Hậu phương vững chắc của bộ đội Trường Sa

Những con sóng dữ, những ngày nắng cháy da, hay những đêm bão tố gầm gào, tất cả gian lao ấy không làm chùn bước những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Với họ, hậu phương vững chắc chính là động lực tinh thần mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trên chuyến tàu chở thân nhân cán bộ, chiến sĩ ra thăm Trường Sa, tôi được nghe những câu chuyện hết sức xúc động về hậu phương của những người lính đảo. Họ là những người bố, người mẹ, người vợ đang khắc phục những khó khăn trong cuộc sống để những người lính nơi đảo xa yên tâm công tác. Và hôm nay, họ được ra thăm người thân của mình, bao cảm xúc buồn vui như đan xen vào nhau, những câu chuyện, sự chia sẻ về cuộc sống xa con, xa chồng đã gắn kết họ lại gần nhau hơn. Lấy chồng bộ đội họ phải chấp nhận nhiều vất vả, có những lúc ốm đau hay gặp khó khăn trong cuộc sống chồng cũng không thể ở bên, nhưng vì tình yêu với chồng và lớn hơn là với đất nước, họ đã tạm gác những tình cảm riêng tư cho vẹn nghĩa lớn.

Con gái cô giáo Bùi Thị Nhung bên món quà của bố.

Với cô giáo Bùi Thị Nhung, sinh năm 1989, giáo viên Tiểu học và THCS căn cứ Cam Ranh có chồng là Thượng úy Đỗ Đại Hiếu, sinh năm 1976, hiện đang đóng quân tại đảo Trường Sa Đông, thì làm vợ lính đảo cũng có những khó khăn nhưng cũng rất tự hào. Hai vợ chồng đều là người Thái Bình, nhưng để thuận tiện công tác, chị chuyển vào Khánh Hòa sinh sống. Chị Nhung và anh Hiếu có hai con, một con trai hơn 4 tuổi và một con gái hơn 2 tuổi. Trước đây anh Hiếu đóng quân tại đảo Sinh Tồn, nay chuyển đóng quân tại đảo Trường Sa Đông. Chồng xa nhà, con lại nhỏ, chị Nhung thường phải đảm nhận cả hai vai vừa là bố vừa là mẹ của các con. Có những lúc bắt gặp hình ảnh những gia đình quây quần bên nhau, nhất là lúc sinh con không có chồng bên cạnh, chị chợt chạnh lòng, nhưng chị luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn để anh yên tâm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng nơi đảo xa. Càng xa nhau tình cảm vợ chồng dường như càng nồng thắm hơn. Những món quà anh gửi tặng chị chỉ đơn giản là những bông hoa ốc biển, nhưng sao chị cảm thấy ấm áp lạ thường. Chị Nhung kể, có lần anh làm một cây hoa ốc để tặng chị, khi vận chuyển về thì cây bị hư hết, anh lại tỉ mỉ ngồi tháo ra từng bông hoa rồi cuộn lại mất cả ngày mới xong. Đây là món quà quý giá nhất đối với chị Nhung, nó giá trị hơn tất cả những món đồ xa xỉ, bởi nó được kết bằng tình yêu sâu đậm của người lính đảo đối với vợ mình. Mỗi lần nhớ chồng, chị và con lại ngồi ngắm những bông hoa ốc ấy.

Ở xa quê, chồng lại thường xuyên xa nhà, một mình nuôi dạy hai con nên chị Nhung còn phải tự học lấy cách khắc phục, sửa chữa một số vật dụng trong nhà. Mỗi lần chồng điện thoại về hỏi thăm, lo lắng cho vợ con thì chị luôn động viên, dành cho anh sự thông cảm lớn nhất, không để cho anh biết những khó khăn mình gặp phải để anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cô giáo Lê Thị Phượng và chồng trên đảo Trường Sa Đông.

Cũng có chồng đang công tác tại Trường Sa như cô giáo Nhung, câu chuyện của vợ chồng cô giáo Lê Thị Phượng, sinh năm 1990, giáo viên ngữ văn cấp 3, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa khiến mọi người vô cùng xúc động. Hai vợ chồng cưới nhau được 1 tháng thì chồng chị Phượng ra đảo, hai người còn chưa kịp có con nên một mong ước lớn lao trong chuyến đi này là tình yêu của hai người sẽ đơm hoa kết trái. Khi nghe tin vì thời tiết xấu tàu sẽ chuyển hướng đi đảo khác trước, chị Phượng rất lo lắng, cả đêm hôm đó cô không ngủ được chỉ mong thời tiết lại tốt trở lại. Sáng hôm sau, tàu thông báo vẫn giữ lịch trình cũ, chị Phượng hết sức mừng vui, quên hết cả mệt mỏi. Kể về chồng mình, giọng chị Phượng luôn mang một niềm tự hào lớn lao, nhất là khi nói về độ khéo tay của chàng lính trẻ. Chị Phượng kể, ngày sinh nhật của mình, chồng chị đã làm một cây hoa hồng 99 bông bằng vỏ ốc rất đẹp để tặng vợ.

