Hậu bầu cử Mỹ: Sẵn sàng cho những thay đổi mới

Vậy là kịch bản của Brexit lại lặp lại ở Mỹ nhưng với chấn động hơn nhiều. Ông Donald Trump đã thắng cử, một chiến thắng vang dội, giúp Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.

Để hiểu tại sao những điều tưởng chừng không thể nghĩ tới lại xảy ra ở Anh và Mỹ, chúng ta phải trở lại với lịch sử kinh tế và chính trị thế giới từ nhiều thập kỷ trước.

Khi ấy, sự kết hợp của cách mạng công nghiệp lần thứ ba, sự bùng nổ của ngoại thương và làn sóng di cư đã khiến công ăn việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo của người dân bản địa ở nhiều nước suy giảm, trong đó chịu tác động nặng nhất là những người dân ít học ở vùng nông thôn. Hệ quả là họ không chỉ thiệt thòi về kinh tế mà còn bị gạt ra ngoài lề về chính trị.

Trong khi đó, như Thomas Piketty và nhiều nhà kinh tế học khác chỉ ra, một tỉ lệ rất nhỏ - thường được gọi là “tốp 1%” - được hưởng lợi từ những quá trình này và trở thành nhóm quyền thế, chi phối cả kinh tế và chính trị.

Điều này khiến các nước tư bản - điển hình là Anh và Mỹ - phân cực một cách sâu sắc. Hiện tượng Brexit hay kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua là tiếng nói của những người trong một thời gian dài phải chịu thua thiệt từ sự phát triển công nghệ, từ toàn cầu hóa và từ chính sách nhập cư của Anh và Mỹ.

Vợ chồng ông Trump cùng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, “phó tướng” Mike Pence tại Điện Capitol hôm 10-11 Ảnh: REUTERS

Chiến thắng của ông Trump lại xảy ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục, thậm chí đang tiềm tàng một vòng xoáy đi xuống. Nếu như một thập niên trước đây, tăng trưởng toàn cầu ở mức trên 4% thì hiện nay chỉ còn xấp xỉ 3% do sự suy giảm tổng cầu và sụt giảm thương mại.

Kỳ vọng yếu ớt vào tương lai của nền kinh tế khiến đầu tư tư nhân giảm sút, trong khi lãi suất thấp và sự di chuyển dòng vốn khiến nợ tư nhân tăng vọt. Thực tế đến thời điểm này, tổng nợ của toàn thế giới đã cao hơn mức của năm 2008 - đêm trước của khủng hoảng tài chính thế giới.

Niềm hy vọng lớn nhất bây giờ, nếu có, chỉ là hoặc ông Trump sẽ không thành tâm thực hiện các chính sách trong cương lĩnh tranh cử của mình (như tăng cường bảo hộ thương mại, xây hàng rào ngăn cách với Mexico hay đuổi lao động nhập cư trái phép về nước) hoặc hệ thống thể chế tam quyền phân lập của nước Mỹ đủ mạnh để ngăn cản những bất trắc xảy ra.

Cũng phải nói thêm rằng không chỉ đem đến những “thay đổi” về kinh tế, việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ sẽ còn tạo ra “thay đổi” về chính trị quốc tế mà không một quốc gia nào có thể xem thường.

Một lần nữa, không may là sự xuất hiện của ông Trump trên chính trường quốc tế lại xảy ra đúng vào lúc chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và khủng bố cực đoan đang lan tràn. Đấy là chưa kể nhiều cuộc bầu cử quan trọng khác sẽ diễn ra cuối năm nay và năm 2017, trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến trưng cầu dân ý về Hiến pháp Ý, bầu cử tổng thống Pháp và Đức cũng như điều chỉnh nhân sự sau Đại hội Đảng Trung Quốc.

Sau chiến thắng của ông Trump, không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới sẽ bước vào một thời kỳ mới nhiều biến động. Trong khi chưa thể xuất hiện một thể chế quản trị hay hợp tác toàn cầu có khả năng điều hòa những xung đột về kinh tế cũng như địa chính trị, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải luôn chuẩn bị để sẵn sàng đối diện những diễn biến mới.

Vũ Thành Tự Anh (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hau-bau-cu-my-san-sang-cho-nhung-thay-doi-moi-20161113004032424.htm