Hết thời lao động giá rẻ?

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng: Tình trạng doanh nghiệp (DN) sa thải lao động ngoài 30 tuổi đang trở nên phổ biến và là một xu hướng.

Tình trạng doanh nghiệp sa thải lao động ngoài 30 tuổi đang trở nên phổ biến và là một xu hướng có tác động xấu tới người lao động; nhưng có thể thấy việc xử phạt doanh nghiệp còn rất nhiều bất cập

Lãng phí nhân lực

Kết quả khảo sát, phân tích thời gian qua cho thấy, việc xử phạt DN sa thải lao động ngoài 30 tuổi là rất khó, do DN đã tìm mọi cách lách luật như chỉ ký 2 hợp đồng ngắn hạn rồi dừng, hoặc trả thêm tiền để lao động lớn tuổi tự xin nghỉ việc. Cũng có DN tăng định mức, mức khoán với người lao động (NLĐ) ngoài 30 tuổi, hoặc di chuyển sang bộ phận khác vất vả hơn, khiến lao động không chịu được áp lực nên xin nghỉ việc.

Công nhân lớn tuổi ở Công ty TNHH Splendour, KCN Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai). Ảnh do công nhân cung cấp

Công nhân lớn tuổi ở Công ty TNHH Splendour, KCN Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai). Ảnh do công nhân cung cấp

Còn qua giám sát giải quyết tình trạng thất nghiệp của BHXH Hà Nội trong năm 2017 cho thấy, tình trạng cho lao động ngoài 30 diễn ra khá phổ biến ở lĩnh vực không cần trình độ tay nghề cao và việc tuyển lao động mới không khó. Tình trạng này rất đáng báo động đối với quyền lợi của NLĐ các chính sách an sinh xã hội và giải quyết việc làm bền vững. Sau khi lĩnh bảo hiểm thất nghiệp xong, nếu không tìm việc làm mới, thì đa số NLĐ sẽ nhận BHXH một lần. Sau đó, do tuổi cao, nên lao động thường làm nghề tự do và không tham gia vào hệ thống BHXH."Đứng ở góc độ quản lý nhân lực thì đây là sự lãng phí. Luật Lao động 2012 quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ ở tuổi 55, nên cần có sự thay đổi về Luật Lao động theo hướng tạo việc làm bền vững, chuyển đổi nghề nghiệp, trong đó có cam kết sử dụng lao động 20 năm trở lên để lao động đạt ngưỡng có thể nhận BHXH khi đến tuổi nghỉ hưu", ông Lê Đình Quảng cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội (Bộ LĐ-TB-XH): "Khi sửa đổi Luật Lao động cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của DN khi sa thải lao động". Thực tế, việc sa thải lao động ngoài tuổi 30 là vấn đề với nhiều nước trong quá trình phát triển. Các nước cũng đưa ra các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Về mặt luật pháp, phải bảo đảm bình đẳng không dựa trên tuổi tác, bảo đảm quyền tiếp cận việc làm lao động người lớn tuổi.

"Như tại Nhật Bản có chính sách hỗ trợ việc làm và giảm thuế đối với DN nhận lao động cao tuổi. Còn Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ DN nhận lao động lớn tuổi và kinh phí từ quỹ bảo hiểm việc làm. Do đó, trong quá trình lấy ý kiến về sửa Luật Lao động 2012, những vấn đề liên quan đến việc sa thải lao động ngoài 30 tuổi cũng sẽ được nêu lên trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến để đảm bảo quyền lợi NLĐ", ông Nguyễn Văn Bình, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết.

Không thể dựa vào lĩnh vực sử dụng nhân công giá rẻ

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, cần sớm có đánh giá tổng thể về tình trạng sa thải lao động tại các KCN – KCX ngoài độ tuổi 30. Hiện nay, số liệu báo cáo tỷ lệ nghỉ việc chủ yếu thông qua lao động thay thế tại các KCN – KCX tại từng địa phương với số liệu khác nhau. Có nơi báo cáo tỷ lệ thay thế lao động 25%, có nơi báo cáo tỷ lệ này là 50%... Đồng thời, cần làm rõ lao động bị thay thế do tuổi tác hay vì các lý do khác? Số lao động bị thay thế tập trung ngành nào? khu vực nào?...

Thời gian vừa qua, do cấu trúc kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào ngành gia công với các lĩnh vực dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. Đây là những ngành nghề nằm ở cuối chuỗi cung ứng, sử dụng nhiều lao động thủ công, giản đơn; là những lĩnh vực mà NLĐ chỉ cần đào tạo vài ngày là làm được, sau vài tháng có thể đạt năng suất tối đa và sau đó ngoài ngưỡng 30 tuổi, năng suất lao động đi xuống. Do đó, giải pháp gốc rễ tình trạng này là nền kinh tế không nên dựa quá nhiều vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động giá rẻ.

"Trong khi đó, về việc trả lương tại Việt Nam hiện nay vẫn dựa theo thâm niên lao động, trong khi năng suất một số lĩnh vực không tương đồng giữa tuổi nghề - năng suất, nhất là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động với tay nghề thấp. Do đó, cơ chế trả công lao động cần thay đổi dựa trên hiệu quả và năng suất lao động", ông Nguyễn Văn Bình cho biết.

Còn theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện tượng sa thải công nhân ngoài độ tuổi 30 đang tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội, làm gia tăng việc nhận bảo hiểm thất nghiệp, nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, đến nay BHXH Việt Nam vẫn chưa có số liệu thống kê một cách tổng quát về tình trạng này, nhất là việc phân loại đối tượng nhận bảo hiểm thất nghiệp và việc lĩnh BHXH 1 lần. Do đó, BHXH Việt Nam đã giao Ban thực hiện chính sách BHXH có báo cáo phân tích tình trạng NLĐ trên 30 tuổi nghỉ việc qua hệ thống thống kê của ngành BHXH, để từ đó có tham vấn chính sách, cũng như định hướng tuyên truyền cụ thể hơn.

Xuân Cường (Báo Tin Tức)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/het-thoi-lao-dong-gia-re-20170918124705421.htm