Hậu thế vận hội, Olympic Sochi 2014 vẫn ‘ngốn’ thêm 7 tỷ USD

Chi phí kỷ lục dành cho Thế vận hội mùa đông 2014 tại Sochi (Nga) từng khiến nhiều người kinh ngạc vì mức độ bội chi ước tính cao gấp hơn 4 lần dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa chịu dừng ở đó, và sẽ tiếp tục cán mốc kỷ lục đắt đỏ mới trong lịch sử thế vận hội với việc tăng thêm khoảng 7 tỷ USD dành cho các công tác hậu thế vận hội.

Tờ Bloomberg hôm 13/2 dẫn nguồn tin từ hai quan chức Moscow cho biết trong vòng 3 năm tới Nga sẽ phải dành thêm ít nhất khoảng 7 tỷ USD để duy trì, tu bổ các địa điểm và cơ sở hạ tầng mới khác xung quanh khu vực Sochi. Điều đáng nói là chi phí phát sinh thêm này đúng bằng tổng số tiền mà Canada đầu tư cho Thế vận hội Vancouver 2010.

Ngoài ra, hai quan chức này cũng cho biết thêm hiện vẫn chưa biết chính xác những địa điểm, công trình nào sẽ được đầu tư thêm sau khi ngọn đuốc của Olympic Sochi 2014 chính thức tàn. Trong khi đó những cuộc đàm phán ngân sách đều được yêu cầu giữ bí mật. Tuy nhiên, 2 vị quan chức giấu tên này cho biết nhiều khả năng ngân sách dành cho thời kỳ hậu Olympic có thể lặp lại kịch bản của thời kỳ tiền Olympic, tức là chi phí đầu tư và bảo dưỡng thường niên kéo dài trong 3 năm tới có thể được “độn” lên gấp chục lần so với ước tính ban đầu.

Theo ông Costas Mitropoulos, người đứng đầu Quỹ phát triển tài sản quốc gia Hy Lạp từng chịu trách nhiệm giám sát tổ chức Thế vận hội Athens, nhấn mạnh: “Thực tế, kế hoạch chi tiêu cho thế vận hội đã phải được tính toán như một yếu tố của việc lập kế hoạch tổ chức Olympic từ rất sớm”. Tuy nhiên, Athens hiện vẫn là bài học nhãn tiền dành cho Sochi khi nhiều công trình xây dựng với số vốn đầu tư “khủng” đã bị bỏ hoang sau khi thế vận hội kết thúc.

Số liệu của Bộ Xây dựng Nga cho biết Moscow dự tính dành khoảng hơn 400 tỷ USD đầu tư cho năm 2014, bao gồm 66 triệu USD dành cho các dự án của Olympic. Song số ngân sách này chỉ đủ để trang trải các hóa đơn tiện ích. Trong năm nay, thâm hụt ngân sách của Nga ước đạt thâm hụt khoảng 11,2 tỷ USD, tương đương với 0,5% GDP cả nước, trong đó chưa bao gồm những khoản ngân sách vẫn đang trong quá trình tranh luận. Tuy nhiên, kịch bản thâm hụt này cũng không phải là viễn cảnh khó xảy ra bởi kể từ khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 2000, chính phủ Moscow đã liên tiếp phải đối mặt với báo cáo thâm hụt ngân sách vào các năm 2009, 2010 và 2013.

Có thể thấy, Thế vận hội mùa đông năm nay được đánh giá là một sự kiện tạo được sức hút khá lớn đối với những khán giả tò mò bởi những xôn xao của các câu chuyện bên lề như chi phí đầu tư “khủng”, những mối đe dọa khủng bố hay những tranh cãi về luật chống người đồng tính của Moscow. Chính “độ nóng” của những câu chuyện ngoài lề này đã khiến các nhà quảng cáo lớn trên toàn thế giới không ngần ngại đồ hàng tỷ USD để quảng bá hình ảnh tại Sochi. Trong khi đó, tờ La Croix (Pháp) lại cho rằng sở dĩ ông Putin mạnh tay đầu tư hơn 50 tỷ USD cho Thế vận hội mùa đông Sochi bởi đây là “cú đặt cược nặng tay” của ông nhằm “khẳng định sự trở lại toàn diện của nước Nga cường quốc”. Tuy nhiên, liệu quyết tâm này của ông Putin liệu có thành hiện thực khi theo tờ La Croix, trong có 7 năm triển khai xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội Mùa Đông tại Sochi, nhiều vấn đề đã phát sinh không nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương. Bên cạnh đó, lòng tin của người dân Nga đang giảm sút trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang phát triển với tốc độ chậm lại. Việc cắt giảm ngân sách và hiện tượng giá cả leo thang được cho là sẽ thúc đẩy xu hướng bất lợi này. Chính những vấn đề này đang khiến cho cú cá cược của ông Putin càng thêm sắc tối.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/hau-the-van-hoi-olympic-sochi-2014-van-%e2%80%98ngon%e2%80%99-them-7-ty-usd