Hành trình hạt lúa Tây Nam Bộ

Thu hoạch lúa ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang).

Đó là chuyện hôm nay, chứ mươi, mười lăm năm trước thôi, nghĩ đến Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên là nói đến ý chí và quyết tâm khẩn hoang, phá đi sức ì của vùng đất sáu tháng ngập sâu trong nước vài mét, cùng sự cơ cực của cư dân vùng lũ Tây Nam Bộ. Những câu chuyện tưởng chừng lạ tai ngay tại vựa lúa cả nước như: đói ăn giáp hạt, cứu đói, cứu người, cứu lúa chạy lũ... Bởi vậy, quá sức tưởng tượng là vùng ngập lũ sâu với bao khó khăn, khắc nghiệt như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang năm năm trở lại đây đều có sản lượng lúa hằng năm đạt trên ba triệu tấn. Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ khẳng định: 'Những giải pháp và chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đổi mới cơ chế quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp là chìa khóa để nông dân Tây Nam Bộ giải phóng sức sản xuất và phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa!'. Ngày hôm nay, về vùng nông thôn trù phú Tây Nam Bộ, với hệ thống kênh ngang, kênh dọc chi chít như bàn cờ, cùng những điểm trình diễn mô hình sản xuất lúa, ta cảm nhận đầy đủ tính đúng đắn của bước đột phá về thủy lợi, được xem là khâu then chốt để phục vụ sản xuất nông nghiệp và chương trình khuyến công trở thành công cụ hữu hiệu chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp từ huyện đến xã, ấp, đến từng nông dân. Những 'câu lạc bộ Hai lúa', 'câu lạc bộ IPM', 'quán cà-phê khuyến nông', 'Nhịp cầu nhà nông'... đã sản sinh ra nhiều nông dân sản xuất giỏi. Công cuộc khai hoang tứ giác Long Xuyên là kỳ tích của An Giang và Kiên Giang, để lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Sáu tháng mùa khô thì nước biển mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, sáu tháng mùa nước nổi thì ngập nước sâu và trắng xóa trong biển nước. Đảng bộ và chính quyền hai tỉnh rút ra: muốn bám trụ vùng đất hoang hóa này phải có vốn, có kỹ thuật, có phương tiện để đào kênh, mương nội đồng. Với chính sách khuyến khích các hộ có vốn và phương tiện về tứ giác Long Xuyên khẩn hoang, lập nghiệp, cả nghìn chiếc tàu cuốc, xáng cạp, máy cày và hàng vạn hộ nông dân từ khắp các tỉnh, thành phố Nam Bộ đổ dồn về. Nhưng vùng đất này chỉ bật lên một cách thật sự từ khi Nhà nước đầu tư hệ thống công trình kiểm soát lũ ra biển Tây, với hành lang thoát lũ trên vùng tứ giác Long Xuyên theo hướng thoát lũ, xổ phèn, ngăn mặn và phục vụ tưới tiêu, trực tiếp giải bài toán thau chua, rửa mặn và điều tiết nước. Việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đã ổn định nơi ăn, chốn ở cho hai trăm nghìn hộ dân vùng ngập sâu, biến mùa nước nổi thành vụ sản xuất chính trong năm. Nằm ở vùng trũng tứ giác Long Xuyên, cứ đến mùa lũ là ngập sâu trong nước hơn 1,5 mét, vậy mà từ năm 2005, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống đê bao chống lũ triệt để, sản xuất lúa vụ ba bảo đảm ăn chắc, với sản lượng lương thực toàn huyện đạt hơn 600 nghìn tấn mỗi năm, trở thành huyện có sản lượng lương thực cao nhất cả nước. Từ năm 2007, Thoại Sơn đã quy hoạch 135 ha thí điểm xây dựng mô hình 'vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Ú' và 'quán cà-phê khuyến nông' là điểm giao lưu của nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nông dân. Quán cà-phê khuyến nông miệt vườn có máy vi tính nối mạng. Nông dân tha hồ truy cập tìm thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá cả vật tư nông nghiệp, giá nông sản và các mô hình làm ăn hiệu quả từ các địa bàn khác. Các nhà khoa học đã giúp nông dân Thoại Sơn lập công thức bón phân thích hợp cho từng vùng, ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật và chương trình 'ba giảm, ba tăng'... trực tiếp tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng vật tư nông nghiệp đúng quy cách, quy trình, thời vụ. Nông dân Thoại Sơn đã áp dụng máy sạ hàng trên 90% diện tích, đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa, giảm từ 500 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng