Hệ lụy từ hủ tục 'đám cưới cho ma' lén lút ở Trung Quốc

Từng bị cấm trong những năm 1940, hủ tục làm đám cưới cho người đã khuất đang trở lại ở Trung Quốc. Nhiều xác chết đã bị đánh cướp để phục vụ hủ tục này. Và khi nguồn xác chết bị thiếu hụt, những kẻ táng tận lương tâm không ngại giở các thủ đoạn bẩn thỉu nhất.

Yang Jinyu - một nông dân đào trộm 6 bộ hài cốt nữ giới phục vụ các đám cưới ma - bị cảnh sát Thiểm Tây bắt giữ.

Trăm năm hạnh phúc dưới âm phủ

Wei Guohua cuối cùng đã tìm thấy “người trong mộng” của đời mình, gần 10 năm sau khi ông chết. Con cái ông đã mang hài cốt của cô dâu tới và chôn bên trong mộ ông ở Ngọc Lâm, một thành phố tại tỉnh Thiểm Tây, trong ngày 14.11.2012. Một thầy phong thủy nổi tiếng ở địa phương đã có mặt, thực hiện đầy đủ nghi lễ, thủ tục cho đám cưới và tuyên bố hai người là vợ chồng. Trong đám cưới còn có sự xuất hiện của một con gà trống, bởi người ta tin rằng gà trống có thể đưa người đã khuất tới nơi ở mới.

Những hoạt động ở trên có thể rất lạ lùng ở nơi nào đó, nhưng lại là truyền thống kéo dài nhiều thế kỷ ở Trung Quốc. Đám cưới dành cho người đã chết được gọi là “minh hôn” hay đám cưới ma. Người ta tổ chức các đám cưới như thế bởi niềm tin có cuộc sống tiếp nối ở thế giới bên kia.

Văn hóa dân gian Trung Quốc cho rằng nếu một người chết trong đơn độc, họ cũng sẽ đơn độc ở thế giới bên kia. Tệ hơn, các hồn ma cô độc rồi sẽ quay trở lại và tìm cách mang theo thành viên còn sống trong gia đình về âm phủ để bầu bạn với họ. Vì thế, gia đình phải có trách nhiệm đảm bảo người đã khuất được kết hôn trong vui vẻ.

Tuy nhiên, tiến hành đám cưới ma ở Trung Quốc hiện đại không phải việc dễ dàng, vì một số nguyên nhân khác nhau. Trước tiên, đây không phải là hành vi hợp pháp. Hoạt động này đã bị chính quyền cấm từ năm 1949. Nhưng ngày hôm nay, những đám cưới ma vẫn diễn ra lén lút ở các khu vực hẻo lánh của Trung Quốc và có xu hướng tăng lên.

Nhiều gia đình nông thôn Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để làm đám cưới cho người đã khuất.

Thứ hai, đám cưới ma rất tốn kém. Đám cưới này được tổ chức theo nghi lễ của những người đang sống, với khác biệt duy nhất chỉ là hài cốt người chết được chôn xuống cùng nhau vào cuối buổi lễ. Thân nhân và bạn bè người đã khuất thường tụ tập ăn uống vào dịp này. Đôi khi người ta còn phải thuê đội văn nghệ biểu diễn. Sau đám cưới, hai gia đình tiến hành minh hôn thường xuyên gặp gỡ nhau, đặc biệt là vào các ngày lễ lớn. Một số tin rằng sự gắn bó của các gia đình này còn lớn hơn các gia đình là thông gia bình thường.

Và theo truyền thống của một cuộc hôn nhân bình thường, gia đình chú rể phải trao của hồi môn cho nhà cô dâu. Do cặp vợ chồng đã chết, hồi môn luôn được quy đổi thành tiền. Tổng cộng, con cái của Wei đã chi khoảng 2.500 USD tiền hồi môn cho gia đình cô dâu, nhưng họ coi số tiền đó là hợp lý. Một món quà hồi môn thông thường trong một đám cưới ma phải có giá từ 4.500-5.500 USD.

Cuối cùng thì không dễ để tìm các bộ hài cốt phục vụ minh hôn. Chính từ đây, rất nhiều hệ lụy kinh khủng đã xuất hiện.

