Hát bội được đưa đến tuyệt đỉnh nhờ ai?

Nói tới hát bội và cụ Đào Tấn, chẳng khác gì nói tới món ăn tinh thần không thể thiếu, là máu thịt của vị quan họ Đào vậy. Chẳng thế mà nhờ cụ, nghệ thuật hát bội được hưng khởi và số bản tuồng hát bội thêm phần dồi dào.

Nghệ sĩ hát bội 1890

Nghệ sĩ hát bội 1890

Nói về cụ Đào Tấn với hát bội (hay hát bộ), ngẫm ra, cũng phải có đôi dòng về lai lịch của hát bội mới phải đạo. Như lời thi sĩ Quách Tấn trong Nước non Bình Định, thì “hát bội xuất phát tại Bình Định, do Đào Duy Từ biến chế lối hát chèo ở ngoài Bắc và lối hát địa phương bắt chước Chiêm Thành, mà tạo ra. Rồi mỗi đời mỗi phong phú thêm lên và đến đời Tự Đức, nhờ Đào Tấn, hát bội Bình Định lên đến tuyệt đỉnh, nghệ thuật cũng như văn chương”.

Trò đời đều như kịch, đừng cười cái giả chẳng là chân

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong Việt Nam danh nhân từ điển đưa ra nhận định về Đào Tấn là “Người có công sáng lập ra bộ môn hát bộ tại Bình Định”. Vậy là, tiếp bước đến cụ Đào Tấn, hát bội Bình Định “lên đến tuyệt đỉnh”.

Chẳng thế mà trong Nghệ thuật hát bội Việt Nam cho hay “Đào Tấn là người có công đầu đối với nghệ thuật Hát Bội Việt Nam”… “Người ta thường gọi ông là “Hậu Tổ” của ngành Hát Bội, hoặc như trong Hương vườn cũ nói cụ Đào Duy Từ là tiền hiền, cụ Đào Tấn là hậu hiền, kể cũng phải vậy.

Quan điểm về nghệ thuật hát bội của Đào Tấn, được thể hiện rõ trong câu đối ông dán ở rạp “Như Thị Quan” (xem nó như thế ấy) của ông ở Nghệ An, trong Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam còn ghi lại là:

Thiên bất dư nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ,

Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chân.

(Kẻ tạo chẳng cho nhàn, đến chốn tận cùng tìm chút rỗi,

Trò đời đều như kịch, đừng cười cái giả chẳng là chân).

Đối với nghệ thuật hát bội, Đào Tấn đề ra một nguyên tắc biểu diễn là “Nhất thân đô thị nghệ” (cả thân hình nghệ sĩ bao giờ cũng phải nghệ thuật). Theo Đào Tấn, thì “Sức mạnh của tuồng hát như thủy ngân chảy xuống đất, không lỗ nào là không thể vượt qua, mà công dụng của nó, tuy pháp luật nghiêm khắc và dày đặc, tôn giáo tinh vi, cũng không thể nào thắng được nó”.

Theo Xuân Diệu, trong chuyên luận Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ của “sóng vỗ ngọn tùng” cho hay: “Nhìn chung các vở tuồng Đào Tấn là một bài học cổ vũ phấn đấu, ca ngợi phấn đấu”… “Tuồng Đào Tấn đã giáo dục một cách kiên trì sự bền bỉ chiến đấu, sự trong sáng hi sinh”.

Điểm này, hẳn đúng và tương đồng với nhận định của đa số các nhà nghiên cứu về nghệ thuật tuồng hát bội của Đào Tấn. Đơn cử như Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam ghi “Trong sáng tác tuồng hát bội, mặc dù lấy đề tài từ những câu chuyện cổ nước ngoài, nhưng ông có dụng ý qua đó đề cao những con người có nghĩa khí, sẵn sàng hi sinh tính mệnh của mình cho sự nghiệp cao cả, đồng thời đả kích bọn quan lại hèn nhát, chạy theo danh lợi”.

Sống chết với hát bội

Có hai người ảnh hưởng nhiều đến nghiệp tuồng hát bội của Đào Tấn, là cụ tú Diêu - thầy dạy, và Đội Hiệp. Đào Tấn và Đội Hiệp như trong Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam cho biết kết bạn với nhau. Sau này, Đội Hiệp là nghệ sĩ nổi tiếng của Bình Định bấy giờ và tình bạn hai người bền chặt suốt đời.

Theo Nghệ thuật hát bội Việt Nam, thì bản tuồng hát bội đầu tiên Đào Tấn sáng tác, là bản Tân Dã Đồn, được ông viết khi 19 tuổi dạo còn đi học. Nội dung của vở Tân Dã Đồn miêu tả câu chuyện Từ Thứ quy Tào Tháo trong Tam quốc diễn nghĩa.

Khi Đào Tấn nhậm chức Hiệu thư trong Nội các ở Huế, chính là lúc mà duyên với hát bội của ông như cá gặp nước để có thể “vượt Vũ Môn” lên tầm cao mới khi họ Đào soạn thảo nhiều vở tuồng hát bội theo lệnh vua Tự Đức. Trong thời gian làm quan ở Huế, nhiều vở như Tứ quốc lai vương, Quần Phương hiến thủy rồi Vạn Bửu Trình Tường (soạn chung với Võ Đình Phương, Ngô Quý Đồng) lần lượt ra đời.

