Hành trình phục thiện của “vua thuốc phiện” trên xứ sở loài hoa ăn thịt người - Kỳ 1: “Vua thuốc phiện” trên đầu nguồn suối Thia

Hồi đấy, nhờ có bí kíp đặc biệt để chế thuốc phiện, Giàng A Pua (SN 1944, thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, Trạm Tấu) đã trở thành ông “vua thuốc phiện” ngay giữa thủ phủ của loài hoa anh túc. Nhưng rồi, nhờ nhận ra được điều hay lẽ phải, Pua đã đập bàn đèn, đốt bình hút thuốc phiện, từ giã “đế chế” thuốc phiện mà ông đã cất công gây dựng để phục thiện.

Đó là những ngày đen tối của người dân nơi đầu nguồn suối Thia, thuở khói thuốc còn nhiều như sương mờ sáng sớm. Khi ấy, người ta dùng thuốc phiện như dùng cơm, có thể thiếu cơm chứ khó mà thiếu được thuốc phiện...

Ký ức một thời tím màu hoa anh túc

Trong ký ức của những người già ở Bản Mù, những ngọn đồi hồi ấy bạt ngàn hoa anh túc. Giữa tháng 3, màu hoa tím ngắt trên những triền đồi khiến nơi đây được gọi với cái tên “thiên đường của thuốc phiện”. Cũng dễ hiểu bởi những năm trước, trong vùng “tam giác vàng” ở Việt Nam, xã Bản Mù được biết đến là nơi trồng thuốc phiện nhiều nhất vùng Tây Bắc,

Một nương rau cải trồng xen lẫn hoa anh túc.

Xã Bản Mù nằm cách thị trấn Trạm Tấu, thuộc tỉnh Yên Bái khoảng 11 km. Bản Mù nằm trên đầu nguồn dòng suối Thia, lúc nào cũng chìm nghỉm trong mây mù, nên có tên như vậy.

Người dân nơi đây vẫn còn nhớ rất rõ hồi ức về một thời mê muội trong làn khói trắng của thuốc phiện. Ngày đó, khắp Khấu Ly, Hang Chi Mua, Mù Thấp đâu đâu cũng trồng thuốc phiện. Tổ tiên người Mông ở Bản Mù biết hút thuốc phiện. Có gia đình, cả con gái, con dâu, cháu trai, cháu gái đều biết hút. Họ cho rằng, thuốc phiện chính là thần dược để họ có sức khỏe đi làm nương, làm rẫy. Người Mông đói ăn nhưng lại dư thừa thuốc phiện để hút.

Trong trí nhớ của Giàng A Pua vẫn còn vằn vện những kỷ niệm về một thời xưa cũ. Ngày ấy, Pua sống nghèo đói trong ngôi nhà dột nát với một bầy con nheo nhóc. Cũng như tổ tiên, người H’Mông ở bản Khấu Ly trồng thuốc phiện nhiều lắm, như trồng ngô, trồng sắn bây giờ. Khi đã có thể thoăn thoắt đuổi con thú trong rừng, đôi tay đã biết dùng cái tên, cái nỏ, cũng là những ngày Pua làm quen với bàn đèn, cơm đen. Pua bảo, hồi ấy, người ta coi thuốc phiện như cơm, như rượu, như ngô, ai thích thì hút, ai đói thì ăn, chả ai cấm đoán hay ngăn cản việc hút thuốc phiện.

Cả nhà, cả bản hút, thuốc phiện trồng mãi cũng không đủ. Giàng A Pua đã tự mình đi tìm những con khe, con suối có nhiều nước để cây thuốc phiện trồng tốt, lớn nhanh. Không chỉ vậy, Giàng A Pua còn kéo cả vợ, cả con đi tìm đất tốt để trồng thuốc phiện. Những ngày ấy, mặc dù vất vả, cơm không có ăn, nhưng trong gùi của Pua bao giờ cũng có thuốc phiện. Cả gia đình ở trong những cái chòi tự dựng lên để ở, để hút. Hồi đó, Pua trồng được nhiều cây thuốc phiện lắm. Thuốc phiện Pua trồng quả to và nhiều nhựa hơn hẳn những nương thuốc phiện của người khác.

Nương của Giàng A Pua ở tít trên núi nên ít người tới được. Chính vì vậy mà nhiều lần bị cán bộ tịch thu, thuốc phiện của Pua vẫn chất được hàng bồ. Dần dà, nhà của Pua trở thành địa chỉ quen thuộc của những kẻ buôn cơm đen, khói trắng. Rồi Giàng A Pua trở thành ông vua thuốc phiện nơi đầu nguồn suối Thia lúc nào không hay.

Một góc Trạm Tấu từ trên cao.

