Hầu hết các hồ ở Hà Nội đang bị ô nhiễm

Chiều 1-11, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: hiện Hà Nội có 120 hồ (tự nhiên và đào), trong đó có 84 hồ đã cải tạo, 10 hồ đang cải tạo và 26 hồ chưa được cải tạo, song cả ba loại hồ này đều đang bị ô nhiễm, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại buổi giao ban báo chí ngày 1-11. Ảnh: DN

Cụ thể với 84 hồ đã cải tạo thì do đây là hồ điều hòa nên ngay cả khi đã được tách nước thải hoàn toàn thì vẫn tiếp nhận hỗn hợp nước mưa lẫn nước thải khi có mưa chảy vào hồ. Đồng thời một số hồ khác đã cải tạo kè bờ, có xây dựng hệ thống cửa chặn nước thải nhưng chưa tách nước hoàn toàn do vậy vẫn phải tiếp nhận một phần nước thải chảy trực tiếp vào như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Linh Đàm, hồ Kim Liên, hồ Nghĩa Tân… nên các hồ đang cải tạo hiện vẫn bị ô nhiễm (chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ).

Với 26 hồ chưa cải tạo, môi trường nước hồ hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng do ý thức của một số bộ phận dân cư và do tốc độ đô thị hóa cao nên tại các hò chưa được kè nằm trong khu vực dân cư, hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ thường xuyên diễn ra như hồ Linh Quang, Tứ Liên, Đại Kim… làm thu hẹp diện tích sử dụng của hồ cũng như giảm khả năng điều hòa thoát nước và gây mất mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó do hệ thống nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp vào hồ gây ô nhiễm. Theo kết quả quan trắc chất lượng các hồ trong nội thành Hà Nội của Công ty Thoát nước Hà Nội trong những năm qua cho thấy, các hồ chưa cải tạo tách nước thải đang ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Để xảy ra tình trạng các hồ đã cải tạo, chưa cải tạo ô nhiễm như thời gian qua nhiều phóng viên đặt vấn đề phải chăng có sự chồng chéo trong quản lý hồ dẫn tới tình trạng cha chung không ai khóc? Về vấn đề này Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, không có sự chồng chéo, bởi việc quản lý hồ được phân cấp cho các cơ quan liên quan một cách rõ ràng.

Lý giải về điều này lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói: Công tác quản lý các hồ bao gồm hai nội dung chính là quản lý về mặt hành chính từ mép kè/ bờ hồ trở ra bao gồm quản lý trật tự đô thi, đảm bảo an toàn an ninh trật tự, chống lấn chiếm hồ và quản lý từ mép kè/ bờ hồ trở vào bao gồm quản lý mực nước, quản lý mặt hồ, lòng hồ; duy trì chất lượng nước hồ, kè hồ…

Trong số 120 hồ ở khu vực nội thành với chức năng là điều hòa thoát nước và bảo đảm cảnh quan môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng đặt hàng với Công ty Thoát nước Hà Nội quản lý mực nước của 85 hồ với các nội dung là đọc thủy trí 55 hồ, duy trì vệ sinh 14 hồ, quản lý quy tắc 4 hồ, vận hành cửa phai 27 hồ.

Các nội dung khác được UBND thành phố giao theo phân cấp cho UBND các quận thực hiện. Theo đó UBND các quận sẽ quản lý về mặt hành chính bao gồm quản lý trật tự đô thị, Sở Xây dựng và Công ty thoát nước quản lý mặt nước, mực nước và điều hòa nước đô thị; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý, kiểm tra chất lượng nước hồ, quan trắc đánh giá chất lượng nước hồ. “Nhìn chung đến thời điểm hiện tại công tác quản lý đã đi vào nền nếp, đúng chức năng nhiệm vụ, không có sự chồng chéo”, Giám đốc Sở Xây dựng nói.

Liên quan tới vấn đề nguyên nhân hơn 200 kg cá chết tại hồ Linh Đàm, tại buổi giao ban báo chí, nhiều phóng viên cũng đặt vấn đề nguyên nhân và giải pháp khi sự việc xảy ra, song theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong hiện thành phố vẫn đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra tìm nguyên nhân. "Khi nào có thông tin, chúng tôi sẽ công bố thông tin cho báo chí", ông Phong nói.

Tuy nhiên theo ông Lê Văn Dục, nguyên nhân ban đầu của hiện tượng cá chế hồ Linh Đàm có thể là do thay đổi thời tiết, sáng nắng to chiều lại mưa. Bên cạnh đó chất lượng nước hồ này cũng trong tình trạng ô nhiễm, song mức độ ô nhiễm chưa trầm trọng như một số hồ khác.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hau-het-cac-ho-o-ha-noi-dang-bi-o-nhiem.aspx