Hết hồn với 7 cảnh phim kinh điển của 'gã khùng cô đơn'

Đạo diễn Kim Ki Duk đã có cho riêng mình một loạt những tác phẩm điện ảnh thuộc hàng kinh điển của Hàn Quốc

Vẻ ngoài thô kệch, mái tóc dài bù xù và mang khuôn mặt không mấy khi nhận được thiện cảm từ phía khán giả, song Kim Ki Duk lại hiện là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Loạt bài Khám phá ngôn ngữ điện ảnh của "gã điên" Kim Ki Duk sẽ mang đến cho độc giả những nội dung thú vị về phim ảnh và con người của đạo diễn tài ba xứ kim chi.

Từng tự nhận “Tôi không phải là người hoàn hảo”, song những gì đạo diễn Kim Ki Duk tạo ra cho “những đứa con tinh thần” của mình lại gần như không có điểm chê trách. Dưới đây là những trích đoạn phim kinh điển, gây ảnh hưởng nhất của ông tới làng điện ảnh thế giới.

Kim Ki Duk làm chưa tới 20 bộ phim, song đã sở hữu hơn 40 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ

Crocodile (1996)

Crocodile (Cá sấu) là bộ phim đầu tay của Kim Ki Duk, kể về đời sống của một người đàn ông hành nghề vớt xác của những người nhảy cầu tự tử. Những câu chuyện bi thương, lãng mãn xoay quanh ông và một người phụ nữ - người có ý định tự tử song đã được ông cứu lại.

Crocodile kể về chuyện nghề và chuyện tình của một người chuyên vớt xác người tự tử

Tưởng như với cái nghề bạc bẽo, nguy hiểm đó, người đàn ông có tìm được cho mình một người phụ nữ yêu thương song trái lại, chính nhờ nghề đó mà ông có được thứ tình yêu mãnh liệt với một người đàn bà đẹp sau khi “giành lại” cô ta từ tay hà bá.

Cảnh yêu lãng mạn trong “Crocodile”:

The Isle (2000)

Đây là sản phẩm điện ảnh đầu tiên mang về giải thưởng cho Kim Ki Duk. Sau màn ra mắt không thể ấn tượng hơn, kể về cuộc đời của những cô gái điếm sống một mình trên những con thuyền đơn lẻ trôi giữa mặt hồ, phim mang về cho vị đạo diễn Giải Quạ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Bỉ.

“The Isle” đặc tả nụ cười châm biếm của những cô gái điếm, thứ sản phẩm màn ảnh rộng có thể làm thức tỉnh xã hội đang trên đà tha hóa

Cảnh phim gây tranh cãi về cuộc sống của những cô gái điếm:

Address Unknown (2001)

Bộ phim kể về cuộc đời của những người lính chiến, từng bị cấm chiếu tại Hàn Quốc khi nó lột tả một loạt những góc khuất gai góc và đáng xấu hổ của những người quân nhân khi họ sống trong mối quan hệ đầy mâu thuẫn với cộng đồng xung quanh.

Những cảnh phim gây ám ảnh trong “Address Unknown” của đạo diễn Kim Ki Duk

Những trích đoạn ấn tượng trong phim Address Unknown:

Bad Guy (2001)

Bad Guy – Gã Tồi, được xếp hạng là một trong những bộ phim thành công nhất của Kim Ki Duk tính đến thời điểm hiện tại. Phim kể về Han-ki, một tên môi giới “dịch vụ sung sướng” trong phố đèn đỏ ở Seoul. Han-ki đặc biệt thích cô sinh viên trẻ Sun-hwa, người từng bị hắn “cưỡng hôn” ngay trên đường phố và trước mặt người yêu cô này.

“Bad Guy” mang nặng những suy tư của Kim Ki Duk về địa vị xã hội

Bi kịch của phim là việc Han-ki tìm đủ cách để đẩy Sun-hwa vào cảnh nợ nần, khiến cô từ một sinh viên đã trở thành ả gái điếm nhơ nhuốc rồi chính từ đây Han-ki ra tay nghĩa hiệp để chiếm lấy tình yêu của người đẹp.

