Hậu bão số 1: Tử thần treo trên đầu người dân

Mặc dù mới chỉ là cơn bão đầu tiên của năm 2016, nhưng cơn bão số 1 (tên quốc tế là Mirinae) vừa quét qua nước ta đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với khoảng trên 1.000 cây xanh, gần 100 cột điện, biển báo, cột chiếu sáng các loại bị gãy đổ, hàng chục phương tiện bị hư hỏng và nhiều người bị thương, chính thủ đô Hà Nội lại là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Cây xà cừ cổ thụ trên phố Núi Trúc bị bật gốc do mưa bão đè lên một chiếc xe ôtô.

Hà Nội quay cuồng giữa giông lốc

Chiều 28.7, theo tin từ Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), địa bàn 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng đã có 565 cây bị gãy, đổ. Sau bão, hơn 800 công nhân cùng 86 xe cơ giới đã được đưa ra hiện trường, thu dọn trên 126 tấn rác và cành cây gãy.

Còn theo số liệu được thống kê đến cuối giờ chiều cùng ngày của Thanh tra Giao thông Hà Nội và Điện lực Hà Nội, thì trên địa bàn thành phố có 1.110 cây xanh bị gãy, đổ; 14 biển báo giao thông; 2 hộp đèn quảng cáo gãy đổ ra lòng đường, vỉa hè, dải phân cách gây cản trở giao thông; 29 trạm biến áp bị ảnh hưởng cùng 90 vị trí cột điện trung, hạ thế bị nghiêng hoặc gãy, đổ.

Nghiêm trọng hơn, theo ghi nhận của nhóm PV Báo Lao Động, các vụ cây đổ lại là nguồn cơn của nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Tại phố Núi Trúc, 1 cây xà cừ đường kính 100cm đổ ngang đường đè vào 1 xe ôtô 7 chỗ. Tại phố Ngọc Hà, 1 cây đường kính 50cm đổ ra đường giao thông đè lên xe ôtô bán tải. Tại đường Hai Bà Trưng, 1 cây xanh đổ ra đường giao thông đè lên 1 xe ôtô 5 chỗ. Tại ngã tư Trần Thánh Tông - Trần Hưng Đạo, 1 cây xanh đổ đè lên 1 xe 5 chỗ và tại phố Láng Hạ, 1 cây đường kính 30cm đổ đè lên 1 xe 5 chỗ. Được biết Hà Nội có ít nhất 5 người bị thương vì trận mưa bão này. Đặc biệt, quá trình tác nghiệp của nhóm PV cũng nhận thấy trong số những cây xanh bị gãy, đổ, có không ít những cây dù đã lớn nhưng vẫn còn nguyên vỏ bầu bọc rễ, hoặc mục rỗng, hoặc trồng rất nông… Phượng vỹ cũng là một nhóm cây có lượng gãy đổ khá nhiều.

Cây cổ thụ đường kính hơn 1m bật gốc trên phố Láng Hạ (Hà Nội).

Một cây xanh bật gốc đè nát đầu ôtô trên phố ở Hà Nội do bão số 1.

Một cây xà cừ trên phố Trần Xuân Soạn đổ sau cơn bão đã mục ruỗng. Ảnh: T.L

Cần phải quyết liệt từ… gốc

TS Nguyễn Trọng Bình - Trưởng khoa Lâm học (Đại học Lâm nghiệp) - cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do mưa kết hợp với gió khiến nhiều cây xanh, tán lá bị gãy, đổ, thậm chí bật gốc. Nhiều cây đã không được cắt, tỉa thường xuyên. Mặt khác, trong quá trình xây dựng, làm rãnh, thi công… nhiều cây đã bị xén mất rễ, chặt đi các gốc nên phía bề mặt dưới mặt đất cây chịu sức nặng không đều, không có sự liên kết nên khi có gió những cây to rất dễ bị bật gốc. Những cây con mới trồng thì chỉ có bầu, chứ rễ chưa ăn sâu vào lòng đất nên không tránh khỏi tình trạng trên”. Theo vị chuyên gia này, để khắc phục tình trạng trên, cần phải khắc phục từ gốc, khi trồng cây phải đào hố sâu, nếu chỉ đào 40-50cm rồi lại đổ cát chèn chặt thì rễ sẽ rất khó
phát triển.

Ngoài ra, theo phân tích của chuyên gia, ở các hố trồng cây (thường là trên vỉa hè) thường đã được lót lớp cát (cát lót khi làm vỉa hè), lớp cát đó không có độ bám nên cây dễ dàng bị lật.

