Hầu chuyện bạn đọc

Anh Khoa ơi, trong các tập thơ của anh thường có bài Bến đò. Bài thơ anh đề tặng chị Trần Thị Duyên.

- Anh Khoa ơi, trong các tập thơ của anh thường có bài Bến đò. Bài thơ anh đề tặng chị Trần Thị Duyên. Chị Duyên có phải là chị gái của anh không? Trong tuyển tập các bài hát dành cho thiếu nhi, có Bông hoa mừng cô của Trần Thị Duyên. Tác giả bài hát ấy có phải chị Duyên mà anh tặng thơ không? Anh có những kỷ niệm nào với chị?

Vũ Hạnh Nguyên

Cô giáo nuôi dạy trẻ - Nhà trẻ Hoa Hồng - Long Biên - Hà Nội

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

Kỷ niệm với chị Trần Thị Duyên thì nhiều lắm. Nếu kể hết thì phải viết cả một cuốn sách dày. Chị Duyên là chị phụ trách thiếu nhi, công tác tại Tỉnh đoàn Hải Dương. Quê chị ở làng Bùi, An Bồi, Kiến Xương, Thái Bình. Tôi coi chị như người chị ruột. Và bố mẹ tôi, cả nhà tôi đều coi chị như người con cả của gia đình. Chị sinh năm 1942, hơn anh cả Trần Nhuận Minh của tôi 2 tuổi. Đó là một người con gái rất đẹp, hát tuyệt hay. Chị hát còn hay hơn rất nhiều ca sĩ nổi tiếng. Nhiều người gọi chị là người chị tinh thần của tôi. Trong bộ phim dài 30 phút của Hãng truyền hình Pháp quay năm 1968 Thế giới nhỏ của Khoa, chị Trần Thị Duyên và nhà thơ Xuân Diệu là hai nhân vật quan trọng. Ngày 7/11/1976, chị mất đột ngột vì bệnh tim khi chưa đầy tuổi 34. Chị đi tinh khiết như một thiên thần. Nếu còn sống, năm nay chị cũng đã 72 tuổi rồi. Thời gian trôi nhanh quá. Chị Duyên đúng là tác giả ca khúc thiếu nhi nổi tiếng Bông hoa mừng cô mà cô giáo vừa nhắc. Gần đây, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có làm tuyển tập ca khúc đặc sắc dành cho con trẻ, trong đó có bài hát của Trần Thị Duyên. Nhạc sĩ Lân Cường có nhờ tôi viết mấy dòng giới thiệu chị. Tất nhiên, với lượng chữ rất ít, dù rất cố gắng, tôi cũng chưa nói được gì về chị và tác phẩm của chị.

Viết cho thiếu nhi rất khó. Nói như nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi: “Để có tác phẩm hay cho con trẻ, người viết phải rất hiểu trẻ em, cũng lại phải rất hiểu cả người lớn nữa”. Một ca khúc hay cho thiếu nhi, phải là ca khúc trẻ em thích mà người lớn cũng rất thích. Bởi trong đứa trẻ luôn có một người lớn đang hình thành. Và trong người lớn lại cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi. Chỉ những tâm hồn rất trong mới “chơi” với trẻ em được. Và ai “chơi” được với trẻ em, người đó sẽ bất tử.

Trần Thị Duyên không phải chỉ “chơi” được với con trẻ, chị còn là người bạn thân thiết của các em. Cả một đời trong veo và ngắn ngủi của mình, chị đã hiến dâng trọn vẹn cho con trẻ. Cũng vì yêu các em mà chị thành nhạc sĩ. Và hơn thế, chị là một nhạc sĩ rất được các em yêu mến, dù tác phẩm của chị để lại không nhiều: Hải Dương quê em, Em làm kế hoạch nhỏ, Bông hoa mừng cô, Cái nụ (phổ thơ Định Hải)...

