Hậu bầu cử: Ai làm tổng thống Mỹ tốt hơn cho châu Á?

Các nhà đầu tư và kinh doanh châu Á đã bị bất ngờ hồi tháng Sáu, khi Anh quốc bỏ phiểu rời Liên minh châu Âu (EU). Với châu Á, Donald Trump hay Hillary Clinton làm tổng thống Mỹ, ai tốt hơn? Bài viết sau đây của phóng viên kinh doanh châu Á Karishma Vaswani đăng trên BBC News ngày 9/11.

Tại thời điểm đó, phần lớn họ đã dự đoán là Anh sẽ bỏ phiếu để ở lại EU. Khi điều ngược lại xảy ra, giá cổ phiếu sụt giảm và lo lắng tăng cao. Vài tháng sau đó, môi trường kinh doanh còn trở nên bất ổn hơn nữa.

Như hãng chuyên nghiên cứu thị trường trái phiếu Nomura nhận định: "Cuộc bầu cử Mỹ đã trở thành yếu tố bất ổn rõ rệt nhất mà các thị trường phải đối đầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (bất ổn hơn nhiều so với Brexit, các cuộc bầu cử tổng thống trước đây ở Mỹ, nhiều cuộc bầu cử ở châu Âu, tranh luận về nợ trần của Mỹ, các cuộc họp OPEC (Tổ chức các nước sản xuất dầu lửa), và thậm chí cả các quyết định của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ)".

Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư ở châu Á cảm thấy rất lo lắng trước kỳ bầu cử, và trở nên hết sức thận trọng lần này. Brexit cho thấy sự chủ quan phải trả giá đắt, và một bài học năm 2016 đã cho chúng ta thấy chớ bao giờ cho rằng điều không thể, sẽ không thể xảy ra. Vậy, Tổng thống Hillary Clinton hay Tổng thống Donald Trump - người nào sẽ tốt hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Á?

Ứng viên Donald Trump đã thắng với 290 phiếu đại cử tri. Ảnh: Reuters

Về thương mại:

Khi nói đến thương mại, châu Á có vẻ như thích bà Hillary hơn. Cả hai ứng viên đều đã phát biểu họ sẽ không thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Obama hậu thuẫn. Nhưng truyền thông Mỹ đưa tin nếu đắc cử, Hillary sẽ có thể ủng hộ TPP dưới một hình thức khác.

Các nền kinh tế như Malaysia và Việt Nam sẽ được lợi nhất nếu TPP được phê chuẩn. Trong lúc đó, nếu Trump làm tổng thống, thì đó sẽ bị coi là một cản trở lớn cho viễn cảnh thương mại châu Á. Khả năng cao nhất, theo hãng nghiên cứu Capital Economics, là việc Trump sẽ dùng "mối đe dọa thuế quan làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán".

Về vấn đề thị thực và nhập cư:

Bà Hillary làm tổng thống cũng sẽ khiến Á châu cảm thấy dễ chịu hơn trong vấn đề nhập cảnh và thị thực. Capital Economics cho biết nếu Trump được bầu làm tổng thống, kế hoạch "trừng phạt các công ty Mỹ đưa công ăn việc làm ra nước ngoài" sẽ ảnh hưởng xấu đến các nước như Philippine và Ấn Độ - hai nước đều phát triển mạnh mẽ mảng nhận làm thuê cho các công ty Mỹ, với việc cung ứng cho các hãng Mỹ hàng triệu nhân công người Philippine và Ấn Độ.

Trump cũng khuyến cáo sẽ cấm người nhập cư từ những nước có "tiền sử về khủng bố chống lại Mỹ và đồng minh của Mỹ".

Về tác động tới trái phiếu và tiền tệ:

Hillary được bầu làm tổng thống, được coi là yếu tố hoàn toàn tích cực cho các thị trường. Sau khi FBI khẳng định và Hillary sẽ không phải đối diện với các cáo buộc mới liên quan tới việc sử dụng email công việc đặt trên máy chủ cá nhân, cổ phiếu châu Á và đồng USD tăng mạnh so với đồng yen Nhật.

Các xu thế dài hạn, cũng như các chính sách kinh tế mà tổng thống Mỹ mới sẽ ủng hộ nhằm tăng trưởng ở Mỹ, sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Nếu Mỹ tiếp tục con đường phục hồi, điều đó có thể sẽ giúp kích cầu và tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nếu Mỹ theo xu hướng bảo hộ hơn, thì điều này sẽ khiến các nhà xuất khẩu châu Á tìm kiếm các thị trường mới và các đối tác kinh doanh mới.

Donald Trump và phu nhân Melania Trump. Ảnh: Reuters

Vậy tiếp theo là gì? Theo ông Eeswar Pradas, Giáo sư trường Dyson thuộc Đại học Cornell, và là tác giả của cuốn "Đồng tiền đang lên giá: sự lên ngôi của đồng Nhân dân tệ", trước kia, tất cả các chiêu trò chính trị đều không có ảnh hưởng nhiều, vì Mỹ vẫn luôn là siêu cường thống trị về kinh tế và chính trị trên thế giới. "Nhưng thời thế đã thay đổi" - ông viết - "Nếu Mỹ tự nguyện rút khỏi thế giới, thì có một quốc gia là Trung Quốc đang ở thế mạnh hơn bất cứ nước nào để thay chỗ của Mỹ".

Điều này có thể đã, và đang xảy ra, nếu ta theo dõi những vị khách đã đến thăm Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong vài tuần qua. Đầu tiên là Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte - cựu thù nay trở thành bạn. Tiếp ngay sau đó là Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Cả hai đều đề cập đến quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh, và đều hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc nhằm vươn tới Đông Nam Á qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư vào các công ty Đông Nam Á.

Khi những cử tri Mỹ đi bầu cử cho nhà lãnh đạo tiếp theo, họ có thể không nghĩ nhiều đến ảnh hưởng toàn cầu của nước Mỹ. Nhưng quyết định của họ sẽ có ảnh hưởng trong khu vực châu Á trong nhiều năm tới. Bây giờ ứng viên Trump đã chiến thắng với 290 phiếu đại cử tri. Liệu chính phủ những nước châu Á có kịp thay đổi chủ trương để xoay theo chiều hướng “Sáng nắng chiều mưa” của nhà tỷ phú bất động sản đầy quyền lực này?

Tường Quyên (Theo BBC)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/hau-bau-cu-ai-lam-tong-thong-my-tot-hon-cho-chau-a-d49632.html