Hành trình trở thành hiện tượng âm nhạc thế giới của Pikotaro

Pikotaro là nhân vật được sáng tạo và thủ vai bởi Kazuhito Kosaka (còn gọi là Daimaou), một nghệ sỹ hài đã có hơn hai thập kỷ cống hiến cho ngành giải trí Nhật Bản.

Hiện tượng Pikotaro. (Nguồn: AP)

Hiện tượng Pikotaro. (Nguồn: AP)

Pikotaro vẫn chưa thể tin những gì đang diễn ra. Hai ngày trước buổi phỏng vấn với tờ Japan Times, bộ đôi DJ nổi tiếng nước Mỹ, The Chainsmokers, đã đổi tên Twitter của mình thành "Pineapple & Pen," theo tên bài hát "PPAP" (Bút dứa táo bút) đang gây sốt thời gian gần đây.

Cặp nghệ sỹ này đã từng chiếm lĩnh YouTube bằng video clip "Closer" - tới khi ca khúc dài 45 giây của Pikotaro hạ bệ họ.

"Thật sao? Đấy là tài khoản của họ à?" anh ấy hỏi tôi trong cuộc phỏng vấn. Tôi quả quyết đó là sự thật, và trong một thoáng anh ấy tỏ ra hết sức ngạc nhiên.

Pikotaro là nhân vật được sáng tạo và thủ vai bởi Kazuhito Kosaka (còn gọi là Daimaou), một nghệ sỹ hài đã có hơn hai thập kỷ cống hiến cho ngành giải trí Nhật Bản.

Kosaka vốn chỉ là một nghệ sỹ tầm trung, đủ nổi tiếng để xuất hiện trong những quảng cáo của chuỗi siêu thị Seven-Eleven và làm khách mời trong các chương trình tạp kỹ, nhưng chưa bao giờ nhận được quá nhiều sự chú ý.

Thế nhưng, trong buổi tối thứ Năm mà chúng tôi gặp mặt nhau, anh ấy đã làm chủ mọi thứ. Xuất hiện trong bộ trang phục màu vàng kim in hình động vật và bộ ria giả trứ danh, các nhân viên trên tầng 39 của công ty quản lý Avex’s Roppongi không thể không chú ý đến anh. Và cả bản hit bất ngờ của anh nữa.

"Tôi nghĩ cách duy nhất để mình có được sự chú ý đến mức này mà không nhờ vào "PPAP" sẽ là đi khơi mào một cuộc chiến tranh," Pikotaro hài hước nói. "PPAP" là viết tắt của "Pen-Pineapple-Apple-Pen" (Bút dứa táo bút), một bài hát đang rất thịnh hành mà chỉ có những người chẳng bao giờ lên mạng may ra mới không biết.

Bài hát có vẻ ngớ ngẩn với những đoạn nhạc rời rạc này đã trở thành một hiện tượng từ cuối tháng 9 vừa qua. Siêu sao nhạc pop của Canada, Justin Bieber đã gọi PPAP là "video ưa thích của tôi trên Internet," khởi đầu cho trào lưu mà Pikotaro gọi là "Ảnh hưởng của Justin."

Các ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc, các vận động viên Olympic và cảnh sát tại Indonesia chỉ là một vài trong số những người đã hát hoặc chế lại bài hát này.

Tính tới thời điểm này, đoạn video chính thức của PPAP đã thu hút hơn 70 triệu lượt xem trên YouTube. Thế nhưng tầm ảnh hưởng của PPAP đã vượt ra khỏi phạm vi kênh YouTube của Pikotaro.

Đoạn clip này đã được chia sẻ trên Twitter và Facebook, thu hút thêm hàng triệu lượt xem nữa. Một kênh YouTube khác cũng đã tải đoạn clip này lên và thu hút được hơn 145 triệu lượt nhấn xem. Những con số này còn chưa tính đến các bản hòa âm lại hay ăn theo.

Bài hát đã trở thành video ca nhạc đứng đầu bảng xếp hạng của YouTube trong 3 tuần, và lọt vào Billboard Top 100 ở vị trí thứ 77, trở thành bài hát ngắn nhất lọt vào bảng xếp hạng này (đồng thời giúp Pikotaro lập kỷ lục Guinness).

