Hệ thống giao thông nông thôn: Hiệu quả thấp vì thiếu đồng bộ

Giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng của nông thôn mới (NTM) và cần nguồn lực tương đối lớn.

Dù mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) Hà Nội đã cơ bản được cứng hóa, song nhiều nơi vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa gắn với quy hoạch phát triển sản xuất.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm đến đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông trên địa bàn nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã triển khai 134 dự án cải tạo sửa chữa, nâng cấp đường GTNT với tổng chiều dài 162,7km, tổng kinh phí 3.001 tỷ đồng. Trong đó, trục thôn, liên thôn 84,3km và đường ngõ, xóm 37km, đường trục chính nội đồng 8,2km. Đến nay, huyện không có nợ đọng vốn đầu tư trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, theo ông Dương Viết Cường – Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm, do nguồn lực đầu tư còn nhiều khó khăn nên chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu của đề án NTM, nhất là tại các xã ở xa trung tâm huyện.

Làm đường giao thông nông thôn tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện

Làm đường giao thông nông thôn tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện

Đại diện Sở GTVT cho biết, trong những năm qua, việc đầu tư phát triển hệ thống đường GTNT trên địa bàn TP được gắn liền với Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, tập trung vào hệ thống các đường trục xã, liên xã, trục thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng. Thống kê cho thấy, toàn TP có tổng số hơn 17.100km đường GTNT, sau 5 năm triển khai xây dựng NTM đã đầu tư cứng hóa được 95% đường trục xã, liên xã và 87,4% đường trục thôn. Tuy nhiên, với yêu cầu phát triển trong tình hình mới, hệ thống đường GTNT vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Đó là thiếu đồng bộ, nhiều hệ thống đường mặt cắt ngang còn nhỏ, chưa có hệ thống thoát nước, hệ thống ATGT như sơn, cọc tiêu, biển báo…

Theo ông Nguyễn Đức Toàn – Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT), hệ thống đường nội đồng ở nhiều nơi được cứng hóa bằng cấp phối, trước mắt đáp ứng phát triển kinh tế và dân sinh nhưng giai đoạn tiếp theo cần phải được tiếp tục nâng cấp. Điều đáng nói, nhiều địa phương chưa đầu tư xây dựng đường GTNT theo quy hoạch mà chỉ thực hiện theo hiện trạng nên không đảm bảo tính lâu dài, bền vững. Bên cạnh đó, công tác quản lý, duy tu, bảo vệ kết cấu hạ tầng GTNT cũng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở cấp cơ sở.

Đầu tư theo quy hoạch

Giao thông là tiêu chí số 2 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM với 4 chỉ tiêu quan trọng. Đây được coi là một trong những tiêu chí khó vì cần nguồn lực lớn. Trong năm 2016, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa. Đến nay, toàn TP có 333/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông, còn lại 53 xã chưa đạt. Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, việc vạch tuyến GTNT vẫn chủ yếu lấy đường đi là chính mà chưa phát triển được hệ thống đường trong các vùng chuyên canh để phục vụ sản xuất. Do đó, trong công tác quy hoạch để lập dự án đầu tư GTNT cũng cần phải đánh giá rõ ràng các yếu tố này.

Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Vũ Hoàng Tạo chia sẻ, giao thông là cơ sở để thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng vùng chuyên canh lớn theo hướng hàng hóa, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống đường GTNT Thủ đô vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp lớn do mặt cắt đường còn hẹp, xe ô tô vận tải không đi vào được, phải trung chuyển, làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, trong quá trình đầu tư xây dựng đường GTNT thuộc chương trình xây dựng NTM, các địa phương cần có quy hoạch bài bản, đồng bộ để có hệ thống đường giao thông đáp ứng đa mục tiêu.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, thời gian tới cần tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông, quy hoạch NTM gắn với mục tiêu thúc đẩy kinh tế, tạo lập môi trường cảnh quan mới, đáp ứng được thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển bền vững. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong công tác xây dựng cũng như bảo trì GTNT, mạnh dạn đưa các vật liệu thay thế các nguyên vật liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm để một mặt tranh thủ nguồn lực trong dân, mặt khác nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại địa phương.

Trong số các tiêu chí NTM, giao thông là tiêu chí cần vốn đầu tư lớn nhất, đặc biệt là giao thông thôn xóm và giao thông nội đồng. Hiện nay, UBND TP đã có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 – 2016, trong đó hỗ trợ rất lớn cho xây dựng đường GTNT. Tuy nhiên, việc triển khai theo quy hoạch tại địa phương đều gặp vướng mắc nhất định. Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 – 2020 cần phải bổ sung thêm kinh phí hỗ trợ công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống đường GTNT.

Ông Trần Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng Tài chính thị xã Sơn Tây

NTM là bắt đầu của đô thị hiện đại, bền vững. Do đó, cần thay đổi quy hoạch NTM, trong đó có hệ thống đường GTNT cho phù hợp, không chỉ giới hạn trong 19 tiêu chí. Chúng ta phải tiến tới đô thị hóa nông thôn với kế hoạch cụ thể, chi tiết đến từng thôn bản như tên đường, biển báo hiệu, xây dựng hình ảnh văn hóa NTM mới Thủ đô.

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Trần Danh Lợi

4 chỉ tiêu của Tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM theo quy định của UBND TP Hà Nội gồm: 100% đường trục xã, liên xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. 100% đường trục thôn, xóm, bản và đường liên thôn, xóm, bản được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. 100% đường ngõ, xóm được cứng hóa sạch và không lầy lội vào mùa mưa. 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Theo Sở GTVT, định hướng đầu tư phát triển GTNT đối với các huyện ven đô như Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh... là hệ thống đường kết nối các đô thị, khu dân cư, các tuyến đường quốc lộ vừa phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh vừa giảm ùn tắc giao thông. Đối với các huyện ngoại thành như Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Phúc Thọ, Mê Linh... cần tập trung đầu tư dứt điểm hoàn thành các hệ thống hạ tầng giao thông khung của địa phương phục vụ cho phát triển kinh tế và sản xuất.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/he-thong-giao-thong-nong-thon-hieu-qua-thap-vi-thieu-dong-bo-283442.html