Hết Tết rồi

(HQ Online)- Ngày đầu tiên trở lại các công sở sau kì nghỉ Tết kéo dài, ngày 15 - 2 (tức mùng 8 tháng Giêng), tràn ngập trên các trang báo mạng là hình ảnh đông kín người đi lễ. Gần và vô cùng đông đúc, không có chỗ chen chân là Phủ Tây Hồ, xa hơn là đền Bà Chúa kho, chùa Hương, chợ Viềng...

Thông tin trên các báo cho thấy đường vào Phủ Tây Hồ chật cứng người chen chúc, tới mức có báo còn giật tít "Ngày làm việc đầu tiên ở... Phủ Tây Hồ". Điều đáng nói là hầu như không ai lạ gì với "tục" đi lễ trong ngày đầu tiên đi làm này. Thậm chí có không ít người chẳng hề "ngại ngần", vô tư khoe ảnh đi lễ chùa trong ngày "đáng ra phải đi làm việc” trên Facebook.

7h30 ngày 16-2, ngày thứ 2 đi làm, trên kênh VOV giao thông cho biết một thông tin lạ, rất lạ so với thông thường "Đường phố khá vắng vẻ, giao thông gần như không có điểm nào ách tắc. Hình như chúng ta vẫn đang trong ngày nghỉ tết".

Chúng ta đã được nghỉ Tết tới 9 ngày. Xin được nhắc lại là 9 ngày nghỉ Tết chứ không phải "3 ngày Tết " như thời cha mẹ làm công nhân trước kia. Trước đó, chúng ta cũng được nghỉ 3 ngày tết Dương lịch. Rõ ràng các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp... đã có kỳ nghỉ Tết thoải mái và công việc hiện đang dồn lại rất nhiều. Đơn cử như ngày đầu tiên đi làm, tất cả các ngân hàng đều đông kín người, cảnh lấy số xếp hàng dài dằng dặc lại lặp lại như những ngày trước khi nghỉ Tết. Nghỉ Tết dài ngày, các giao dịch, hoạt động bị đình trệ nên ngày đầu tiên của năm người người đổ xô đến ngân hàng.

Ngân hàng đã vậy, tin chắc các ngành khác cũng không kém phần nhiều việc.

Theo thống kê chưa đầy đủ trong tháng Giêng miền Bắc có 12 lễ hội "không nên bỏ qua". Chưa kể hàng chục lễ, hội ít nổi tiếng hơn của các vùng quê Bắc bộ mà "quê em, quê anh, quê bạn" rủ rê trước là đi lễ sau là về nhà em chơi khiến nhiều cơ quan, ban ngành ngày làm việc mà vắng hoe, vắng ngắt. Chẳng thế mà có người nói, đi làm mới là lúc dân công sở ăn Tết, chơi Tết.

Nghỉ Tết dài ngày khiến năng lực sản xuất của cả nền kinh tế rất thấp trong tháng 2, dẫn đến năng lực làm việc thấp, tất cả hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng... Theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, nếu tính thiệt hại về GDP với 9 ngày nghỉ trên 365 ngày thì sẽ mất khoảng 2% GDP. Một thiệt hại rất lớn.

Vậy mà không chỉ dừng ở việc nghỉ 9 ngày, hơi hướng nghỉ Tết, chơi Tết có xu thế vẫn kéo dài ở nhiều cơ quan.

Một thông tin cần được nhớ, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế mới công bố, năng suất lao động Việt Nam bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore và đứng cuối bảng so với các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Đã bước vào những ngày làm việc. Điều này trước tiên các cán bộ, công nhân viên, người lao động cần phải nhớ. Và quan trọng hơn người đứng đầu các đơn vị, các cơ quan càng cần phải nhớ để quản lý, giám sát đơn vị mình, tránh cảnh "dư âm nghỉ Tết kéo dài hết Giêng".

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/het-tet-roi.aspx