Hệ lụy từ chiến dịch giải phóng Mosul

Lực lượng an ninh Iraq đang đạt bước tiến nhanh trong việc giải phóng thành phố lớn thứ 2 của nước này là Mosul khỏi tay cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, cuộc chiến bắt đầu bước vào giai đoạn quyết liệt, với việc IS sử dụng nhưng biện pháp mạnh, cụ thể là việc lấy người dân làm “lá chắn sống” và vũ khí hóa học, để cố thủ tại thành phố này.

Ngay trước thềm chiến dịch, do lo ngại giao tranh có thể xảy ra, nhiều gia đình bắt đầu sơ tán từ khu vực phía Nam và Đông tới gần trung tâm thành phố. Tuy nhiên, IS ngăn cản người dân sơ tán khỏi Mosul, yêu cầu những người dân này ở trong các ngôi nhà có nhiều khả năng là mục tiêu của các cuộc không kích.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis, trong nhiều tuần qua, IS đã “giữ chân” khoảng 1,5 triệu người dân Iraq tại Mosul và sử dụng họ như “lá chắn sống” để bảo vệ thành trì. Ngoài ra, các tay súng IS cũng đang triển khai những kẻ tấn công tự sát bằng ôtô, cũng như phóng hỏa các trạm xăng nhằm tạo các làn khói dầy cản trở các chiến dịch không kích và các máy bay trinh sát không người lái.

Ảnh chụp vệ tinh thành phố Mosul ngày 18-10, một ngày sau khi bắt đầu chiến dịch giải phóng thành phố này từ tay IS. Ảnh: Reuters.

Theo Lầu Năm Góc, hiện có khoảng hơn 5.000 tay súng IS cố thủ tại Mosul và các vùng phụ cận. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis cũng cho biết, đã nhận được thông tin về việc dân thường bị sử dụng làm lá chắn sống. Các quan chức Mỹ cũng đã bày tỏ lo ngại IS có thể sử dụng vũ khí hóa học để đẩy lùi lực lượng an ninh Iraq ra khỏi thành phố Mosul.

Tổng thống Mỹ Barak Obama hôm 18-10 nhận định, cuộc chiến tại Mosul sẽ không dễ dàng, nhưng IS sẽ bị đánh bại. Tuy vậy, một số quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ đã lên tiếng hoài nghi về việc liệu binh sĩ Iraq cùng các lực lượng thân với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã sẵn sàng cho chiến dịch giải phóng thành phố chiến lược Mosul chưa.

Các quan chức này cũng bày tỏ lo ngại chiến dịch này có thể để lại một Mosul ngổn ngang và hoang tàn và sẽ trở thành một “cơn ác mộng về chính trị” khi các lực lượng người Sunni, người Kurd và người Shiite sẽ tìm cách chiếm lấy các phần của thành phố mà họ từng góp công giải phóng.

“Tại Washington, vẫn có nhiều quan chức muốn việc chuẩn bị phải “đâu ra đấy” trước khi chiến dịch quân sự diễn ra. Việc buộc lực lượng quân đội Iraq cùng những nhóm thân Chính phủ phải giải quyết mâu thuẫn chính trị lâu dài trước khi bước vào cuộc chiến sẽ chỉ khiến sĩ khí của họ giảm sút”, một quan chức tình báo Mỹ nói và cho biết, sẽ có nhiều quan chức Mỹ khác tìm cách cản trở chiến dịch này.

Hơn thế nữa, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng với Iraq cũng tuyên bố, binh sĩ nước này đang được huấn luyện tại miền Bắc Iraq sẽ tham gia vào chiến dịch này.

Trong khi đó, lực lượng phiến quân người Shiite cũng muốn góp sức. Điều này làm dấy lên nguy cơ xung đột sắc tộc giữa phiến quân người Shiite và những người Sunni đang sinh sống tại Mosul. Bên cạnh tình trạng chia rẽ sắc tộc là sự “xâu xé” đất đai sâu sắc tại khu vực miền Bắc Iraq.

Chính giới chức Mỹ cũng đã thừa nhận hệ lụy này nhưng họ tin rằng, kế hoạch thay thế là chờ đợi cho đến khi Mỹ có thể xác định rõ bạn thù đối với rất nhiều nhóm sắc tộc khác nhau tại Iraq là phi thực tế. Giới chức Mỹ khẳng định, đây là thời điểm để tung đòn quyết định bởi IS đang bị tổn thương sâu sắc về quân sự. Trong khi đó, giới chức phương Tây và Iraq cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn tồn tại những vấn đề nan giải có khả năng quyết định đến sự ổn định trong tương lai của Iraq.

Trong đó, đáng lưu ý là việc các bên tại miền Bắc Iraq đang tranh cãi gay gắt về khu vực do mình kiểm soát nhất là tại thành phố Kirkuk và khu tự trị của người Kurd.

Mặc dù ban đầu, chính những vị chức sắc này mạnh dạn tuyên bố đã có kế hoạch cụ thể trong việc hỗ trợ hàng trăm nghìn người tìm cách rời khỏi thành phố này khi giao tranh xảy ra và sau đó là tiếp quản Mosul từ tay IS. Còn tại Mosul, hiện vẫn chưa rõ việc chia sẽ quyền lực giữa các nhóm người Sunni, Kurd, Turk, Công giáo và Yazidi cùng rất nhiều nhóm nhỏ khác sẽ được chia sẻ như thế nào.

Cựu Đại sứ Iraq tại Mỹ Lukman Faily cho biết, trong khi quá trình lên kế hoạch về quân sự đang có nhiều chuyển biến tích cực thì “về mặt chính trị, chúng tôi vẫn cần giải quyết tốt việc nội bộ”.

Một ngoại giao phương Tây cũng thừa nhận, việc đẩy lui IS khỏi Mosul cần phải được tiến hành một cách rất cân bằng: “Dù có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu nhưng một khi chiến dịch này bất đầu, họ sẽ phải hành động một cách rất linh hoạt để tránh gây ra thiệt hại không đáng có”.

Nếu nhìn lại vấn đề Iraq và Afghanistan, có thể dễ dàng nhận ra rằng, hệ lụy của việc giải phóng Mosul còn phức tạp hơn nhiều so với việc chiến đấu đẩy lùi IS ra khỏi đây.

Chính Đặc sứ của Tổng thống Obama về vấn đề chống IS Brett McGurk đã tuyên bố: “Nếu chúng tôi tìm cách giải quyết mọi vấn đề trước khi mở chiến dịch giải phóng Mosul, chúng tôi sẽ không bao giờ đẩy lui được IS ra khỏi đó. Cuộc chiến khi đó chủ yếu mang nặng ý nghĩa biểu tượng hơn là ý nghĩa thực tế”.

Thật vậy, chiến dịch này diễn ra chỉ 3 tuần trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và được cho là sẽ đóng góp rất nhiều cho chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ nếu chiến dịch này diễn ra “thuận buồm xuôi gió”.

Bên cạnh đó, là hy vọng sẽ để lại được một di sản trong việc chiếm lại được càng nhiều vùng đất khỏi tay IS càng tốt trước khi từ nhiệm vào tháng 1-2017 của ông chủ Nhà Trắng.

Khổng Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/he-luy-tu-chien-dich-giai-phong-mosul-413334/