Sinh thời, Trần Thị Duyên không nghĩ mình là nhạc sĩ. Chị chỉ làm những đồ chơi xinh xẻo cho các em thôi. Đồ chơi đặc biệt bằng giai điệu. Đó là những giai điệu ngọt ngào, giản dị và trong sáng. Hầu như bài hát nào của chị cũng hay. Một thế giới tâm hồn của thiếu nhi Hải Dương đã được kết tinh lại và bừng sáng trong các ca khúc của Trần Thị Duyên.

Và cùng với những kiệt tác của các nhạc sĩ khác, những bài hát của Trần Thị Duyên sẽ sống mãi. Và rồi bằng sức sống kỳ diệu của nghệ thuật âm nhạc, nó cũng sẽ làm sống dậy cả một thời đại hào hùng, trong sáng và thanh sạch, mà nó đã đi qua...

- Anh Khoa ơi! Vừa rồi, theo dõi trên mạng, tôi thấy có đề văn khá độc đáo: “Hãy nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám”, một nữ sinh THPT ở Hà Nội đã có bài viết bị cô phê: “Chữ nghĩa cẩu thả. Không biết làm bài văn nghị luận xã hội. Nhân vật Cám của em sợ quá”. Bài văn bị cô cho 3,25 điểm. Trên mạng, thấy ý kiến đánh giá rất khác nhau. Có người cho bài viết đặc sắc. Có người lại chê thậm tệ, ủng hộ đánh giá của cô giáo. Ý kiến anh thế nào?

Lê Thị Dung

Giáo viên Trường THCS Mạc Đĩnh Chi - Hải Dương

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi cũng có biết bài văn của em học sinh này. Bài văn như sau:

“BÀI LÀM

Tôi là Cám, tôi sống với mẹ tôi và con của dượng tôi vì bố nó chết lâu rồi nên mẹ con tôi nuôi nó. Nhưng tôi cũng không ưa nó lắm vì nó lúc nào cũng ra vẻ làm chị. Hàng ngày nó cũng khá chăm chỉ vì việc nhà, tôi thấy cũng cỏn con: cho lợn ăn, chăn châu (trâu), nấu cơm, giặt quần áo... Tôi thấy ít việc đó nó làm hợp hơn tôi vì tôi còn bận chọn vải may quần áo và đi làm tóc tai. Tôi đang tuổi đôi mươi mà!

Có hôm mẹ tôi giao cho hai đứa công việc, mỗi đứa một giỏ để đi bắt đầy giỏ tôm cua. Đứa nào nhanh chân thì được cái yếm đỏ mẹ tôi mới mua đẹp mê hồn. Nhưng tôi thì có biết lội ao hồ bao giờ, bẩn hết quần áo mất. Con Tấm thì cứ tìm tìm mò mò đến bao giờ mới xong? Mình cứ đi hái hoa bắt bướm tí đã rồi về bắt tôm cua sau. Chiều khi tôi ra thì đã muộn rồi, thôi thì lừa con ngu kia một phen vậy: “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị bị lấm. Chị ra ruộng sâu mà gội đầu, không về mẹ mắng đó”.

Haha, nó đã tin lời mình, mình phải nhanh tay đổ hết tôm cua tép giỏ nó sang giỏ của mình mới được. Về nhà được lấy yếm đỏ, và tôi đã có cái yếm đỏ.

Một hôm nọ, tôi thấy con Tấm ít ăn, hay để dành một bát cơm của mình. Tôi với mẹ rình xem con ranh đang làm gì. Tôi và mẹ đã thấy nó gọi: “Bống bống bang bang. Bống ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người”, thì có con cá bống bé lòi lên. Tôi và mẹ tính thịt nó làm bữa bống kho. Hôm sau tôi và mẹ lừa nó đi chăn trâu xa không thì người ta thu trâu. Rồi tôi và mẹ tôi bắt con cá bống lên ăn thả ruột lại. Giờ nó hết người làm bạn nhé! Mình phải giấu xương ở xó bếp không cho nó biết mới được.