Nam diễn viên Cho Jae Huyn đã có một vai diễn khó quên trong Bad Guy

Những kẻ dưới cùng xã hội như Han-ki liệu có được cảm thông, hay chỉ đáng bị đám đông và cảnh sát đánh đập dã man trên đường phố. Kim Ki Duk viết ra Bad Guy với hàng đống những câu hỏi như xoáy vào óc người xem.

Cảnh hậu trường của Bad Guy:

Spring, Summer, Fall, Winter…and Spring (2003)

Ngay từ tên phim, khán giả đã có thể hình dung ra triết lí luân hồi của nhà Phật, song trong phim, Kim Ki Duk từng bị cả xã hội Á Đông như Hàn Quốc lên án về những tư tưởng, cảnh phim có ý phỉ báng tôn giáo.

Cảnh quay trong Spring, Summer, Fall, Winter…and Spring

Phim là câu chuyện đời của một nhà thiền sư, sống trên ngôi chùa nhỏ nằm giữa hồ. Cảnh phim nên thơ làm nền cho thứ tình yêu mãnh liệt xảy đến giữa nhà thiền sư (khi còn trẻ) và một cô gái không tên, muốn nương nhờ cửa Phật.

Tình yêu gây tranh cãi trên màn ảnh giữa một chú tiểu và người con gái trẻ đẹp trong Spring, Summer, Fall, Winter…and Spring:

Để rồi khi trót phá giới, tình yêu kia cũng vụt tan, khi người đàn ông cô độc lại trở về với Phật pháp cùng sự tĩnh lặng đến nao lòng của công việc trông coi ngôi chùa nằm lọt thỏm giữa thiên nhiên hoang dã.

3-Iron (2004)

3-Iron (Bộ ba nghịch cảnh) kể về chuyện tình ngang trái, có phần lệch lạc của gã thanh niên Tae-suk chuyên đi ở nhờ và lấy việc dọn dẹp nhà cửa để trả ơn chủ nhà. Tae-suk tìm đến ở nhờ nhà của Sun-hwa, một bà nội trợ trẻ tuổi xinh đẹp song thường xuyên bị chồng bạo hành.

Cảnh đời éo le trong phim 3-Iron

Kết phim, Tae-suk vì tình yêu với Sun-hwa mà quay trở lại ngôi nhà, đánh chồng cô ta rồi cả 2 cùng nhau đi trốn. Bộ phim thứ 11 của Kim Ki Duk thời điểm phát hành từng gây tranh cãi trong dư luận, khi cổ súy việc phá vỡ quan hệ hôn nhân.

Trích đoạn Bộ ba nghịch cảnh, bộ phim gây tranh cãi của Kim Ki Duk:

Pieta (2012)

Pieta (Sự cứu rỗi) lại là bộ phim gây ám ảnh nhiều hơn là giúp người xem hưởng thụ điện ảnh. Phim kể về mối quan hệ bí ẩn giữa Gang-do, một tên đòi nợ tàn ác với người đàn bà trung niên Mi-son, người lúc nào cũng nhận mình là mẹ đẻ của Gang-do.

Pieta mang nặng bầu không khí ngột ngạt, phim ít cảnh quay nơi công cộng, chủ yếu xoay quanh nhân vật chính và đám nạn nhân khốn cùng của hắn, rồi dần hé mở sự thật ghê rợn về người phụ nữ Mi-son.

Trích đoạn phim Pieta:

Phim từng được đề cử tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Liên hoan phim Oscar lần thứ 85 và đạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice.

Chưa từng học qua một trường lớp điện ảnh chuyên nghiệp song Kim Di Duk đang là đạo diễn tài ba nhất xứ Hàn. Không chỉ vậy, ông còn hội tụ nhiều cá tính đặc biệt trong đời tư lẫn sự nghiệp sáng tác. Mời độc giả đón xem kỳ 2: Sự thật về "đứa con điên khùng" của điện ảnh Hàn Quốc vào ngày mai, Thứ Ba ngày 8/11!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/giai-tri/het-hon-voi-7-canh-phim-kinh-dien-cua-ga-khung-co-don-720486.html