Hãy chấn chỉnh nạn dạy thêm - học thêm

Đó là đặt hàng của bạn đọc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông qua diễn đàn. Tuổi Trẻ giới thiệu các ý kiến và giải pháp do bạn đọc gửi đến.

Giờ ra về của một lớp học thêm THPT tại một điểm dạy trên địa bàn Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Quy định phải được thực hiện nghiêm khắc

Dạy thêm - học thêm không phải hoàn toàn xấu nếu nó phục vụ nhu cầu mở rộng, nâng cao và trau dồi kiến thức của người học.

Nhưng một khi nó đã biến thành phong trào người người, nhà nhà chạy đua học thêm, thậm chí ngay từ lớp 1 đã bắt đầu học thêm, học kèm, học trung tâm... và việc một bộ phận giáo viên biến việc dạy thêm thành công việc “kinh doanh”, tìm mọi cách tăng thu nhập và để lại nhiều hệ lụy thì cần phải chấn chỉnh ngay.

Quy định cấm giáo viên dạy thêm đã ban hành ở một số tỉnh thành. Sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” chờ đợi vấn đề bớt “nóng hổi”, hiện nay có vẻ như phong trào dạy thêm đang khôi phục dưới một hình thức mới - thành lập các trung tâm bồi dưỡng kiến thức và giáo viên đăng ký dạy, học sinh đăng ký học. Mọi quy định cần được thực hiện nghiêm khắc, xuyên suốt từ đầu đến cuối! Có như thế mới mong dẹp được vấn nạn dạy thêm - học thêm!

MAI THY

Đứng cuối bảng xếp hạng hạnh phúc

“Tôi đề nghị bộ trưởng hãy chỉ đạo hoặc đặt hàng các nhà khoa học tiến hành cuộc khảo sát xem hiện nay học sinh cảm thấy thế nào về việc học? Các em có cảm thấy vui, hứng thú khi đến lớp hay đến lớp với các em là một gánh nặng?
Bạn đọc Lê Minh Tiến

Nếu có một cuộc xếp hạng nào đó về mức độ hạnh phúc của học sinh ở trường học, có lẽ học sinh Việt Nam sẽ đứng phía cuối bảng xếp hạng, bởi có thể nói rằng hiện nay Việt Nam là một trong những nước mà học sinh phải học nhiều nhất thế giới kể cả thời gian học thêm.

Quả vậy, phần lớn học sinh thuộc bậc giáo dục phổ thông của chúng ta phải học hai buổi một ngày và sau đó tiếp tục học thêm vào buổi tối. Vấn nạn học thêm có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân không thể bỏ qua là vì chương trình học quá nặng đến mức nếu không học thêm thì không thể nắm bắt nội dung được quy định và sẽ nhận kết quả thi không tốt.

Mặt khác, để hiểu rõ hiện trạng của việc học hiện nay, tôi đề nghị bộ trưởng hãy chỉ đạo cấp dưới hoặc đặt hàng các nhà khoa học tiến hành cuộc khảo sát xem hiện nay học sinh cảm thấy thế nào về việc học? Các em có cảm thấy vui, hứng thú khi đến lớp hay đến lớp với các em là một gánh nặng?

Bên cạnh các em học sinh, bộ cũng phải tiến hành khảo sát xem giáo viên đang nghĩ gì, họ có rơi vào cảm giác mình như một con rối luôn phải quay cuồng theo những điều chỉnh, cải cách, thay đổi từ bên trên? Họ có cảm thấy mình được tự chủ khi đứng lớp hay không? Đời sống của họ thế nào và vì sao họ phải dạy thêm khi đã làm việc suốt ngày tại trường? Những công việc “ngoài sư phạm” nào mà họ đang phải đảm nhận và làm thế nào giảm bớt những trách nhiệm ấy cho họ?

Hãy hỏi những giáo viên ở đô thị, ở vùng nông thôn, ở miền núi xem họ đang mong mỏi điều gì và làm cách nào để cải thiện chất lượng dạy cũng như đời sống của họ.

