Hạt dẻ đồi giá cao vẫn cháy hàng

Trồng hơn 1.000 cây hạt dẻ trên đất đồi nhà, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị Thủy ở Lạng Sơn có lãi khoảng 200 triệu đồng và thường xuyên thiếu hàng cung cấp.

Ảnh minh họa.

Khoảng hơn một tháng nay, gia đình chị Hoàng Thị Thủy (xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn) bận rộn với việc thu hoạch hạt dẻ, đóng hàng gửi cho khách ở xa. Năm nay lượng khách tại các tỉnh như Hà Nội, miền Nam tăng hơn hẳn, hạt dẻ thu hái không đủ cung cấp nên khách gọi điện giục khiến vợ chồng chị quay như chong chóng.

“Toàn khách quen, năm nào họ cũng đặt, nhưng đông quá nên ai đặt trước tôi đóng hàng trước. Hôm nay khách Hà Nội gọi lấy 70kg nhưng còn thiếu họ 20kg”, anh Nguyễn Trung Hiếu, chồng chị Thủy vừa nói vừa vác thùng hàng đặt lên xe máy chở ra đường cao tốc đợi xe gửi hàng cho khách.

Trước đây, nhà chị Thủy làm kinh tế chủ yếu dựa vào cây vải thiều, tuy nhiên giá cả và đầu ra không ổn định. Năm 2003, thành phố Lạng Sơn có chủ trương xây dựng mô hình thí điểm, trồng thử giống dẻ mới, anh Hiếu mạnh dạn trồng thử 1.200 cây mặc dù không chắc chắn về khí hậu và thổ nhưỡng địa phương có phù hợp hay không. Bên cạnh đó anh vẫn duy trì vườn vải thiều và một số cây ăn quả. Kinh nghiệm chăm sóc cây, anh chị chủ yếu tự tìm tòi trong quá trình chăm sóc và một số tài liệu.

Sau 3 năm cây bắt đầu bói quả, năm thứ 4 thì cho thu hoạch và bán thành phẩm. Mùa dẻ chín rộ khoảng gần 2 tháng vào cuối hè đầu thu.

“Thấy trồng cây mận tam hoa bị thoái hóa, được một thời gian là chết hết, vốn liếng mất sạch, nhà tôi đánh liều mua cây dẻ về trồng. Năm đầu tiên quả bán cũng chỉ được khoảng 2 tạ, nhưng vui lắm vì bao nhiêu công sức của gia đình bỏ ra đã đem lại kết quả và vợ chồng tôi càng có động lực phát triển cây dẻ”, chị Thủy phấn khởi nói.

Mùa hạt dẻ chín rộ, gia đình chị Thủy phải thuê người thu hái. Ảnh:Hồng Vân.

Những ngày đầu, chưa có khách, vợ chồng chị phải chạy khắp các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm. Anh chị rang sẵn hạt dẻ đặt lên bàn của họ, khách ăn thấy ngon sẽ tự liên hệ theo số điện thoại của gia đình. Có lần đem hàng lên khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, thương lái Trung Quốc ăn thử ưng ý liền tìm về tận nhà đặt hàng. Họ nhận xét hạt dẻ nhà anh chị có vị ngọt, thơm và bở.

Giá hạt dẻ loại một hiện được nhà chị Thủy bán buôn cho khách 100.000 đồng một kg, loại 2 là 80.000 đồng và loại 3 là 60.000 đồng. Trung bình mỗi năm vườn dẻ cho thu từ 2 đến 3 tấn, trừ các khoản chi phí, gia đình chị lãi khoảng 200 triệu đồng.

Hạt dẻ khi chín sẽ rơi xuống gốc, mỗi quả được từ 2 đến 4 hạt, sau khi lấy hạt về chị Thủy sẽ phân loại rồi đóng mỗi túi 1kg. Hạt dẻ ngon là loại có màu đen, to đều, không bị sâu, trước khi rang phải khía hình chữ thập vào đầu quả để tách vỏ. Khách hàng mua quen hạt dẻ nhà chị nhiều, nhu cầu cao, nhưng số lượng có hạn nên chị phải ưu tiên ai đặt trước lấy hàng trước và nhiều hôm không trả đủ số cân khách yêu cầu. Hiện tại, nhà chị còn khoảng hơn 900 cây, thời điểm hạt dẻ chín rộ nếu không hái kịp gặp thời tiết mưa nhiều sẽ bị thối. Việc chăm sóc cây dẻ cũng khá đơn giản, mỗi năm hai lần bón phân, tỉa cành và vun xới gốc.

Chị Thủy cho biết, một số người từ Cao Bằng ngược tìm về vườn dẻ nhà anh chị học tập kinh nghiệm, bởi giống cây của họ đã thoái hóa cho quả kém chất lượng. Sắp tới đến khoảng tháng 11, anh chị sẽ hỗ trợ một số bà con tại địa phương về cây giống, kĩ thuật chăm sóc để phát triển giống cây trồng này. Sau khi thu hoạch, anh chị sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm tìm đầu ra cho người dân.

Theo VnExpress

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/hat-de-doi-gia-cao-van-chay-hang-1919754.html