Hệ sinh thái ở các đại dương đang biến đổi mạnh

Các nhà khoa học Australia cảnh báo hiện tượng gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang làm hệ sinh thái của các đại dương trên thế giới, bao phủ trên 70% bề mặt Trái Đất, bị biến đổi mạnh mẽ.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu thuộc trường Đại học Queensland, Australia, giáo sư Ove Hoegh-Guldberg cho biết hành tinh xanh đang chứng kiến hiện tượng suy giảm trong các hệ sinh thái lớn như rừng tảo biển, các cộng đồng sinh vật biển, các vỉa san hô. Các chuỗi thức ăn ở đại dương cũng đang thay đổi do một số loài sinh vật bị suy giảm trên diện rộng. Theo nhà khoa học hàng đầu này, các vấn đề nêu trên đã tạo ra những ảnh hưởng mang tính dây chuyền trên quy mô toàn hành tinh và hậu quả của nó là khôn lường. Giáo sư Hoegh-Guldberg cùng cộng sự đã tổng hợp lại toàn bộ kết quả nghiên cứu trong thập kỷ qua về biến đổi đại dương. Họ nhận thấy sự phân bố sinh vật biển có nhiều thay đổi, dễ nhiễm bệnh hơn và kích thước các loài cá đang ngày càng bé đi. Theo các nhà khoa học, đây có thể là hậu quả của tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đánh bắt cá quá mức, nhiệt độ gia tăng và nồng độ axit của đại dương ngày càng cao. Tiến sĩ John Church thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thời tiết và Khí hậu Australia cho biết sự thay đổi hệ sinh thái biển sẽ ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ CO2 của đại dương - chìa khóa giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Theo tiến sĩ Church, con người không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi với tình trạng khí hậu và đại dương đã bị biến đổi, do đó cần đầu tư dài hạn cho các hệ thống thiết bị quan sát, tránh phản ứng bị động trước những biến động lớn. Trong một diễn biến khác, Cơ quan khoa học phụ trách về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (UN) (trước đó bị cáo buộc là đã lờ đi các chỉ trích và để xảy ra các sai sót nghiêm trọng trong hoạt động của cơ quan này) đã thông báo rằng sẽ công bố danh sách mở rộng các chuyên gia của nhóm trong bản báo cáo về việc ấm lên của trái đất tới đây. Động thái trên nhằm đáp lại một phần những chỉ trích gần đây rằng cơ quan này đã từ chối quan tâm đến các quan điểm không chính thống. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mới sẽ bao gồm nhiều hơn các nhà khoa học và nữ giới đến từ các nước đang phát triển trong đó cũng sẽ chọn ra các tác giả có kiến thức nền rộng hơn so với trước đây. Theo IPCC, Ủy ban cũ bao gồm 559 thành viên được chọn ra từ 2.000 trường hợp được đề cử, trong khi Ủy ban lần này bao gồm 861 chuyên gia được chọn ra từ 3.000 người đề cử trong đó 60% các nhà khoa học sẽ đảm nhận vai trò mới. Nhóm các chuyên gia này chính là những người đã cùng cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore nhận được giải Nobel hòa bình năm 2007. Họ chính là tác giả cho ra đời các bản báo cáo được các chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân sử dụng để xác định các biện pháp đối phó với tình trạng biến đổ khí hậu. Các hoạt động nghiên cứu về tình trạng biến đối khí hậu đã được nhóm này tiến hành từ năm 1989 và đã phát hành khoảng bốn tập báo cáo trong đó bản báo cáo gần đây nhất được đưa ra năm 2007./. (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/he-sinh-thai-o-cac-dai-duong-dang-bien-doi-manh/20106/50291.vnplus