Chưa có bài hát hay clip hài nào của Nhật Bản có được tầm vươn rộng lớn như thế trong thời đại của truyền thông xã hội.

"Tôi từng chỉ thấy chữ tiếng Nhật trên trang Twitter của mình, nhưng sau khi Bieber chia sẻ đoạn clip, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Tôi đã thấy hoang mang lắm đấy," "Cả tiếng Arab nữa chứ. Máy tính của tôi thậm chí còn không hiển thị được ký tự Arab!"

Công ty Avex đang nỗ lực hết sức để khai thác mọi lợi ích có thể từ hiện tượng này. Pikotaro mới đây đã chia sẻ một phiên bản "mở rộng" của PAPP, và sẽ ra mắt album vào tháng 12 tới.

Áo thun và móc khóa PPAP cũng đã được sản xuất hàng loạt, và một tiệm cà phê theo chủ đề PPAP vừa mới khai trương tại tháp Tokyo Skytree hồi tuần trước. Pikotaro cười và nói rằng sự thay đổi lớn nhất với cuộc sống của anh chính là anh đã bị thiếu ngủ.

Tuy nhiên, cây hài 43 tuổi không cảm thấy quá nhiều áp lực.

"Tôi đã quá già để chuẩn bị tinh thần cho việc một thứ gì đó tôi làm ra sẽ trở thành hiện tượng. "Tôi chỉ muốn tiếp tục thực hiện những video hài hước và vui vẻ."

Giống như rất nhiều người đã lăn lộn nhiều năm trong nghề mà vẫn chưa nhận được sự đền đáp tương xứng, Pikotaro rất vui vẻ tận hưởng sự nổi tiếng bất ngờ này.

"Tôi là vua của may mắn," anh nói.

Sinh năm 1973 tại tỉnh Aomori, Kosaka đã đồng sáng lập nhóm hài Sokonuke Air-Line vào năm 1992. Ban đầu một bộ ba, nhưng sau đó nhóm hài này trở nên nổi tiếng nhất nhờ hai thành viên là Kosaka và Shinobu Kojima. Họ từng tham dự nhiều chương trình mà ở đó các nhóm dự thi trình bày những vở diễn ngắn có sự chơi chữ dày đặc tới khán giả trực tiếp.

Âm hưởng của "PPAP" đã bắt nguồn từ một vở diễn có tên "Techno Taisou," trong đó bộ đôi diễn viên hài đã nhảy múa trên nền trống thưa thớt.

Pikotaro cho biết nhà sản xuất của mình, diễn viên hài Kazuhito "Daimaou" Kosaka rất yêu thích âm nhạc phương Tây và các nghệ sĩ như Underworld, Kraftwerk và M.I.A.

"Kosaka chịu ảnh hưởng từ âm nhạc của rất nhiều tên tuổi như The Prodigy, Underworld hay Chemical Brothers. Chúng tôi có thị hiếu âm nhạc khá giống nhau," Pikotaro cho biết (anh đang nhập vai và trả lời những câu hỏi liên quan đến người đã "tạo ra" mình là Kosaka).

Âm nhạc và hài kịch tại Nhật Bản đã có sự giao thoa từ rất lâu - nhiều diễn viên hài tại Nhật đã tìm cách đá chéo sân sang âm nhạc một cách nghiêm túc. Kosaka cũng vậy.

Tuy nhiên, âm nhạc và hài kịch chưa bao giờ đem lại một bản hit cho Kosaka. Anh có đủ tài năng để ký hợp đồng với Avex và gây ấn tượng với các nghệ sĩ khác, nhưng anh chưa bao giờ tạo ra được một câu nói cửa miệng phổ biến hay một bài hát mới lạ nào, hoặc tự mình tỏa sáng.

Thành công đã đến mà không báo trước với anh. Kosaka vẫn làm việc chăm chỉ và tạo ra nhân vật Pikotaro cho các chương trình hài trực tiếp trong những năm gần đây.

"Không có nhiều người đến xem các buổi diễn trực tiếp của tôi", Pikotaro chia sẻ lý do chọn YouTube làm sân khấu mới. Cuối tháng 8 vừa qua, anh đã mở một kênh YouTube với ý định đăng tải những bài hát mới. "PPAP" chính là sản phẩm đầu tiên.

