'Hell or High Water': Góc khuất gai góc của nước Mỹ

Bộ phim “Hell or High Water” (Không lùi bước) của Chris Pine và Ben Foster khắc họa hình ảnh xứ sở cờ hoa thô ráp, bụi bặm, dưới góc nhìn chân thực xen lẫn châm biếm.

Trong Hell or High Water, Toby Howard (Chris Pine) là gã nông dân sở hữu trang trại nhỏ tại bang Texas, Mỹ. Để thoát khỏi cảnh nợ nần, hắn cùng người anh trai mới ra tù là Tanner Howard (Ben Foster) lập kế hoạch cướp ngân hàng. Cả hai liên tục thay đổi mục tiêu, chỉ cướp số tiền rất nhỏ tại mỗi điểm nhằm tránh bị FBI truy nã.

Cho rằng đây chỉ là mấy vụ cướp không mấy nguy hiểm, Cục Cảnh vệ Texas cử người cảnh vệ già sắp về hưu Marcus Hamilton (Jeff Bridges) cùng Alberto (Gil Birmingham) đi điều tra.

Xuyên suốt bộ phim là chuyến hành trình đuổi bắt hai gã tội phạm khốn cùng của viên cảnh vệ già cả mệt mỏi, trên nền là những vùng đồng quê bụi bặm tại miền Nam nước Mỹ.

Tác phẩm tội phạm thuần chất tâm lý

Theo mô tả nội dung, Hell or High Water là tác phẩm hình sự, tội phạm với những vụ cướp liều lĩnh, táo bạo, những pha rượt đuổi nghẹt thở, cân não giữa phe cảnh sát và phe tội phạm. Vụ cướp chớp nhoáng diễn ra ngay đầu phim càng khiến khán giả kỳ vọng vào điều đó.

Song, Hell or High Water thực chất là tác phẩm thuần chất tâm lý bên dưới lớp vỏ hình sự, tội phạm. Vẫn có những vụ cướp, vẫn có những cảnh điều tra, những cảnh đấu súng tàn bạo, nhưng tất cả chỉ để làm nền cho việc tập trung khắc họa tâm lý, hoàn cảnh từng nhân vật trong phim.

Hell or High Water thực chất là một tác phẩm tâm lý, chứ không phải hành động ly kỳ, giật gân.

Trọng tâm của tác phẩm là câu chuyện về hai anh em nhà Howard. Ngay từ cảnh mở đầu, nét khác biệt tâm lý giữa Toby và Tanner được thể hiện khá rõ. Càng về sau, tính cách của hai anh em tội phạm càng trở nên rõ rệt, giúp người xem hiểu hơn về hoàn cảnh dẫn họ tới cảnh “nhúng chàm”.

Điểm đặc biệt của Hell or High Water là phim không hề sử dụng bất cứ cảnh hồi tưởng hay độc thoại nào để kể lại quá khứ nhân vật. Phim đặt khán giả vào cuộc hành trình song hành của hai tuyến nhân vật, rồi dần dần hé lộ hoàn cảnh của họ thông qua hành động, đối thoại trực tiếp.

Điều đó giúp Hell of High Water trở nên hấp dẫn hơn khi khán giả không biết trước kế hoạch hay mục đích của các nhân vật ngay từ ban đầu. Người xem chỉ có thể nắm được bức tranh toàn cảnh khi bộ phim khép lại.

Những góc khuất của nước Mỹ

Tác giả kịch bản của Hell or High Water là nhà biên kịch Taylor Sheridan, người từng khắc họa cuộc chiến chống tội phạm ở vùng biên giới Mỹ - Mexico trong Sicario (2015).

Lần này, thông qua câu chuyện về một vụ cướp nhà băng, ông mang đến cái nhìn mới lạ, ít người biết đến về nước Mỹ hiện đại, tại những nơi mà lằn ranh thiện ác, đúng sai trở nên nhạt nhòa.

Không có các băng đảng tội phạm hay những vụ khủng bố đẫm máu như trong Sicario, vùng nông thôn miền Nam nước Mỹ của Hell or High Water rất đỗi bình lặng, từ cảnh vật đến con người. Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh các thị trấn nhỏ với những ngôi nhà thưa thớt, khung cảnh nhạt nhòa, thiếu sinh khí.

Đó còn là hàng loạt con đường vắng vẻ thưa người qua lại, đám căn hộ cũ nát giăng biển rao bán, các tiệm ăn vắng vẻ với vài ba người khách trầm lặng… Bên ngoài các thị trấn chỉ là những cánh đồng cỏ dại bất tận, những hoang mạc chỉ có nắng và gió bụi. Tất cả tạo nên bầu không khí thê lương, ảm đạm của vùng đất già cỗi nằm bên rìa nước Mỹ văn minh.