so với thu hoạch bằng tay, giải quyết được áp lực thiếu nhân công cắt lúa vào thời điểm thu hoạch rộ. Sáp vô cùng nông dân giải bài toán đầu vào và đầu ra, những hộ nông dân ở An Giang, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã ở huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang), nông trường quốc doanh ở Cần Thơ đã chủ động 'liên kết bốn nhà' giúp nông dân yên tâm sản xuất, tập trung nâng cao năng suất lúa, khai thác hiệu quả sử dụng đất. Từ độc canh cây lúa lên hai vụ sản xuất lúa chính trong năm, một số nơi có đê bao khép kín được tổ chức sản xuất lúa vụ ba, đã hình thành những vùng chuyên canh trồng lúa xuất khẩu. Thực hiện các biện pháp cho vay tín dụng nông thôn, giúp đỡ nông dân sản xuất thông qua tổ liên kết, liên minh sản xuất, hợp tác xã, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ đã xóa dần nỗi ám ảnh cho vay nặng lãi ở nông thôn. Hành trình phát triển của hạt lúa ĐBSCL gắn liền với trí tuệ và lòng nhiệt thành của các nhà khoa học của Viện lúa ĐBSCL, của Trường đại học Cần Thơ, tiêu biểu như các Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Luật, Võ Tòng Xuân... Đây là những chuyên gia về giống lúa luôn sát cánh cùng các địa phương vùng ĐBSCL hợp tác nghiên cứu khoa học và xây dựng các mô hình thực nghiệm trong sản xuất lúa. 70% diện tích lúa ĐBSCL đang sử dụng các giống lúa do Viện lai tạo và chuyển giao. Hằng năm, bình quân có từ 1 đến 2 giống lúa của Viện được công nhận chính thức và 4 - 6 giống lúa được công nhận tạm thời. Hiện tại có 63 giống lúa đang được sử dụng trong sản xuất ở ĐBSCL bao gồm cả các giống lúa mùa địa phương, trong đó phổ biến nhất là các giống OM1490, OMCS 2000, VNĐ 95-20, OM576, Jasmine 85, OM2517, IR50404. Ngoài ra Viện còn chuyển giao các tiến bộ về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (máy gieo hàng, máy sấy lúa, máy đánh bùn, máy tuốt lúa, máy bóc bẹ tách hạt ngô...). Ngoài Viện lúa ĐBSCL, thành phố đang đầu tư Viện Công nghệ sinh học, cùng với hệ thống phòng thí nghiệm của Trường đại học Cần Thơ, cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Trong lúc nhiều địa phương chỉ thiên về sản xuất lúa, chứ chưa chú ý nhiều đến khâu chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa thì tại huyện Chợ Mới (An Giang) và huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã chú tâm phát triển ngành nghề công nghiệp xay xát và đánh bóng gạo phục vụ xuất khẩu. Các cơ sở xay xát, đánh bóng gạo xuất khẩu tại Thốt Nốt đóng góp trực tiếp vào việc giảm áp lực tồn đọng nông sản hàng hóa tại ĐBSCL mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ, vào thời điểm lũ lụt hằng năm, là nơi tập kết lúa hàng hóa từ thương lái để chế biến và xuất khẩu gạo với số lượng lớn thông qua cảng Cần Thơ, cảng Sài Gòn. Trong nhiều năm liền, các cơ sở chế biến gạo xuất khẩu tại Thốt Nốt cung ứng cho xuất khẩu từ 500.000 đến 800.000 tấn, sản lượng chế biến gạo xuất khẩu tại Thốt Nốt gấp 3,5 lần so với lượng lúa làm ra tại địa phương. Từ tự phát bung ra làm ăn đến phát triển quy mô trên lĩnh vực thu mua và chế biến gạo phục vụ cho xuất khẩu, Thốt Nốt đã trở thành một chợ gạo đầu mối mang tầm vóc khu vực. Hơn một năm trước, bên dòng kênh Xà No (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) - 'Con đường lúa gạo' - nơi xuất khẩu tấn gạo đầu tiên của Nam Bộ - Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức. Người trồng lúa, nghề trồng lúa và hạt lúa ĐBSCL đang ngày một nâng tầm, thăng hoa và khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế. * ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố có diện tích đất gần bốn triệu ha, chiếm 12% diện tích cả nước, dân số hơn 17,3 triệu người (2009) xứng tầm là vựa lúa cả nước, là kho dự trữ lương thực cho an ninh quốc gia, đóng góp với cả nước hằng năm trên 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu. Năm 2010 sản lượng lúa toàn vùng ước đạt khoảng 21,5 triệu tấn, tăng hơn một triệu tấn so với năm 2009.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/hanh-trinh-h-t-lua-tay-nam-b-1.284608