Sắp đến vũ hội, mẹ và tôi chuẩn bị quần áo giày dép mới cho tôi thật đẹp để kiếm chồng. Hôm đó tôi và mẹ chuẩn bị đi, con Tấm cũng đòi đi. Tôi tức quá, tôi xui mẹ đổ hết thóc gạo vào nhau cho nó ngồi mà sàng mà lọc. Haha, sáng mai cũng chưa xong đâu, rách rưới còn đòi theo quý tộc hahaha...

Đang chơi hội vui vua ban lệnh thử giày, ai đi vừa là vợ vua. Mẹ và tôi cùng thử nhưng giày con nào mà bé thế, bố tao cũng không ních vào được. Lựa đằng này đằng kia đau cả chân, bực cả mình đành thôi. Rồi có một con đến thử rất giống con Tấm nhưng đẹp hơn, nó chỉ gần bằng tôi thôi sao lại vừa giày nhỉ. Bực quá! Gọi nó thì đúng nó rồi. Vua đưa nó về tổ chức đám cưới luôn mới sợ. Con này là con Ôsin mà, vua mù rồi.

Đến ngày giỗ bố nó cũng biết đường vác mặt mà về. Bây giờ oai như cóc rồi, bà sẽ cho mày một phen...”.

Ảnh minh họa: Chuyện Tấm Cám ai cũng biết cả. Vậy mà em học sinh đã biết làm mới câu chuyện bằng giọng kể linh hoạt, sắc lẹm với ngôn ngữ, giọng điệu của Cám: ngoa ngoắt, chanh chua, ác độc…( NT Trần Đăng Khoa).

Nội dung chuyện Tấm Cám ai cũng biết cả. Vậy mà em học sinh đã biết làm mới câu chuyện bằng giọng kể linh hoạt, sắc lẹm. Tôi đồng ý với một bạn đọc đánh giá: “Em đã nhập vai một cách xuất sắc. Lối dẫn chuyện của em khá mạch lạc, hấp dẫn, làm cho người đọc cảm thấy thích thú”. Chuyện do Cám kể thì phải là ngôn ngữ, giọng điệu của Cám. Ngoa ngoắt, chanh chua, ác độc. Thế mới là Cám chứ. Câu chuyện bị “nhảy cóc” cũng hợp lý, vì Cám chỉ biết những chuyện Cám tham dự. Ngoại trừ một số lỗi chính tả và chữ viết quá xấu, còn về nội dung, nếu được chấm, tôi sẽ cho em điểm 9. Tôi đồng ý với nhận xét của bạn Hùng Cường: “Đề bài yêu cầu học sinh nhập vai nhân vật Cám, em đã làm đúng theo yêu cầu của đề. Nhưng giáo viên không đánh giá được điều đó. Tôi từng là giáo viên và hiện đang theo học ở nước ngoài, tôi thấy giáo viên nước ngoài không bao giờ áp đặt cách tiếp cận của mình lên học sinh, một đề bài bao giờ cũng có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Giáo viên ở ta chỉ lăm le theo một cái chuẩn chung và áp học sinh vào. Có lẽ cũng một phần vì những cách chấm điểm như giáo viên này mà nền giáo dục Việt Nam mới như vậy”... Tất nhiên cũng chả nên trách cô giáo. Cô đâu phải cá biệt. Tôi đã từng kể một trường hợp khá đặc biệt do chính nhà văn lớn Nguyễn Khải kể cho tôi với nhà văn Lê Lựu. Cô giáo ra đề phân tích chuyện Mùa lạc của Nguyễn Khải. Cậu con trai nhờ bố làm hộ. Nhà văn bỏ ra cả buổi tối làm bài phân tích câu chuyện của chính mình. Rồi hồi hộp, phấp phỏng chờ kết quả. Khi cô trả bài, ông mới tá hỏa. Ông bị cô giáo cho điểm 2 với lời phê: “Câu chữ lộn xộn. Em không hiểu ý nhà văn!”...

Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/hau-chuyen-ban-doc-n136579.html