Hé lộ cách Mỹ đuổi kịp 'siêu tăng' Armata T-14 của Nga

Quân đội Mỹ hiện đang đầu tư nâng cấp mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams lên tiêu chuẩn SEP v4 vào những năm 2020 nhằm tạo đối trọng với mẫu xe tăng thế hệ mới Armata T-14 của Nga. M1A2 Abrams SEP v4 được cho là sẽ nhanh hơn, nhẹ hơn, được bảo vệ tốt hơn và đặc biệt là có hỏa lực mạnh mẽ.

Theo giám đốc chương trình Vũ khí chiến đấu mặt đất của lục quân Mỹ, Đại Tướng David Bassett, M1A2 Abrams SEP v4 được lên kế hoạch chạy thử vào năm 2021. Nó sẽ bao gồm hàng loạt công nghệ mới như camera màu, cảm biến laser mới, hệ thống kết nối mạng lưới thông tin với các xe tăng khác và đạn pháo đa năng 120mm.

M1A2 Abrams sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn mới

Cảm biến

Chi tiết về các hệ thống thế hệ mới không được tiết lộ nhiều vì lí do an ninh, nhưng ông Basset cho biết, điểm quan trọng nhất của gói nâng cấp cảm biến mới bao gồm việc tích hợp được hệ thống cảm biến hình ảnh nhiệt (FLIR) thế hệ 3.

Đây là hệ thống sẽ kết hợp các cảm biến bước sóng tầm trung và bước sóng dài nhằm thu thập được hình ảnh sắc nét của mục tiêu ở khoảng cách xa hơn trong mọi điều kiện thời tiết từ mưa, bụi hay sương mù. Công nghệ của FLIR giúp kíp lái nhận ra các tín hiệu nhiệt hoặc ánh sáng đặc trưng của mục tiêu, từ đó đưa ra kết luận được đó là mục tiêu gì và đang được trang bị các thiết bị nào.

Các cảm biến chiếu hậu và hệ thống dò tìm laser cũng là một phần trong gói nâng cấp, trong khi cảm biến khí tượng sẽ cho phép chiếc xe tăng dự báo trước các thay đổi của môi trường và chủ động phản ứng trước cho phù hợp.

Đạn pháo đa năng

M1A2 SEP v4 sẽ sử dụng loại đạn 4 trong 1 vô cùng tiện lợi

M1A2 SEP v4 sẽ sử dụng một loại đạn mới phát triển của Mỹ có tên Đạn pháo đa nặng hiện đại (AMP).

Loại đạn này vẫn có đường kính 120mm nhưng có chức năng tổng hợp của 4 loại đạn đang được sử dụng bởi xe tăng Mỹ bao gồm đạn chống tăng nổ mạnh M830 (HEAT), đạn chống tăng đa năng (MPAT) M830A1, đạn nổ mảnh M1028 Canister và và đạn phá chướng ngại vật M908 Obstacle Reduction.

Như vậy, thay vì mang nhiều loại đạn khác nhau, giờ xe tăng Mỹ chỉ cần mang theo đạn AMP và lựa chọn chế độ làm việc thích hợp. AMP có khả năng xuyên thủng chướng ngại vật hay xe bọc thép của đối phương nhưng cũng có thể phát ra nhiều mảnh đạn nhỏ khi phát nổ nhằm tiêu diệt cùng lúc một nhóm lính bộ binh.

Hệ thống tự vệ chủ động

Các hệ thống tự vệ chủ động dành cho xe tăng đang rất phổ biến trên các xe tăng thế hệ mới như Armata của Nga hay Merkerva của Israel, tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực tụt hậu của Mỹ.

Theo giám đốc phát triển kinh doanh của General Dynamics Land Systems, Mike Peck, công ty này đang phối hợp với lục quân Mỹ nhằm thử nghiệm hệ thống tự vệ chủ động (APS) Trophy của Israel vào năm 2017.

Trophy sử dụng radar EL/M 2133 bao gồm 4 ăng ten được gắn trên xe, cung cấp trường quan sát 360 độ, và hỗ trợ bởi các cảm biến nhằm nhiệm vụ phát hiện, kiểm soát, phân loại các mối đe dọa.

Khi mối đe dọa được xác định, máy tính sẽ tính toán thời gian và kích nổ hệ thống phóng các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa chống tăng và vô hiệu hóa nó ở khoảng cách an toàn. Trong trường hợp tên lửa chống tăng không bị phá hủy hoàn toàn, năng lượng từ vụ nổ cũng làm giảm đáng kể, khiến quả đạn không thể thực hiện nhiệm vụ xuyên thủng vỏ giáp như mong muốn.

Ngoài chức năng bảo vệ chủ động cho xe tăng, Trophy còn giúp phát hiện ra chổ trú ẩn của đối phương ngay sau khi tên lửa được phóng ra. Từ đó, đơn vị tham chiến có thể nhanh chóng tiêu diệt quân địch, loại bỏ mối nguy hiểm cho đơn vị.

Troyphy là hệ thống có tiềm năng nhất do nó đã chứng minh được khả năng trong thực chiến tại dải Gaza, tuy nhiên, quân đội Mỹ cũng đang cân nhắc nhiều lựa chọn khác như hệ thống như Iron Curtain của tập đoàn Artis (Mỹ), Iron Fist của công ty Military Industry (Israel) hoặc ADS của hãng Rheinmetall (Đức).

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/he-lo-cach-my-duoi-kip-sieu-tang-armata-t-14-cua-nga-723959.html