Hết cảnh 'rượt đuổi' bị đơn để tìm địa chỉ

Cố tình giấu địa chỉ, thay đổi chỗ ở là một cách kéo rê vụ án của bị đơn, nay với hướng dẫn mới thì tòa được tiếp tục giải quyết mà không đình chỉ.

Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh vụ ông PĐB khởi kiện yêu cầu TAND một huyện ở Bình Dương buộc bà Đoàn Ngọc Huệ và các hộ dân trả lại lối đi ra đường lộ lớn. TAND huyện tuyên ông B. thắng kiện, án có hiệu lực, cơ quan thi hành án xây một bức tường bít lối đi trên. Tháng 10-2014, hai bản án sơ, phúc thẩm bị xử giám đốc thẩm hủy, hồ sơ được trả về cho TAND huyện thụ lý lại. Tháng 3-2015, ông B. rút yêu cầu khởi kiện nên TAND huyện đình chỉ giải quyết nhưng bức tường chắn lối đi chung vẫn còn.

Nguyên đơn được nhờ tòa xác minh

Tiếp đó bà Huệ và các hộ dân kiện ông B. tranh chấp lối đi chung, đầu năm 2016 TAND huyện thụ lý. Bà Huệ cung cấp cho tòa địa chỉ của ông B. đúng như địa chỉ ghi trên các bản án mà ông B. là nguyên đơn trước đó. Nhưng sau khi liên lạc với ông B. không được, tòa ra thông báo yêu cầu các nguyên đơn phải nộp cho tòa địa chỉ mới của ông B. (phải có xác nhận của chính quyền nơi ông B. cư trú). Nhưng tìm hiểu thì bà Huệ biết ông B. không còn sống ở địa chỉ cũ nữa, thế là tòa đình chỉ vụ kiện.

Không chỉ riêng bà Huệ, rất nhiều vụ kiện bị tòa đình chỉ vì lý do không tìm thấy địa chỉ của bị đơn. Thực tế việc cố tình giấu địa chỉ cư trú cũng là cách mà bị đơn thường dùng để kéo rê vụ án, khiến nguyên đơn phải mệt mỏi “rượt đuổi” theo.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 04 ngày 5-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015) thì vướng mắc này đã được giải quyết.

Bức tường chắn lối đi của bà Đoàn Ngọc Huệ và các hộ dân còn nhưng tòa đình chỉ vụ án vì không tìm thấy địa chỉ của bị đơn. Ảnh: P.LOAN

Bức tường chắn lối đi của bà Đoàn Ngọc Huệ và các hộ dân còn nhưng tòa đình chỉ vụ án vì không tìm thấy địa chỉ của bị đơn. Ảnh: P.LOAN

Theo đó sau khi thụ lý vụ án, tòa không tống đạt được thông báo thụ lý vụ án do bị đơn, người liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì giải quyết như sau:

Nếu trong đơn kiện, nguyên đơn ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của họ theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là hợp lệ. Nếu họ thay đổi nơi cư trú mà không thông báo cho người khởi kiện biết địa chỉ mới thì được coi là cố tình giấu địa chỉ. Lúc này tòa tiếp tục giải quyết vụ án mà không đình chỉ với lý do không tống đạt được. Tương tự với bị đơn là cơ quan, tổ chức thay đổi địa chỉ mà không công bố thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và tòa tiếp tục xử.

Nếu không thuộc hai trường hợp trên mà tòa đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu tòa thu thập, xác minh. Nếu tòa không xác định được địa chỉ mới thì có quyền đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Ngoài ra nghị quyết còn hướng dẫn cách giải quyết đối với vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản có người liên quan thuộc diện thừa kế mà nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ…

Gỡ được nút thắt

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), hướng dẫn trong nghị quyết này đã tạo điều kiện tối đa cho nguyên đơn khởi kiện. Thực tế chứng minh nếu bị đơn và người liên quan cố tình giấu địa chỉ thì kể cả cơ quan nhà nước cũng khó tìm chứ không riêng gì nguyên đơn. Tâm lý của người có nghĩa vụ là tìm mọi cách để né nghĩa vụ ấy. Nếu cứ máy móc vì lý do không tìm được địa chỉ mà đình chỉ giải quyết vụ án thì thiệt thòi cho người đi kiện, họ phải “rượt đuổi” theo bị đơn không biết bao giờ mới có thông tin. Mặt khác, nó sẽ làm các tòa mạnh dạn hơn trong việc thụ lý, xét xử vắng mặt bị đơn, không phải băn khoăn trong quyết định có đình chỉ hay không.

“Tuy nhiên, nghị quyết sẽ có giá trị hơn về lâu dài khi hệ thống quản lý công dân hiện đại và hoàn chỉnh hơn, chẳng hạn như mỗi công dân có mã số định danh. Lúc này việc tòa án giúp nguyên đơn tìm địa chỉ của bị đơn và người liên quan sẽ dễ dàng hơn hiện nay” - TS Tiến phân tích.

Theo luật sư (LS) Trần Công Ly Tao (Đoàn LS TP.HCM), về quy định nguyên đơn có quyền nhờ tòa án tìm địa chỉ bị đơn sẽ giúp tòa có trách nhiệm hơn với vai trò của mình, không đẩy phần khó cho đương sự. Tòa án cũng phải có nghĩa vụ hỗ trợ nguyên đơn xác minh truy tìm tung tích của bị đơn, nếu đã cố gắng mà vẫn không được thì mới đình chỉ giải quyết vụ kiện.

LS Ly Tao nói: “Ai cũng biết rằng tòa án là cơ quan nhà nước, họ thuận lợi hơn nhiều khi cần phối hợp với cơ quan nhà nước khác kiểm tra, xác minh thông tin về cá nhân hay tổ chức nào đó. Nghị quyết phù hợp khi giao trách nhiệm cho tòa giúp nguyên đơn trong trường hợp bị đơn cố tình thay đổi chỗ ở hay giấu địa chỉ…”.

Ở đâu cũng phải thông báo

Trường hợp nguyên đơn đã ghi đầy đủ, đúng địa chỉ nơi cư trú của bị đơn trong đơn khởi kiện nhưng bị đơn không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú, làm cho nguyên đơn không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với nguyên đơn thì thẩm phán không trả lại đơn kiện mà xác định bị đơn cố tình giấu địa chỉ và thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 192 BLTTDS 2015

MINH TIẾN - THANH TÙNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/het-canh-ruot-duoi-bi-don-de-tim-dia-chi-703228.html