Những mặt tối đáng sợ

Nhu cầu hài cốt người chết là nữ giới đã tăng lên rất mạnh trong mấy năm gần đây. Giáo sư Chen Huawen - một chuyên gia về truyền thống mai táng của Trung Quốc - nói rằng nguyên nhân do có nhiều thanh niên độc thân làm nghề thợ mỏ tại các tỉnh của Trung Quốc nơi vấn nạn minh hôn còn tồn tại mạnh.

Khai thác than dưới mỏ là một công việc đặc biệt nguy hiểm, thường dẫn tới cái chết nếu tai nạn xảy ra. Theo Chen, gia đình các thợ mỏ thường được bồi thường khoảng 50.000 USD khi một thợ mỏ chết vì tai nạn và họ sẽ sẵn lòng tiêu một phần số tiền để tìm cô dâu cho người đã khuất.

Theo Huang Jingchun - lãnh đạo khoa Trung Quốc tại Đại học Thượng Hải, người đã có nhiều thời gian nghiên cứu về đám cưới ma ở Thiểm Tây trong giai đoạn 2008-2010 - nhu cầu cao đã khiến giá của bộ hài cốt thuộc về một cô gái trẻ đã tăng vọt.

Vào thời điểm ông tiến hành nghiên cứu, mức giá chỉ từ 30.000-50.000 nhân dân tệ - NDT (4.500-7.500 USD). Nhưng ngày hôm nay, mức giá trung bình phải tăng gấp đôi, lên cỡ 15.000 USD. Thi hài một cô gái trẻ đẹp mới chết thậm chí có thể đạt giá tới 30.000 USD trên thị trường chợ đen.

Mức giá đặc biệt cao này đã dẫn tới một loạt vụ cướp mộ, bất chấp việc hoạt động buôn bán hài cốt người chết đã bị đưa ra ngoài vòng pháp luật từ năm 2006. Cụ thể, vào đầu tháng 3.2013, 4 người đã bị tuyên phạt hơn 2 năm tù do đánh cắp 10 thi thể từ các nghĩa địa ở tỉnh Thiểm Tây rồi bán trên chợ đen. Zhou Peng - phóng viên tại tờ Xi’an Evening News từng đưa tin về vụ việc - cho biết rằng những tên tội phạm còn tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ cho các thi thể và nhuộm tóc để họ trông trẻ hơn, và qua đó có giá cao hơn.

Năm 2015, một vụ cướp mộ táo tợn đã xảy ra tại Thiểm Tây. Lần đó, 14 bộ hài cốt của người đã chết là nữ giới đã bị lấy đi khỏi nghĩa trang của một ngôi làng chỉ trong một đêm. Dân làng không biết ai là thủ phạm, nhưng họ tin chắc các bộ hài cốt đã bị bán cho các đám cưới ma.

Trong một vụ khác, tờ Guardian nói rằng hồi năm 2009, một gia đình ở thành phố Hàm Dương (tỉnh Thiểm Tây) đã bỏ tiền cho các tay môi giới, để họ tìm một “cô dâu” phù hợp cho đứa con trai của mình, người vừa chết vì tai nạn đụng xe. Các tay môi giới này lập tức đào xác một thiếu nữ vừa tự sát vì thi trượt đại học và bán cho gia đình kia với giá tới 4.000 USD.

Tháng 2.2012, một người phụ nữ qua đời trong dịp năm mới và được gia đình cô bán cho gia đình của một thanh niên trẻ mới chết với giá chừng 5.000 USD. Không lâu sau đó, cảnh sát bắt được một tay đào trộm mộ, đã quật xác cô lên và tiếp tục bán thi hài cho một gia đình khác với số tiền ít hơn một chút.

Đôi khi vì tiền, người ta có thể làm những việc táng tận lương tâm. Một người đàn ông bị bắt ở quận Liangcheng (vùng Nội Mông của Trung Quốc) vào năm ngoái khai với cảnh sát rằng gã đã giết một cô gái trẻ và bán thi thể cho một gia đình đang định tổ chức đám cưới ma.

