Hé lộ sự thật gây sốc về thảm họa chìm tàu Titanic

Một số hành khách may mắn sống sót sau ngày định mệnh tàu Titanic chìm đã có những ký ức khó quên về thảm họa hàng hải này.

Millvina Dean (Anh) là một trong số 710 hành khách may mắn thoát chết khi tàu Titanic chìm năm 1912. Thảm kịch hàng hải này đã cướp đi sinh mạng của 1.514 người. Bà là hành khách trẻ nhất và cũng là nhân chứng cuối cùng của thảm họa hàng hải này khi qua đời vào năm 2009.

Sau khi trải qua sự kiện gây chấn động thế giới trên, bà Dean chưa từng đặt chân lên một con tàu biển nào khác kể từ năm 1912. Bà cho hay vẫn luôn cảm thấy rùng mình sợ hãi khi nhớ về vụ tai nạn chìm tàu Titanic.

Bà Dean từng kể rằng, chính hành động nhanh chóng của cha bà đã cứu sống gia đình: “Khi cảm thấy con tàu va vào núi băng, ông đã nhanh chóng đưa gia đình đến nơi có xuồng cứu hộ. Một phần lý do khiến chúng tôi còn sống là ông ấy hành động quá nhanh. Một số người khi đó vẫn nghĩ rằng con tàu không thể chìm được”.

Nhờ có cha mà bà cùng mẹ và anh trai sống sót. Điều không may là cha của bà thiệt mạng cùng với hơn 1.500 người khác. Thi thể của cha bà Dean không bao giờ được tìm thấy.

Bà từng tâm sự: “Tôi thực sự không muốn nhớ, thật đấy”. Mặc dù không muốn nhớ đến những ký ức kinh hoàng về tàu Titanic huyền thoại nhưng bà luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động liên quan tới con tàu huyền thoại trên ngay cả khi 90 tuổi.

Bà Elsie Bowerman cũng là một nhân chứng nổi tiếng về thảm kịch chìm tàu Titanic năm 1912. Khi ấy, bà cùng mẹ mua vé lên tàu Titanic để đến thăm bạn bè và gia đình ở Mỹ, Canada.

Do thuộc diện phụ nữ, trẻ em và là hành khách ở khoang hạng Nhất nên mẹ con bà Bowerman được ưu tiên xuống những chiếc xuồng cứu hộ đầu tiên. Chính vì vậy, họ đã may mắn sống sót.

Khi nhớ lại sự kiện tàu Titanic chìm, bà Bowerman nói: "Sự im lặng bao trùm khi động cơ con tàu đột ngột tắt ngúm, rồi sau đó một thủy thủ đoàn gõ cửa phòng của chúng tôi. Họ nói chúng tôi đi lên boong. Chúng tôi làm theo và được đưa xuống xuồng cứu hộ. Chiếc xuồng được lệnh phải ngay lập tức rời càng xa con tàu càng tốt để tránh bị hút vào trong trường hợp nó chìm xuống. Chúng tôi đã làm điều này và cùng chèo chiếc xuồng thật xa tảng băng trôi ở giữa Đại Tây Dương vào tháng 4. Đó là một trải nghiệm kỳ lạ".

Trong đêm tàu Titanic gặp nạn, Bá tước phu nhân Rothes (tên đầy đủ là Lucy Noël Martha) đã dũng cảm chèo xuồng cứu nạn và trấn an những hành khách khác. Bà đã dạy Gladys Cherry cách dùng mái chèo và thay nhau chèo thuyền cho đến khi gặp được tàu RMS Carpathia.

Với những hành động dũng cảm của Bá tước phu nhân Rothes trong quá trình chèo lái xuồng cứu hộ và hết lòng giúp đỡ các hành khách khác, những người có mặt trên chiếc xuồng đó không thể quên được việc làm của bà. Sau khi trở về nhà, những hành khách này đã viết thư bày tỏ sự cảm kích với những việc mà bá tước phu nhân đã làm cho họ. Thậm chí, họ còn giữ liên lạc với nhau cho đến khi bà Noël mất.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/top-su-that-kho-tin-ve-tham-hoa-chim-tau-titanic-871554.html