Hệ quả tất yếu của chính sách can thiệp

Vòng đàm phán thứ hai giữa đại diện Chính phủ Xy-ri và phe đối lập trong khuôn khổ Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 vừa mới bắt đầu đã nếm mùi thất bại khi hai bên không thể thống nhất chương trình nghị sự cho cuộc thương thảo.

Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) L.Bra-hi-mi đã phải sử dụng các cuộc gặp riêng rẽ "con thoi" nhằm "giảm áp" căng thẳng trước khi đưa hai bên vào đàm phán trực tiếp. Ông Bra-hi-mi thừa nhận, cuộc đàm phán có khả năng thất bại bởi diễn biến phức tạp của chiến trường Xy-ri khi bị bên ngoài "đạo diễn".

Vòng đàm phán thứ hai của Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 đã có sự khởi đầu đầy gian nan, khi cả hai phía đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại vòng đầu. Cuộc đàm phán thậm chí đã phải dừng lại sau cuộc gặp giữa Đặc phái viên Bra-hi-mi với đại diện cả hai phía. Bất đồng sâu sắc nhất hiện nay là chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Chính phủ Xy-ri muốn tập trung thảo luận cuộc chiến chống khủng bố, trong khi phe đối lập cho rằng giải pháp duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột là thành lập một Chính phủ chuyển tiếp mà không có sự tham gia của Tổng thống Át-xát. Hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau gây bạo lực leo thang.

Yêu cầu của Chính phủ Xy-ri vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ của phe đối lập, mà cả Mỹ và các đồng minh. Bởi vấn đề chống khủng bố mà Đa-mát đưa ra "động chạm" tới các thế lực bên ngoài, vốn đã "hà hơi, tiếp sức" cho phe nổi dậy, trở thành một trong những nguyên nhân làm cuộc nội chiến Xy-ri ngày càng phức tạp. Xuất phát từ những lợi ích và toan tính, các thế lực bên ngoài đã hậu thuẫn các nhóm chiến binh khác nhau, làm cho lực lượng nổi dậy ở Xy-ri phát triển nhanh chóng, thậm chí vượt ngoài tầm kiểm soát của chính những "nhà bảo trợ". Các nhóm nổi dậy ở Xy-ri "nở rộ" và mở rộng hoạt động nhằm giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở nước này theo kiểu "chia để trị". Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhóm có quan hệ mật thiết với An Kê-đa đang khiến nhiều nhóm khác lo ngại. Ngay trong hàng ngũ nổi dậy ở Xy-ri, các cuộc "thanh toán" lẫn nhau giữa các nhóm cũng vô cùng khốc liệt, đồng thời làm xuất hiện một cuộc chiến mới trong lòng cuộc nội chiến Xy-ri. Nhóm "Nhà nước Hồi giáo I-rắc và cận Đông (ISIL), với khoảng vài chục nghìn tay súng, đã giành quyền kiểm soát phần lớn các vùng lãnh thổ giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu tiến công của nhóm này không chỉ nhằm vào lực lượng của Tổng thống Át-xát mà còn tiêu diệt cả những tay súng từng là "huynh đệ". Trong sự trỗi dậy của các nhóm thánh chiến có cả Mặt trận An Nu-xra, thành phần đại diện thứ ba chính thức của An Kê-đa ở Xy-ri. Lực lượng này đang trở thành mối đe dọa không chỉ của Chính phủ Xy-ri mà còn cả các nhóm chiến binh Hồi giáo khác trong hàng ngũ phe đối lập, cũng như đối với cả phương Tây. Trong bối cảnh phe đối lập Xy-ri rơi vào tình trạng "loạn 12 xứ quân", khủng bố có môi trường thuận lợi để tung hoành. Phương Tây "lo sốt vó" trước nguy cơ nhiều tay súng nước ngoài gia nhập hàng ngũ phe nổi dậy Xy-ri để rồi trở về nước thực hiện các "phiên bản tiến công khủng bố".

Trong lúc các cuộc đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 không đạt bước đột phá nào, Hội đồng Bảo an LHQ lại tranh luận gay gắt về dự thảo nghị quyết do Ô-xtrây-li-a, Gioóc-đa-ni và Lúc-xăm-bua soạn thảo liên quan vấn đề trợ giúp nhân đạo tại Xy-ri. Nga cho rằng bản dự thảo nghị quyết này "xa rời thực tế", có ý đồ làm gia tăng rạn nứt chính trị chung quanh tình hình Xy-ri và sẽ "phá vỡ các nỗ lực nhân đạo của cộng đồng quốc tế" tại quốc gia Trung Đông này. Nga kiên quyết khẳng định sẽ không thông qua bản dự thảo nghị quyết mang tính một chiều này.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân làm cuộc khủng hoảng Xy-ri diễn biến phức tạp là bởi chính sách hai mặt của nhiều nước phương Tây và đồng minh. Theo đó "ném đá giấu tay", một mặt kêu gọi các giải pháp đối thoại cho Xy-ri, song mặt khác lại hậu thuẫn lực lượng nổi dậy. Diễn biến mới về cục diện trên chiến trường Xy-ri cũng như những bất đồng trên bàn đàm phán là hệ quả tất yếu của chính sách can thiệp của các thế lực bên ngoài.

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/22356902-he-qua-tat-yeu-cua-chinh-sach-can-thiep.html