"Tôi dành nhiều thời gian để sáng tác bài hát thuộc nhiều thể loại. Tôi luôn ngâm nga và hát những từ không liên quan đến nhau như "ừm, bánh, đấm, đấm, bánh," Pikotaro chia sẻ.

Câu chuyện về sự ra đời của "PPAP" được kể là khi đó, Pikotaro đang cầm một cây bút, mắt nhìn một trong số những quả táo đặc sản của tỉnh Aomori mà Kosaka bày lăn lóc trong phòng. Anh đã ghép hai từ vào với nhau để có "táo bút". Một lon dứa đóng hộp còn thừa từ tối qua đã truyền cảm hứng cho phần còn lại của bài hát.

"Cách tiếp cận của tôi là không suy nghĩ quá nhiều và chỉ tận hưởng nhịp điệu của từ ngữ," anh nói. Sự đơn giản đó cũng thể hiện trong phần nhạc cụ của bài hát. Phần nhạc của PPAP được sáng tác bằng bộ chỉnh nhạc MC-303 và MC-808 của hãng Roland và trau chuốt bằng phần mềm chỉnh âm Logic Pro.

Pikotaro cũng đã chia sẻ một chút về những nghệ sỹ anh kính trọng, như Kraftwerk (vì chất điện tử trong âm nhạc) hay M.I.A. (người đã sáng tác hầu hết những bài hát trong album đầu tay với xuất phát điểm tương đối giống Pikotaro).

"Tôi thực sự muốn bắt chước kỹ năng của các nghệ sĩ đó, nhưng tôi không thể - tôi đã thử nhưng không được."

Bí mật của hài kịch chính là thời điểm. Truyền thông xã hội cho phép những biểu tượng văn hóa được thể hiện và lan truyền nhanh chóng - và sự đơn giản bao giờ cũng giành chiến thắng.

Nhiều diễn viên hài ở Nhật đã hưởng lợi từ việc này. Mới đây, những bài nhạc của Kumamushi và Radio Fish đã giúp họ nổi danh, nhưng chỉ trong phạm vi nước Nhật. "PPAP," ngược lại, đã phổ biến toàn thế giới.

"Lần đầu nhìn thấy đoạn clip, tôi đã nghĩ nó thật lạ lùng, nhưng tôi đã xem nó liên tục 5 lần. Nó dễ gây nghiện lắm", Lillian Leong, giám đốc điều hành của 9Gag - công ty thu thập nội dung trực tuyến tại Hong Kong chia sẻ.

"Nó đơn giản và buồn cười. Nền nhạc đơn giản, những yếu tố cơ bản - còn gì cơ bản hơn bút, dứa rồi lại bút? Leong chia sẻ.

Pikotaro nghĩ rằng ca khúc này thành công vì 3 lý do.

"Đầu tiên, lời bài hát là tiếng Anh. Hoàn toàn bằng tiếng Anh”. Thứ hai, 'pa pi pu pe po' là một câu nghe rất vui tai. Và thứ ba, anh nghĩ rằng chưa có ai sáng tác một bài hát nào ngốc nghếch như PPAP.

Ca khúc này hoàn toàn phù hợp với Internet năm 2016, nơi phản ứng và sự tái sáng tạo thúc đẩy các nội dung trực tuyến. Và mặc dù biết rằng thành công này có thể sẽ không lặp lại lần nữa, Kosaka đã phá nhiều kỷ lục và đến được với hàng triệu người nghe bằng một bài hát vui nhộn kỳ quặc phản ánh đúng phong cách cái-gì-cũng-được của trang web.

"Điều quan trọng là làm việc mỗi ngày. Dù bạn không chắc chắn là ngày nào đó mình sẽ thành công, bạn vẫn phải nỗ lực làm việc," anh nói. Anh tin rằng, nếu kiên định với điều mình đang làm, cơ hội cuối cùng cũng sẽ đến.

"Ngay cả khi bạn không biết bao giờ thành công mới đến, bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận. Kosaka bảo tôi thế đấy." Pikotaro vừa cười vừa nói./.

Mai Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hanh-trinh-tro-thanh-hien-tuong-am-nhac-the-gioi-cua-pikotaro/414434.vnp