắc Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội). Sau khi uống rượu 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu dữ dội, thị lực giảm nặng, đồng tử giãn to… được đưa vào khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện E.

Các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy, lọc máu cấp cứu, dùng thuốc giải độc nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, suy đa tạng. Xét nghiệm máu bệnh nhân, nồng độ methanol 229,2 mg/dL. Trong khi nồng độ methanol trong máu trên 20 mg/dL là ngộ độc, trên 40 mg/dL là ngộ độc rất nặng, nguy cơ tử vong.

TS.BS Vũ Đức Định – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện E - cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, Khoa đã tiếp nhận và điều trị 3 trường hợp ngộ độc cấp methanol với mức độ rất nặng. Cá biệt, một bệnh nhân nam (41 tuổi, ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) đã tử vong do ngộ độc rượu methanol với ngưỡng ngộ độc gấp 13 lần ngưỡng ngộ độc thông thường.

Còn theo PGS.TS Hà Trần Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, đây là một trong 5 trường hợp ngộ độc methanol có nồng độ methanol máu cao nhất từ trước đến nay được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện và khả năng sống của bệnh nhân hầu như không có. Bệnh nhân đã được các bác sĩ điều trị bằng tất cả các biện pháp tích cực như cho thở máy, nâng huyết áp bằng các thuốc vận mạch và lọc máu thải trừ chất độc.

Xét nghiệm methanol trong máu đã giảm nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy đa phủ tạng, không đáp ứng với các thuốc điều trị. Mặc dù đã được các bác sĩ Bệnh viện E và Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đưa ra phác đồ điều trị bằng tất cả các biện pháp tích cực nhưng bệnh nhân đã không thể qua khỏi do ngộ độc methanol quá nặng (vượt ngưỡng ngộ độc 13 lần).

Cũng theo PGS Hà Trần Hưng, tuần qua, tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam (45 tuổi, ở Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngộ độc methanol nặng do tự ý pha cồn y tế thành rượu uống. Sau khi uống rượu pha cồn, bệnh nhân này rơi vào tình trạng co giật, hôn mê được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được chẩn đoán nguy kịch, hôn mê, co giật, tổn thương não, sốc, toan chuyển hóa nặng do ngộ độc methanol. Kết quả xét nghiệm máu cũng cho thấy nồng độ methanol là 321,76 mg/dL (cao gấp 16 lần mức cho phép).

Ngăn những cái chết… được báo trước

“Xót xa khi phải chứng kiến những nạn nhân ngộ độc methanol tử vong khi còn rất trẻ… Tại Việt Nam, bệnh nhân ngộ độc methanol thường do uống phải rượu được pha với cồn công nghiệp bán lậu hoặc trôi nổi ngoài thị trường. Bệnh nhân ngộ độc methanol có khả năng được cứu sống nếu uống với số lượng ít, được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tích cực” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã phải thốt lên như vậy trước thực trạng ngộ độc rượu chứa methanol hiện nay.

Thống kê tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 33 người vào cấp cứu vì ngộ độc rượu methanol, trong đó 9 người tử vong. Theo PGS.TS Hà Trần Hưng, mặc dù, các bác sĩ vẫn cảnh báo về mức độ nguy hại của rượu chứa methanol nhưng hầu như ngày nào Trung tâm cũng có ít nhất 2 - 3 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện. Thời gian gần đây có xu hướng gia tăng và nguy cơ tử vong cao hơn với nồng độ methanol vượt ngưỡng cao ngất ngưởng, gấp từ 13 - 16 lần quy định cho phép.

Theo bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội sau khi nhận được thông tin đã chỉ đạo các đoàn kiểm tra xuống bệnh viện lấy thông tin và truy xuất nguồn gốc rượu liên quan đến bệnh nhân ngộ độc methanol tại khu vực có những nạn nhân tử vong vì rượu chứa methanol.

Tuy nhiên, cồn công nghiệp methanol là chất độc cực mạnh, chỉ cần uống phải từ 5 - 15ml chất cồn này có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên là gây mù lòa và từ 30ml có thể gây tử vong. Trong khi đó, xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn methanol trong máu bệnh nhân ngộ độc rượu thường cao gấp nhiều lần so với mức cho phép. Như vậy, chất lượng rượu uống đang bị “bỏ ngỏ”.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, ngoài việc siết chặt các biện pháp quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu, còn tăng cường khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác.

BS Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề xuất, để kiểm soát tình trạng ngộ độc rượu hiện nay, Việt Nam cần sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia, trong đó tập trung vào kiểm soát quảng cáo rượu, bia, đặc biệt, quy định về điểm bán, giờ bán, quản lý rượu tự nấu/rượu thủ công, kiểm soát sử dụng rượu bia ở trẻ em, phòng chống uống rượu bia khi lái xe...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/hiem-hoa-ma-men-bao-nhieu-bai-hoc-moi-du-3560346-b.html