Hanjin phá sản, doanh nghiệp Việt mất hàng ngàn USD mỗi ngày

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp nên nhanh chóng tìm cách “rút ruột” hàng hóa đã đóng vào các container của Hãng tàu Hanjin Shipping Global để chuyển sang hãng tàu khác, hoặc nếu đang ở cảng trung chuyển thì nên tìm đối tác tại chỗ để bán hàng, thay vì phải trả phí lưu bãi, lưu kho… lên đến hàng ngàn USD mỗi ngày.

Hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc Hanjin Shipping Global (HJS) đệ đơn bảo hộ phá sản khiến hàng nghìn nghiệp doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, hàng mắc kẹt trên các container tại các cảng hoặc phải lênh đênh trên biển.

Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, HJS đang nợ đơn vị này khoảng 55 tỉ đồng. Dù không từ chối khoản nợ này nhưng phía HJS không ký công nợ, do đó phía Tân Cảng Sài Gòn cũng không biết khoản nợ này rồi sẽ đi về đâu.

Theo vị này, việc phía HJS ký xác nhận công nợ là cơ sở để Tân Cảng Sài Gòn yêu cầu phía tòa án Hàn Quốc giải quyết các khoản này, tuy nhiên, trong trường hợp HJS bị tuyên bố phá sản, việc “đòi nợ” là gần như không khả thi.

Doanh nghiệp Việt nên nhanh chóng tìm cách giải phóng hàng hóa

Trong khi đó, tính đến đầu tháng 9.2016, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có 1.516 container nhập khẩu đang ở các bến cảng, 432 container nhập khẩu đang ở kho của khách hàng và hơn 1.300 container xuất khẩu đang ở cảng trung chuyển hoặc ở trên tàu, lênh đênh trên biển.

Một doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng đông lạnh có đến 20 container hàng xuất khẩu cũng đang phải mắc kẹt ở các cảng trung chuyển. Theo đó, hàng đi châu Âu phải mắc kẹt ở Singapore, trong khi một số khác xuất khẩu đi Mỹ thì phải kẹt ở Hàn Quốc, một số tàu khác phải vào cảng Trung Quốc để tạm lánh. Trong khi đó, chi phí rút hàng ra, chuyển sang hãng tàu khác tốn từ 2.000 – 5.000USD/container.

Theo đại diện Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, các doanh nghiệp không nên hy vọng Hanjin “sống lại”, hoặc nếu hãng này được một đơn vị khác mua lại hoặc sẽ phải thay chủ, thay tên đổi họ… Khi đó, chủ sở hữu mới chắc chắn sẽ từ chối giải quyết các khoản nợ cũ. Trong khi đó, ngay khi có thông tin HJS xin bảo hộ phá sản, các công ty Nhật đã được báo động về Hanjjin và họ sớm dừng lại, không chuyển hàng vào container của HJS và chuyển sang sử dụng dịch vụ của các hãng tàu khác.

Bà Bùi Thị Liên Thủy - Công ty HABA SPED LOGISTIC (TP.HCM), cho rằng, sau khi làm việc với đại diện HJS, phía HJS khẳng định rằng, tàu của HJS chỉ cập cảng khi có giấy xác nhận cho phép tàu cập cảng nhưng ngay sau đó không được bắt giữ tàu mà phải thả ngay. Hiện tại, một số cảng biển tại Singapore, Mỹ, Nhật Bản… đã đồng ý cho tàu của HJS cập cảng và sẽ thả tàu ngay sau đó.

Còn theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân – Tiểu ban Tư vấn pháp lý, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, trong thời gian từ 20.9 – 4.10 sắp tới, các chủ nợ phải nộp hồ sơ, công nợ và các chứng từ liên quan về tòa án quận Seoul (Hàn Quốc) để được giải quyết các quyền lợi. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên nhanh chóng chuẩn bị các hồ sơ chứng từ, thuê luật sư từ Hàn Quốc để hỗ trợ pháp lý, đòi quyền lợi chính đáng với HJS.

Trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về hướng giải quyết cho những lô hàng đang phải mắc kẹt trong container của HJS, đại diện HJS khuyến cáo các doanh nghiệp có hàng vừa đóng vào container của HJS phải nhanh chóng tìm cách rút hàng ra, chuyển sang hãng tàu khác. Hiện tại, HJS không thể hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp di chuyển hàng hóa nhưng chỉ có thể hỗ trợ các vấn đề giấy tờ, chứng từ…

Đối với các lô hàng đang ở cảng trung chuyển, HJS cho rằng, doanh nghiệp nên tìm đối tác tại chỗ để bán hàng ra. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí chuyển hàng sang hãng tàu khác… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể thuê lại container của HJS để tiếp tục vận chuyển hàng hóa. Hiện tại, HJS không được phép mua bán container nhưng vẫn có thể cho mượn, cho thuê với giá 1.000USD/container 20feet và 1.500USD/container 40feet.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/hanjin-pha-san-doanh-nghiep-viet-mat-hang-ngan-usd-moi-ngay-710658.html