Nước Mỹ hiện lên đầy thô ráp, xù xì với nhiều góc khuất trong Hell or High Water.

Con người và cuộc sống nơi đây chẳng mấy tốt đẹp. Đa số các nhân vật trong Hell or High Water đều thuộc độ tuổi trung niên, và khán giả hiếm khi được thấy những gương mặt trẻ tuổi. Họ bị mắc kẹt ở vùng đất bế tắc, yên phận chấp nhận “sống mòn”.

Các vấn đề thực tế tồn tại trong xã hội nước Mỹ được nhắc đến theo lối châm biếm với dư vị chua chát. Trong phim, con người như bị đẩy vào bước đường cùng. Người nông dân bị cướp đất bởi những doanh nghiệp ma mãnh chỉ quan tâm đến tiền bạc. Còn chính quyền sở tại thì bàng quan, trì trệ tới nỗi không còn được dân chúng tin tưởng.

Bản thân bộ phim không có nhân vật phản diện. Lằn ranh thiện ác, đúng sai trong phim gần như không thể xác định. Khó có thể kết luận ai đúng, ai sai, ai là người tốt, ai là kẻ xấu trong thế giới đầy khắc nghiệt mà Hell or High Water vẽ ra.

Khán giả thậm chí có thể cảm thấy đồng cảm với anh em nhà Howard, vốn là hai gã tội phạm trong phim. Chúng có hoàn cảnh bi đát, bế tắc, từng phải chống chọi với những “kẻ cướp” đáng sợ hơn nhiều là đám ông chủ ngân hàng, quỹ tín dụng…

Do đó, hành động của các nhân vật trong phim thường mang đậm nét cảm tính, khiến mỗi khán giả sẽ có nhận định riêng.

Mang đậm hơi thở Viễn Tây

Hell or High Water sử dụng đa số các cảnh trung cận và cảnh toàn, với nhiều khung hình bụi bặm, thô ráp, đượm nét buồn miên man. Hình ảnh những cánh đồng cỏ hoang cháy nắng, hay những con đường quốc lộ chạy dài vô tận đến chân trời giữa hoang mạc tạo ra bầu không khí mông lung, vô định như chuyện đời các nhân vật.

Phần âm nhạc của bộ phim rất ấn tượng với hàng loạt bản nhạc đồng quê nổi tiếng được lồng ghép khéo léo như Dollar Bill Blues của Townes van Zandt, Dust of the Chase của Ray Wylie Hubbard, You Ask Me To của Waylon Jennings hay Sleeping on the Backtop của Colter Wall…

Các bản nhạc nền của Nick Cave và Warren Ellis lại rất thê lương, góp phần tăng thêm tính ảm đảm và không khí ngột ngạt cho mỗi cảnh phim. Tất cả kết hợp lại giúp Hell or High Water trở thành tác phẩm hiện đại mang đậm chất Viễn Tây.

Bộ phim mang đậm chất Viễn Tây và để lại nhiều dư vị đắng chát cho người xem.

Trong số dàn diễn viên, Ben Foster là người nổi bật nhất khi hóa thân thuyết phục thành Tanner Howard. Đây là nhân vật tinh ranh, táo tợn, thể hiện rõ mình là kẻ từng vào tù ra tội, nhưng thực chất là người giàu tình cảm với gia đình. Rõ ràng, Tanner Howard là vai diễn xuất sắc của Ben Foster sau nhiều phim đáng quên trong năm nay như Warcraft hay Inferno.

Chris Pine thể hiện trọn vẹn vai người em trai Toby Howard, dù nhân vật lép vế hơn hẳn về mặt tính cách so với Howard. Tuy có đất diễn ít ỏi, nhưng tài tử gạo cội Jeff Bridges vẫn ghi dấu ấn bằng vai người cảnh vệ già Marcus luôn chua chát về sự đời.

Nhìn chung, Hell or High Water là tác phẩm mang đậm phong cách Viễn Tây tân thời, với một câu chuyện nghiệt ở nơi lằn ranh thiện ác, đúng sai khó có thể phân định. Tiết tấu chậm rãi và việc đi sâu vào khai thác tâm lý nhân vật có thể không phù hợp với khán giả đại chúng, nhưng đây thực chất là bộ phim nổi bật của Hollywood trong năm 2016.

Hell or High Water (Không lùi bước) đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Zing.vn đánh giá: 4/5

Khánh Hưng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hell-or-high-water-goc-khuat-gai-goc-cua-nuoc-my-post697748.html