Hành vi vi phạm quy định ATVSTP có thể bị phạt 20 năm tù

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ATVSTP giai đoạn 2016 - 2020.

Nghị quyết nêu rõ, để khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ATVSTP trong giai đoạn 2016 – 2020, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATVSTP để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý. Khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý ATVSTP, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Bán hàng rong mất ATVSTP trên phố Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: AT

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 1451/KH - SYT về công tác đảm bảo ATVSTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017, đề ra chỉ tiêu tất cả các xã, phường, thị trấn phải triển khai công tác đảm bảo ATVSTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, 100% Ban chỉ đạo ATVSTP các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng kiến thức về quản lý ATVSTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, 99% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thuộc diện không có giấy đăng ký kinh doanh phải ký cam kết đảm bảo ATVSTP và trên 85% cơ sở dịch vụ ăn uống có giấy đăng ký kinh doanh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được quản lý, kiểm tra, giám sát theo quy định, trên 95% các cơ sở được kiểm tra thực hiện xét nghiệm nhanh ATVSTP.

Công tác đảm bảo ATVSTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được triển khai tại 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Cùng với đó, TP tiếp tục duy trì mô hình cải thiện ATVSTP đối với dịch vụ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn; mô hình điểm thức ăn đường phố tại phường Trung Liệt - Đống Đa và tuyến phố Núi Trúc - Ba Đình, tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống Quán Thánh - Ba Đình và 30 tuyến phố văn minh.

Để thực hiện có hiệu quả, kế hoạch cũng đề ra các biện pháp như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục đảm bảo ATVSTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; bồi dưỡng chuyên môn về ATVSTP cho cán bộ quản lý và cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tổ chức khám sức khỏe cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; triển khai và duy trì các mô hình thí điểm.

Trong số hàng hóa vi phạm VSATVSTP, chủ yếu gồm các sản phẩm bánh kẹo, bim bim, phụ gia thực phẩm, bột chiên không rõ nguồn gốc, mỡ bẩn, thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm bốc mùi hôi thối,… Phần lớn trong những sản phẩm này biến thành món ăn hấp dẫn, đầu độc sức khỏe mọi người.

Hiện nay, đối với các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng thường chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính với mức phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức (căn cứ theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm).

Mức phạt này dường như còn quá nhẹ nhàng so với mối lợi từ việc kinh doanh thực phẩm bẩn mang lại cho các cá nhân, tập thể.

Tại Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 vừa được Quốc hội thông qua tháng 6-2017 mức phạt tù cho hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể lên tới 20 năm (Điều 317).

Cụ thể các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh,... không những bị phạt tiền, phạt tù mà còn bị cấm hành nghề nhiều năm.

TS. Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trao đổi với báo chí cho rằng: Với những sửa đổi, nhất là tăng khung hình phạt đáng kể trong Bộ luật Hình sự sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ ATVSTP ở Việt Nam.

Những quy định này khi đi vào cuộc sống sẽ là một chế tài mạnh để ngăn chặn các hành vi kinh doanh thực phẩm mất đạo đức, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người. Khi người chủ các cơ sở sản xuất thực phẩm để gây ra ngộ độc thực phẩm phải đi tù sẽ khiến DN đó lâm vào tình trạng phá sản, gắn theo nhiều hệ lụy. Có như vậy họ sẽ ý thức hơn được việc họ làm. Ngoài ra, chính những người tiêu dùng khi ý thức được những hành vi vi phạm ATVSTP thì bản thân họ chính là người giúp cơ quan chức năng giám sát hành vi vi phạm đó tiến tới xử lý.

Theo Pháp luật & Xã hội

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/hanh-vi-vi-pham-quy-dinh-atvstp-co-the-bi-phat-20-nam-tu-p41436.html