Bộ trưởng cũng hãy cho tiến hành cuộc tìm hiểu xem những người sử dụng lao động, tức các công ty xí nghiệp, cơ quan nhà nước lẫn quốc tế, đánh giá thế nào những sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam chúng ta để từ đó xem xét lại toàn bộ nội dung, phương pháp giáo dục của đất nước mình.

Những phản ảnh của họ là một minh chứng cho biết liệu nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy của chúng ta có tạo ra được nguồn nhân lực tương thích với thực tiễn đời sống hay không?

Nếu bộ trưởng cho tiến hành những cuộc khảo sát nghiêm túc theo những nội dung như trên, ngành giáo dục mới nhận diện được một cách toàn diện đâu là những điểm hạn chế cần khắc phục của nền giáo dục nước nhà.

Những góp ý từ một số giáo viên hay những người có quan tâm đến giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng là rất đáng quý, nhưng chắc chắn không phản ảnh được bức tranh toàn cảnh về những vấn đề của nền giáo dục quốc gia.

LÊ MINH TIẾN (Đại học Mở TP.HCM)

Không lẽ chúng ta bó tay?

Việc này nhiều người đã lên tiếng, nhiều lần được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bộ chủ quản và các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, các giải pháp cụ thể xem ra rất chặt chẽ để quản lý. Nhưng thưa bộ trưởng, có lẽ đâu vẫn vào đấy.

Kính đề nghị bộ trưởng với cương vị mới về quản lý ngành, bộ trưởng cần có giải pháp gì để chấn chỉnh kịp thời nạn dạy thêm - học thêm, thay đổi một việc mà lâu nay đã thành nếp?

Nên chăng bắt đầu từ nội dung chương trình mà bộ đang nghiên cứu cải cách đổi mới, học ít nhưng hiểu nhiều, hiểu sâu môn học; biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Lương tâm đạo đức của người thầy, người cô phải truyền đạt hết kiến thức môn học, không để dành rồi dạy thêm ngoài giờ ở nhà. Vấn đề tiền lương của ngành giáo dục phù hợp để thầy cô có thể sống được như đã bàn lâu nay.

Tôi không muốn đề cập đến vấn đề cấp phép dạy thêm, kiểm tra việc mở lớp, xử phạt, đình chỉ... vì đã làm quá nhiều nhưng tỏ ra không đạt được kết quả như mong muốn. Không lẽ chúng ta đành bó tay trước vấn nạn này?

NGUYỄN CƯƠNG (TP Huế)

Diễn đàn cũng nhận được bài của các tác giả: Cao Văn Long (Bộ Khoa học & công nghệ), Nguyễn Thị Kim Chung (Hà Nội), Trọng Thức (UBND TP Thanh Hóa), Lê Thị Mai, Nguyễn Cương (Huế), Trần Vũ (Tây Ninh), Kiều Lương Gia Hòa (SV Trường đại học Sư phạm TP.HCM), Nguyễn Thị Loan (Gia Lai), Đặng Minh Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa), Lê Văn Đô (TP Rạch Giá, Kiên Giang), Nguyễn Thanh Hùng Hai (Long An)... cùng các bạn đọc Trân Châu, Vũ Thái Dương, Lê Hải Yến, Nguyễn Quốc Đông, Nguyễn Hoàng Nguyên Huy, Thảo Dân...

Những ý kiến, bài viết gửi về diễn đàn vui lòng gửi theo địa chỉ: tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), email: giaoduc@tuoitre.com.vn.

Các ý kiến, bài viết sẽ được chúng tôi đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ra hằng ngày và trên tuoitre.vn. Vui lòng ghi rõ địa chỉ, tài khoản ngân hàng để Tuổi Trẻ chuyển nhuận bút khi bài được sử dụng.

TTO

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160526/hay-chan-chinh-nan-day-them-hoc-them/1107541.html