Bí quyết chế “nàng tiên nâu”

Không hổ danh là ông vua thuốc phiện, Giàng A Pua có cách lấy nhựa thuốc phiện riêng. Một quả anh túc trên nương của Pua thường cho nhiều nhựa hơn những cây anh túc khác bởi khi rạch quả lấy nhựa, Pua rạch rất khéo, đúng vào ống nhựa của quả mà không làm quả quá nát, nhựa cứ thế mà ra. Pua và vợ rạch quả vào lúc sáng sớm rồi về lại chòi hút thuốc phiện, hết tuần thuốc phiện Pua lại ra lấy nhựa, cứ thế mỗi lần đi nương về là nhà của Pua có đến cả một gùi “nàng tiên nâu”.

Về bí quyết chế “nàng tiên nâu”, Pua miêu tả nó như một cách làm đầy tính nghệ thuật. Để lấy được thuốc sống, Giàng A Pua lấy nhựa cạo từ cây phết lên một tấm giấy bản rồi đem hong khô. Sau đó, Pua lọc bỏ giấy bản rồi đem thuốc sống cho vào nước sôi lọc sạch và nấu như nấu cao, khi nào đặc lại là thành thuốc chín. Pua có một loại chất “đặc biệt” để thuốc của Pua nhanh đặc, quánh và thơm hơn, không còn vị ngái vốn có của thuốc phiện. Chính vì “bí quyết” đó mà thuốc của Pua được đánh giá là “ngon” và “phê” hơn so với thuốc phiện những người khác ở Khâu Ly và Bản Mù. Do đó, nhiều kẻ trong Bản Mù sẵn sàng bán thuốc phiện của mình trồng, thêm tiền vào để mua thuốc của Pua hút.

Chân dung ông vua thuốc phiện một thời Giàng A Pua.

Lúc Giàng A Pua còn trẻ, thuốc phiện là thứ kiếm dễ như chơi, nhưng sau đó, khi người dưới xuôi lên nhiều, chẳng mấy chốc thuốc phiện trở thành hàng đắt đỏ. Trong Bản Mù, mỗi Pua có loại thuốc phiện đặc biệt được trồng trên núi cao, lại được chế theo một bí quyết rất đặc biệt nên thuốc phiện của Pua bán được rất nhiều. Vừa có thuốc hút, vừa bán kiếm tiền, Pua trở nên giàu có nhất, nhì Bản Mù. Vào những năm người dân ở Bản Mù được cán bộ tuyên truyền, phá bỏ cây thuốc phiện, những đồi thuốc phiện của Pua ở Khấu Ly cũng bị phá như nhiều nơi khác. Pua bề ngoài thì trồng lúa, trồng ngô ở những nương cũ, song vẫn tự mình đi tìm những ngọn núi cao, đất đá voi, lớp mùn dày, quanh năm chìm trong lạnh giá, không ai phát hiện được, để trồng cây thuốc phiện. Cũng nhờ đó, Giàng A Pua vẫn là một ông vua, một kẻ ăn cơm đen, hút khói trắng khét tiếng ở đất Bản Mù.

Có tiếng về thuốc phiện, nhà Pua trở thành nơi tụ tập của những con buôn từ nhiều nơi khác tới. Lúc nào, trong căn nhà cũ kỹ của Pua cũng quyện mùi khói thuốc, đến mức người lạ vừa bước vào là cảm thấy ngay cái vị ngai ngái của thuốc phiện rồi. Trong nhà, ngoài sân, chỗ nào cũng có người ngả ngớn, bấu chặt lấy bản đèn phả ra những đám khói vừa thơm vừa ngái. Hút nhiều thế mà nhà Pua chẳng bao giờ hết thuốc phiện. Tiền bán thuốc nhiều đến mức Pua phải dùng ống vàng để đựng.

Ở Bản Mù, nhà nào cũng trồng thuốc phiện. “Cơm đen” nhiều hơn “cơm trắng”, tiền bán “cơm đen” mùa trước chưa kịp mua “cơm trắng” để ăn thì người Mông lại dùng số tiền đó để mua “cơm đen” hút hết rồi. Con đường lẩn quẩn của những con người H’Mông nơi Bản Mù suốt đời chẳng thoát ra được. Nhưng cuộc chiến loại bỏ thuốc phiện và cây anh túc tới hồi cam go đã khiến cho vua thuốc phiện lâm vào khốn đốn...

Chủ tịch xã Bản Mù Sùng A Lù cho biết, vào những năm 90 của thế kỷ trước, Bản Mù là “thủ phủ” của cây thuốc phiện, loài hoa anh túc bạt ngàn trên các nương rẫy của bà con dân bản. Thế nhưng, Bản Mù cũng là nơi nghèo đói, thiếu lương thực, bệnh tật, đời sống người dân vô cùng khó khăn, kéo theo đó là sự bất ổn về an ninh trật tự. Khi Nhà nước chủ trương xóa bỏ cây anh túc, thời điểm đó Trạm Tấu có cả ngàn hecta.

(Còn tiếp)

Nguyễn Khang - Lê Vân

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/hanh-trinh-phuc-thien-cua-vua-thuoc-phien-tren-xu-so-loai-hoa-an-thit-nguoi--ky-1-vua-thuoc-phien-tren-dau-nguon-suoi-thia-d47136.html