Hệ thống vận tải hành khách công cộng phải đồng bộ

Ngày 11-6, Báo Hànôịmới có đăng bài "Xây dựng đồng bộ giải pháp và lộ trình quản lý phương tiện cá nhân". Trong bài, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, đến năm 2030 sẽ cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành. Sau bài viết, Báo Hànôịmới đã nhận được ý kiến của một số độc giả, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Việc tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Anh Tuấn

* Ông Bùi Văn Doanh (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng):
Hệ thống giao thông công cộng cần được tính toán khoa học

Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án đến năm 2030 Hà Nội cấm xe máy hoạt động tại các quận nội thành. Đây là ý tưởng tốt để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Xe máy làm cho giao thông lộn xộn, bộ mặt đô thị nhếch nhác, là một trong những nguyên nhân gây tắc đường và tai nạn giao thông. Bỏ xe máy, sẽ giảm hẳn cảnh chen lấn, vỉa hè phong quang, giảm ô nhiễm tiếng ồn và không khí.

Tôi nghĩ, khi cấm xe máy lưu thông, người dân sẽ lựa chọn đi bằng phương tiện công cộng, xe taxi hoặc đi bằng xe ô tô cá nhân. Nếu người dân chuyển sang xe taxi và ô tô cá nhân thì hệ quả sẽ gây ùn tắc hơn nhiều. Do đó, lý tưởng là người dân chuyển sang đi bằng phương tiện công cộng. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi hệ thống hạ tầng và phương tiện vận tải công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao…) phải đủ năng lực đáp ứng và quan trọng nhất là phải tiện lợi.

* Ông Trần Huy Vỵ (phường Việt Hưng, quận Long Biên):
Cấm xe máy lưu hành ở nội thành cần song hành nhiều giải pháp khác

Ùn tắc giao thông kéo theo ô nhiễm môi trường là vấn đề hết sức nhức nhối của Thủ đô Hà Nội. Do vậy, lộ trình quản lý và tiến tới cấm xe máy vào nội đô là cần thiết. Vấn đề này được bàn cách đây 13 năm, nay được bàn lại và có lộ trình đến năm 2030. Để hạn chế xe máy, các nước trên thế giới có nhiều cách. Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) không đăng ký xe máy từ 1985. Một số nước trong khu vực tăng khả năng đảm nhận của vận tải công cộng lên 40, 50 hoặc 60% nhu cầu đi lại của dân.

Việc tính toán cấm xe máy lưu thông trong nội thành cần có lộ trình cụ thể, bởi xe máy là phương tiện mưu sinh của không ít gia đình. Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ người dân trong tạo việc làm, hỗ trợ kinh phí chuyển nghề cho những người kiếm sống chính bằng xe máy.

Hiện nay, người sử dụng xe buýt vẫn phải mất nhiều thời gian đi lại vì sự kết nối giữa hệ thống xe buýt và giữa xe buýt với các địa phương chưa thuận lợi, hệ thống giao thông kết nối với các ngõ phố chưa được quan tâm, bến bãi gửi xe chưa đủ... Nếu khắc phục được những điểm hạn chế này, người dân sẽ tự nguyện không sử dụng xe máy...

* Anh Bùi Văn Trọng (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ):
Còn nhiều tuyến xe buýt ngoại thành chưa được trợ giá

Với người dân ngoại thành, phương tiện tham gia giao thông chủ yếu hiện nay là xe máy. Những người làm nghề buôn bán nhỏ ở khu vực ngoại thành cũng muốn đi bằng xe buýt vào nội thành nhưng không tiện vì không được mang theo hàng hóa cồng kềnh... Nếu dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành thì cần tìm giải pháp phương tiện thay thế phù hợp...

* Chị Nguyễn Thúy Tâm (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm):
Xe máy không phải là thủ phạm duy nhất gây tắc đường

Đúng là số lượng xe máy những năm gần đây gia tăng nhanh chóng, gây áp lực cho hạ tầng giao thông rất lớn. Nhưng không phải xe máy là thủ phạm duy nhất gây ùn tắc giao thông. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tổ chức điểm trông giữ phương tiện còn bất cập, lượng ô tô cá nhân cũng tăng chóng mặt, ý thức tham gia giao thông kém..., những vấn đề này cần được giải quyết trước khi thực hiện cấm xe máy lưu thông trên địa bàn thành phố. Ngoài việc bố trí phương tiện phù hợp để người dân di chuyển vào khu vực cấm xe máy thì cần lắm những điểm trông giữ xe hợp lý...

Linh Nhi - Trung Dũng (ghi)

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/giao-thong/871574/he-thong-van-tai-hanh-khach-cong-cong-phai-dong-bo