Theo GS-TS Ngô Quang Đê - Hội Sinh vật cảnh Việt Nam - bất cập lớn nhất hiện nay là việc trồng cây ở các tuyến đường Hà Nội thiếu sự góp ý của các chuyên gia cây xanh đô thị. Chúng ta muốn phát triển cây tốt phải tìm hiểu xem cây này phù hợp với đất nào, đất ở nơi đó ra sao... Tiếp đến thì quy trình trồng cây, chăm sóc, cắt tỉa đúng kỹ thuật đối với cây xanh đô thị để giảm thiểu tối đa rủi ro khi có gió mạnh.

Để hạn chế tình trạng cây xanh bị gãy, đổ khi mưa bão, vị này cho hay, cần phải chú trọng hơn đến công tác cắt tỉa cây, vì công tác này tuy có được triển khai nhưng chưa thực sự cẩn thận, chi tiết, đối với các cây mới trồng nếu cần thiết thì cũng phải khống chế chiều cao... Ngoài ra, để cho bộ rễ của cây đâm sâu và phát triển thì phải đào hố sâu, nhiều hố phải đào sâu 1m hoặc hơn 1m.

Cứ đến mùa mưa bão, người dân ra đường lại nơm nớp lo sợ gặp phải các “tai họa từ trên trời rơi xuống”. Vậy nên, việc chú trọng về vấn đề trồng cây, cắt tỉa cây phải cần phải được đặc biệt được quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khắc phục hậu quả bão số 1

Ngày 28.7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1315/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 1 năm 2016, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các biện pháp tiêu thoát nước, chống ngập úng bảo vệ diện tích lúa mới cấy và rau màu; chỉ đạo khôi phục sản xuất đối với những diện tích bị thiệt hại. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan hỗ trợ các địa phương khẩn trương khắc phục ngay sự cố lưới điện. Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Việt Bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ. B.T.S

* Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, tình hình thiệt hại ban đầu tính đến 18h ngày 28.7 như sau: Đã có 1 người mất tích là anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1985 ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa - thuyền viên trên tàu TH 90298 bị hỏng máy và chìm cách đảo hòn Mê khoảng 3,5km, trên tàu có 6 thuyền viên, trong đó 5 người đã được tàu TH 90817 đi cùng cứu vớt. Nam Định có 3 tàu cá với 10 lao động khi tránh trú bão tại cửa sông Sò bị sóng to đánh chìm.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy có 110.100ha lúa bị ngập (Ninh Bình 36.000ha; Nam Định 74.100ha… Tại Hà Nội, theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - tính đến 16h30 ngày 28.7.2016 tình hình ảnh hưởng do cơn bão số 1 gây ra diện tích lúa bị ngập 2.615ha (trong đó có 45ha lúa bị ngập trắng tại huyện Ba Vì); rau bị ngập 94,2ha, 522,52ha rau bị giập nát; 266,2ha ngô bị gãy đổ; 10ha cây ăn quả bị ngập và 692ha bị gãy rụng; 3ha đậu tương bị giập nát... K.V

Thiệt hại do trời, dân có được bồi thường?

Theo luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Cty luật Thiên Minh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội - Điều 626 Bộ luật Dân sự có quy định rõ về những thiệt hại do cây cối gây ra sẽ được bồi thường. Chủ sở hữu cây cối phải bồi thường thiệt hại do cây cối gãy đổ. Trừ hai trường hợp là thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Như vậy, khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe do cây đổ, người bị thiệt hại có thể được bồi thường hoặc không, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Cụ thể, theo quan điểm của vị luật sư, với một số trường hợp cây xanh đổ vào ôtô, thường chủ xe đã mua bảo hiểm xe và người bồi thường hiện tại sẽ là những công ty bảo hiểm xe. Còn đối với nhà cửa bị cây xanh đổ vào như hiện nay, thực tế, chưa có ai đứng ra bồi thường. “Về mặt lý thuyết, với những trường hợp này người dân hoàn toàn có thể khởi kiện vì có căn cứ theo luật để đòi bồi thường” - luật sư Diện cho biết. Tuy nhiên, vị luật sư đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh, đó “chỉ là lý thuyết” và “không dễ để đòi bồi thường”. Lý giải về điều này, luật sư Diện cho biết, trong trường hợp cụ thể này, thì trách nhiệm bồi thường thuộc chủ sỡ hữu của cây này tức là Nhà nước. Tuy nhiên, đòi bồi thường từ “nhà nước” thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp lại là một câu chuyện không đơn giản. Bởi theo phân công hiện tại, thì Cty cây xanh lại chỉ là đơn vị quản lý chứ không phải là chủ sở hữu, nên không thể bắt cơ quan này bồi thường.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/hau-bao-so-1-tu-than-treo-tren-dau-nguoi-dan-577661.bld