Còn trong tháng 8 năm nay, cảnh sát Thiểm Tây đã khởi tố một người đàn ông vì giết 2 người phụ nữ bị tâm thần để bán xác họ cho các đám cưới ma. Vụ việc bị phát hiện từ tháng 4, khi cảnh sát giao thông kiểm tra một chiếc xe hơi chở theo 3 người đàn ông và thấy thi thể của một người phụ nữ nằm trong cốp xe. Mở rộng điều tra, cảnh sát đã xác định nghi phạm chính là một người đàn ông tên Ma. Gã này ban đầu hứa hẹn rằng sẽ tìm chồng cho các nạn nhân, nhưng sau đó giết chết họ để bán xác lấy tiền.

Bõ công 10 năm tìm kiếm

Đám cưới ma dĩ nhiên không phải là chuyện chỉ xảy ra ở mỗi Thiểm Tây. Hủ tục này cũng xuất hiện ở các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam. Szeto Fat-ching - một thầy phong thủy ở Hồng Kông - nói rằng minh hôn còn xuất hiện trong các cộng đồng Trung Quốc sống trong khu vực Đông Nam Á. Tất cả đều bắt nguồn từ niềm tin rằng có cuộc sống nối tiếp ở kiếp sau, và người chết cũng có những nhu cầu như người sống.

Niềm tin ấy khiến các con của Wei Guohua bỏ ra 10 năm đằng đẵng để tìm bằng được một người vợ cho ông. Nhà Wei đã bắt đầu tìm cô dâu từ năm 2003, thời điểm ông Wei trút hơi thở cuối cùng. Sinh năm 1920, ông Wei đã sống độc thân sau khi bị vợ ly hôn vào năm 1960. Là một người đàn ông nghèo với 4 đứa con thơ, triển vọng tìm vợ mới của ông rất ảm đạm. Những đứa con đã chứng kiến ông đối diện với vô vàn khó khăn khi nuôi lớn chúng và muốn báo đáp bằng cách cho ông cuộc sống hạnh phúc ở kiếp sau. Các con cũng tin rằng người cha hạnh phúc sẽ luôn dõi theo và mang lộc tới cho gia đình.

Cô dâu, Yue Caixia, còn đợi lâu hơn thế. Yue sinh năm 1968 và mất năm 1989, khi mới 21 tuổi. Anh chị cô đã cẩn thận khi sắp xếp cuộc hôn nhân cho em gái. Nhưng theo nhà Wei, các cuộc môi giới trước đó của nhà Yue tan vỡ bởi những thỏa thuận bất thành về hồi môn.

Sau thời gian dài không thành công, nhà Yue chán nản. Họ định rời khỏi quê hương và bỏ mặc Yue Caixia ở lại một mình. Vì thế khi nhà Wei ngỏ lời làm đám cưới ma, họ đồng ý ngay.

Yue đã được mai táng quá lâu nên không còn hình hài như ban đầu để gia đình tiến hành trang điểm, giúp cô trở thành một cô dâu. Thay vì thế, gia đình đã gấp các bộ trang phục cưới truyền thống của Trung Quốc thành một cái tiểu nhỏ. Sau đó họ chuyển di cốt của Yue vào trong cái tiểu tạm này.

Họ làm tất cả các công việc chuẩn bị dưới một mái che, không cho ánh nắng chiếu vào di cốt của Yue vì tin rằng điều đó có thể gây hại tới vong linh cô. Và dù đám cưới ma là một chuyện vui trọng đại, cả hai gia đình đã không chụp một tấm ảnh nào, do hoạt động này vẫn đang bị cấm ở Trung Quốc.

Khỏi phải nói gia đình Wei Guohua đã mãn nguyện như thế nào, khi giúp ông có vợ mới. “Đám cưới ma giữa hai người chết rất bền vững và kéo dài mãi mãi” - Zhao Ming - một trong những người cháu của Wei Guohua - chia sẻ - “Ly hôn là chuyện sẽ không bao giờ xảy ra”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/he-luy-tu-hu-tuc-dam-cuoi-cho-ma-len-lut-o-trung-quoc-587276.bld