Thượng úy Phạm Viết Sao và vợ gặp nhau trên đảo Tiên Nữ.

Hay câu chuyện của chị Phạm Thị Châm, sinh năm 1976, quê ở Thái Thụy, Thái Bình, hiện đang sống ở Đồng Nai. Chồng chị là Đại úy Tạ Đăng Nhân, đóng quân trên đảo Tốc Tan C. Anh chị có một con trai lớn học lớp 10 và một con gái học lớp 4. Đây là lần thứ hai chồng chị thực hiện nhiệm vụ nơi đảo xa. Lần đầu tiên anh đóng quân tại đảo Trường Sa Lớn. Trong chuyến đi thăm chồng lần này, chị Châm chuẩn bị những thứ hoa quả từ quê mang ra cho chồng. Nhưng do thời tiết nóng, hoa quả hầu như bị hỏng hết. Nhìn những nải chuối, những quả đu đủ, dứa, cam chín nẫu hết ai cũng cảm thấy xót ruột. Chị Châm còn mang 120 quả trứng vịt ra đảo, nhưng do nắng quá trứng cũng nở thành 5 chú vịt con ngay trên tàu.

Hậu phương của những người lính đảo là những câu chuyện bình dị như thế, nhưng lại là nguồn động viên vô cùng lớn lao đối với các anh. Với Thiếu tá Bùi Văn Tiếp, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A, người đã có 6 năm công tác nơi đảo xa thì nỗi nhớ gia đình, vợ con chưa bao giờ vơi, chính nỗi nhớ ấy đã trở thành động lực giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi tiền tiêu Tổ quốc.

Sau nhiều lần đăng ký, cuối cùng bác Nguyễn Thanh Lịch, 55 tuổi, quê ở Thanh Hóa, cũng được bước chân lên chuyến tàu thăm thân để đi thăm con rể là Đại úy Lương Tú Đa, chính trị viên đảo Thuyền Chài A. Niềm vui và sự xúc động đong đầy trong ánh mắt, bác Lịch kể: "Thằng Đa nó ra đảo gần 1 năm rồi, có một con gái 3 tuổi, vợ giáo viên hiện sống ở Cam Ranh. Bố đẻ của Đa mới mất cách đây 3 tháng, khi bố mất nó cũng không thể về gặp mặt bố lần cuối. Lần này, tôi thay mặt bố đẻ cháu ra thăm để động viên Đa luôn vững vàng trước mọi thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Bác Nguyễn Thanh Lịch và con rể Lương Tú Đa.

Cô Minh và con trai trên đảo Trường Sa Đông.

Cô Đặng Thị Minh, 59 tuổi, quê Ninh Bình có con trai là Thượng úy Vũ Văn Huân, sinh năm 1982, đóng quân tại đảo Trường Sa Đông. Con trai cả của cô cũng đang đóng quân trên đảo Sinh Tồn. Vốn xuất thân trong gia đình làm thuốc Nam nên cô Minh có kiến thức về các loại thuốc. Đây là lần đầu tiên ra thăm đảo nên cô Minh cẩn thận chuẩn bị các loại rau khô để tặng các chiến sĩ, cô còn chuẩn bị các thang thuốc chống say sóng cho chị em trên tàu. Khi nhìn thấy những người lính đảo mặc dù còn rất trẻ tuổi nhưng đã khắc phục rất nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, trở thành những người lính rắn rỏi trước sóng gió Trường Sa, cô Minh vô cùng khâm phục. Nhìn những cánh tay chiến sĩ vẫy chào đoàn công tác cứ xa dần, cô Minh đã không ngăn nổi giọt nước mắt.

Thượng úy Nguyễn Trần Giang.

Thượng úy Nguyễn Trần Giang, sinh năm 1985, chính trị viên đảo Tốc Tan B, quê ở Hà Tĩnh, có một con gái 3 tuổi, vợ làm y tế học đường trường mầm non, hai mẹ con hiện vẫn ở quê. Giang kể, có những lần gọi điện về thì con bảo với anh là: “Khi nào bố về làm sinh nhật cho con”, ai mua cho gì cũng bảo bố gửi về. Vì khi vợ sinh con anh không có mặt ở nhà, con được 5 tháng anh mới về nên thời gian đầu con gái luôn gọi bố bằng chú, lúc đi đảo rồi con mới quen gọi bằng bố.

Phía sau những người lính rắn rỏi ấy là sự đóng góp âm thầm của những người thân ở hậu phương. Và còn biết bao câu chuyện xúc động về tình cảm thiêng liêng, gắn bó như thế vẫn đang được những chiến sĩ, những người mẹ, người cha, người vợ viết tiếp. Họ chính là động lực để những người lính đảo vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Để rồi, càng trong gian khó, phẩm chất người quân nhân cách mạng càng ngời sáng, tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ người chiến sĩ Hải quân trong lòng nhân dân.

Bài, ảnh: TƯỜNG VY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/hau-phuong-vung-chac-cua-bo-doi-truong-sa-515540