Hầu hết bộ, ngành hoàn thành phân bổ dự toán được giao

Trong báo cáo vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, tính đến đầu tháng 3/2017, cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện phân bổ, giao dự toán chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, dự án đầu tư và gửi Bộ Tài chính kiểm tra theo quy định.

Hoàn thành kế hoạch giao vốn sớm, sẽ thúc đẩy giải ngân đúng tiến độ. Ảnh Internet.

Giao dự toán vốn đầu tư XDCB đạt 99%

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2017 và thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2017 cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đảm bảo thời gian theo quy định.

Căn cứ nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2017 được giao, các bộ, cơ quan trung ương đã khẩn trương thực hiện việc phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2017 đến các chủ đầu tư, các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Hội đồng nhân dân các địa phương đã họp quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương, tính đến đầu tháng 3/2017, cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện phân bổ, giao dự toán chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, dự án đầu tư. Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến ngày 23/3/2017 mới triển khai phân bổ, giao kế hoạch đầu tư năm 2017) và gửi Bộ Tài chính kiểm tra theo quy định.

Tổng số kinh phí thường xuyên Bộ Tài chính đã kiểm tra, thống nhất phân bổ đạt khoảng 96% dự toán được giao. Số dự toán kinh phí còn lại do các đơn vị chưa thực hiện phân bổ chủ yếu là kinh phí dự phòng chống dịch, kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học, dự án, nhiệm vụ chờ phê duyệt của cấp có thẩm quyền... hoặc đã phân bổ nhưng chưa đủ hồ sơ, thuyết minh căn cứ phân bổ, Bộ Tài chính đã yêu cầu bổ sung để kiểm tra theo quy định.

Đối với vốn đầu tư XDCB các bộ, cơ quan trung ương đã triển khai phân bổ, giao dự toán vốn cho các chủ đầu tư dự án đạt khoảng 99% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, các đơn vị đã thực hiện phân bổ, giao dự toán kinh phí thường xuyên và vốn đầu tư, hầu hết đều đảm bảo đúng chế độ và dự toán được giao, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, dành đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương và bố trí hợp lý cho các mục tiêu ưu tiên theo chế độ quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phân bổ vốn, kinh phí không đúng quy định, qua kiểm tra, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị điều chỉnh lại. Đối với các trường hợp chậm triển khai hoặc chưa phân bổ hết dự toán, Bộ Tài chính đã đôn đốc yêu cầu khẩn trương thực hiện phân bổ, giao dự toán theo quy định.

Riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017, tại Nghị quyết số 27/2016/QH14 về dự toán NSNN năm 2017, Quốc hội đã quyết định tổng mức là 50 nghìn tỷ đồng. Đến nay, mới thực hiện phân bổ, giao dự toán gần 5,2 nghìn tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán Quốc hội quyết định.

40/63 địa phương quyết định dự toán chi tăng so với dự toán được giao

Đối với các địa phương, HĐND 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã họp quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017 của địa phương. Đến nay, tổng số thu cân đối NSNN trên địa bàn (không bao gồm các khoản thu quản lý qua ngân sách) là 1.205 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% (12,7 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó: Thu nội địa tăng 1,4% (11,7 nghìn tỷ đồng), với 39/63 địa phương quyết định dự toán thu cao hơn dự toán được giao, các địa phương còn lại quyết định bằng dự toán được giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 0,3% (985 tỷ đồng), với 9/59 địa phương quyết định dự toán thu cao hơn dự toán được giao, 50/59 địa phương quyết định bằng dự toán được giao; thu từ dầu thô bằng dự toán được giao.

Tổng chi cân đối NSĐP (không bao gồm các khoản chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW) là 702 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% (19,3 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó: 40/63 địa phương quyết định dự toán chi tăng so với dự toán được giao (bao gồm tăng chi từ nguồn tăng thu NSĐP so dự toán, chuyển nguồn và kết dư năm trước và tăng bội chi NSĐP), 17/63 địa phương quyết định dự toán chi bằng dự toán được giao, 6 địa phương còn lại quyết định dự toán chi thấp hơn dự toán được giao do dành nguồn để bố trí tăng chi trả nợ gốc (chi ngoài cân đối) hoặc quyết định mức bội chi NSĐP thấp hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các địa phương quyết định dự toán thu, chi NSĐP chưa phù hợp với định hướng của trung ương (bố trí chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ thấp hơn dự toán được giao; mức bội chi NSĐP và tổng số vay của NSĐP cao hơn dự toán được giao,…), Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố báo cáo HĐND cùng cấp điều chỉnh lại cho phù hợp theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước hoặc trong quá trình điều hành ngân sách năm 2017, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để bổ sung ngân sách trong lĩnh vực bố trí thấp hơn dự toán được giao; thực hiện bội chi và vay của NSĐP không vượt quá dự toán Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

Dự toán NSNN năm 2017 được Quốc hội quyết định:

Tổng số thu cân đối NSNN 1.212,18 nghìn tỷ đồng; tổng số chi NSNN 1.390,48 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN 178,3 nghìn tỷ đồng (3,5% GDP), gồm: Bội chi ngân sách Trung ương (NSTW) 172,3 nghìn tỷ đồng (3,38% GDP), bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) 6 nghìn tỷ đồng (0,12% GDP); tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và chi trả nợ gốc 340,15 nghìn tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi 183,62 nghìn tỷ đồng, vay để trả nợ gốc 156,53 nghìn tỷ đồng.

Minh Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hau-het-cac-bo-nganh-hoan-thanh-phan-bo-du-toan-duoc-giao.aspx