Đào Tấn

Nước non Bình Định thống kê sơ lược các bản tuồng cụ Đào Tấn nhuận sắc hoặc cải biên có: Ngũ Hổ Bình Tây, Hộ Sanh, Khuê Các anh hùng, Sơn Hậu, Hoàng Phi Hổ… Các bản tuồng của cụ Đào Tấn có thể kể qua như: Trầm Hương, Tân Dã Đồn, Cổ Thành, Hoàng Cổn, Vạn Bửu Trình Tường, Quần Tiên Hiến Thoại, Tứ quốc lai vương… Không chỉ sáng tác, chỉnh lý những vở tuồng cổ, với lòng yêu hát bội tha thiết như máu thịt, Đào Tấn còn mở trường đào tạo diễn viên, tổ chức hoạt động biểu diễn.

Khi làm Thượng thư bộ Công năm 1894 ở Huế, ông cho xây Học Bộ Đình để đào tạo diễn viên và biểu diễn hát bội. Lúc làm Tổng đốc đất Nam Ngãi, một nhà hát được ông cho dựng lên trên bờ sông Vĩnh Điện.

Ở đất An Tĩnh thời gian 1898-1902, ông tổ chức Học Bộ Đình rất quy mô, lại đưa diễn viên nổi tiếng từ Bình Định ra biểu diễn, giúp cho sức lan tỏa của loại hình nghệ thuật này không chỉ thu hẹp ở phía nam Trung Kỳ mà thôi đâu.

Thật xác đáng khi trong Đào Tấn – Nhà cách tân sân khấu tuồng, Hoàng Chương đã nhận định, Đào Tấn đã đưa nghệ thuật hát bội từ chỗ bó hẹp nơi sân đình, giới hạn khán giả đến chỗ lan tỏa, gần gũi với công chúng qua sân khấu hóa chuyên nghiệp hơn.

Nhờ có công chấn hưng nghệ thuật hát bội của cụ Đào Tấn, mà hát bội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trở nên thịnh lắm. Trong Nước non Bình Định cho hay, thời vua Tự Đức, Thành Thái được xem là thời “hoàng kim” của loại hình nghệ thuật này. Riêng tại đất Bình Định, sự hấp dẫn của nghệ thuật sân khấu này được phản ánh qua câu ca dao:

Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình,

Dù chồng có đánh thì mình cũng đi.

Hay:

Mẹ ơi đừng đánh con đau,

Để con theo hát làm đào mẹ coi.

Cụ Đào Tấn nổi tiếng với hát bội, nên không ngạc nhiên khi cụ có người con thứ Đào Nhữ Tuyên, cũng là một tay hát bội hay, điệu hát rành, theo Hương vườn cũ ghi vậy.

Hát bội là một nghệ thuật

Để hiểu về hát bội dưới góc nhìn của hậu tổ hát bội Đào Tấn, xem ra, phải điểm qua từ Hí trường tùy bút họa chăng mới trọn vẹn. Tác phẩm này đã ghi lại những vấn đề có tính chất lý luận sân khấu, đặc điểm nghệ thuật hát bội… của cụ Đào.

Một tác phẩm để viết cho hay được, theo ông phải đọc nhiều, từng trải nhiều, và gian khổ công phu mà xây dựng ý. Còn diễn viên tuồng, lâu nay dùng “trai tài gái sắc, vinh hoa phú quý để đem cái vui cho người xem”, thì Đào Tấn cải tiến việc đó, chú trọng vào nội tâm, thần thái đối với nam nhân vật, còn nữ thì vẫn phải tài sắc, vì “nếu như tài sắc không hoàn toàn rất khó thành tựu vậy”.

Đối với kép hát, ông thể hiện sự tôn trọng vì họ là người làm nghệ thuật “tôi thường lấy tuổi tác mà đối đãi với họ. Hoặc xem họ như bạn, hoặc xem họ như con cháu, không phân chia sang hèn”.

Một kép hát có nghề, theo ông “thường một kép hát lão luyện, xem một quyển tuồng, có thể biết chỗ nào nên dùng thể gì mà hát, không cần phải ghi rõ các loại nam xuân, nam ai… Do đó, kép hát nên có công phu đọc sách, biết chữ”.

Nhân vật trong tuồng hát bội, với Đào Tấn, thì “Viết về kẻ cướp là khó nhất. Ôi! Tả tôi trung, con hiếu dễ làm cho người ta đồng tình. Tả tôi nịnh bán nước cầu vinh dễ làm cho người ta căm giận. Đến kẻ cướp mà làm cho người thương xót, yêu mến thì thật là chuyện rất khó vậy”.

Lại về nhân vật, xưa nay chú trọng trung thần, nghĩa sĩ, liệt nữ, trinh phụ… mà ít đụng đến chốn thanh lâu vì sợ hại đến phong tục. Ông cho như vậy là không phải, bởi họ cũng là con người, vì số phận đẩy đưa mà phải làm nghề buôn phấn bán hương. Bởi vậy mà sau đó những vở Mộng đẹp lầu quỳnh, Đường hoa hẻm liễu lần lượt ra đời.

Là người thẳng tính, Đào Tấn không vì vị thế, nể nang mà sai lệch cái chủ kiến của mình trong bình phẩm loại hình nghệ thuật này, vậy mới có chuyện ông phê cả tuồng của thầy.

Dẫu thích vở Ngũ hổ bình Tây của thầy Diêu “nhưng trong tuồng có một đoạn không hợp lý lắm”, nên ông mới chỉnh sửa lại bản soạn này. Hay tuồng Kim thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa “văn chương rất hay nhưng rất khó hát. Bởi vì tiết điệu trong tuồng không hợp. Có điệu cao mà không có điệu thấp”…

Ấy, như trên chỉ là mới điểm qua được vài quan điểm tản mạn của vị hậu tổ hát bội Đào Tấn mà thôi. Muốn cho rành rọt, dăm câu ba chữ trên không dám gọi là đủ cho được...

Đông Văn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giai-tri/hat-boi-duoc-dua-den-tuyet-dinh-nho-ai-298337.html