Hành trình đi tìm sự thật cái chết của cha (Kỳ 2)

Căn cứ vào tư liệu, cụ Hoàng Kim Tích là người có công với cách mạng còn tồn đọng chính sách, từ chính sách đến hiện thực còn nhiều chông gai chưa tháo gỡ.

Ngày 6/10/2016, chúng tôi nhận được thông tin trao đổi của Thượng tá Nguyễn Hữu An, phó trưởng công an huyện Cẩm Giàng, được biết UBND xã Ngọc Liên đã có 2 văn bản cùng số ký cùng ngày 19/9/2016, do phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cương ký, phần cuối của 2 công văn có khác nhau.

Thông tư 05/2013/TT- BLĐTBXH ban hành ngày 15/5/2013.

Tiếp nhận văn bản của xã, ngày 27/9/2016, phòng LĐ TBXH huyện Cẩm Giàng đã có văn bản gửi sở LĐ TBXH tỉnh Hải Dương, căn cứ vào thông tư 05/2013/TT- BLĐTBXH ban hành ngày 15/5/2013, đây là thông tư “hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, ưu đãi người có công với cách mạng”.

Xã Ngọc Liên cũng khẳng định: “Cuốn lịch sử Đảng bộ xã Ngọc Liên được đóng bìa cứng, in giấy Bãi Bằng là cuốn sơ thảo, xuất bản năm 1992, không có tên cụ Hoàng Kim Tích và chưa có cơ quan Đảng có cấp thẩm quyền thẩm định ( theo quy định của thông tư 05 là chưa hợp pháp), căn cứ và 2 tiêu chí này xã Ngọc Liên và huyện khẳng định “ cụ Hoàng Kim Tích không đủ điều kiện để cấp giấy báo tử làm chế độ liệt sĩ”.

Là người đi sâu tìm hiểu vụ việc, chúng tôi thấy cụ Hoàng Kim Tích sinh ra ở xã Ngọc Liên, lớn lên với tinh thần yêu nước đã đi theo cách mạng tham gia du kích từ 1946- 1949 là sự thật. Căn cứ vào “ tư liệu lịch sử tổ chức cán bộ Đảng bộ, nhân dân xã Ngọc Liên thời kỳ chống Pháp 19/8/1945 đến 20/7/1954” ấn hành ngày 18/6/2000, phần danh sách tự vệ du kích hàng thứ tự số 60 có ghi tên cụ Hoàng Kim Tích, thời gian công tác từ 1946 – 1949.

Hàng thứ 17 là tên cụ Vũ Thị Tý thời gian công tác tháng 7/1949 – 7/1954 cụ Tý là người xác nhận trận đánh cuối cùng "vào tháng 5/1949, đánh đường sắt tàu đổ, sau được lệnh rút lui, bị địch phục kích, cụ Hoàng Kim Tích bị bắt từ đó mang đi đâu không biết nữa”.

Lời xác nhận này phù hợp với cuốn lịch sử Đảng bộ xã Ngọc Liên (1930 – 1975), sách sơ thảo in lần thứ nhất năm 2004, tại trang 93 có ghi “ngày 25/5/1949 (01/4 âm lịch), địch đã huy động một lực lượng lớn, tới cấp trung đoàn, càn vào đất Ngọc Liên. Bọn địch chia làm nhiều mũi... xông vào các xóm truy lùng, đạp phá , cướp bóc của cải của dân. Dã man hơn là chúng đã bắn chết 3 người và bắt đi một số khác...”.

Như vậy, cụ Hoàng Kim Tích sinh ra, lớn lên đi du kích ở xã Ngọc Liên thời kỳ 1946- 1949 là sự thật không thể chối bỏ được. Mặt khác, theo nhiều cán bộ Đảng viên của xã Ngọc Liên đã cung cấp cho chúng tôi biết, ngoài cuốn “Tư liệu lịch sử tổ chức cán bộ” xuất bản năm 2000 của xã Ngọc Liên có ghi danh sách du kích thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), thì không còn cuốn lịch sử nào của xã lại ghi tên danh sách cán bộ du kích thời kỳ chống Pháp lại đầy đủ như thế.

Nhưng xã Ngọc Liên lại viện dẫn sách in năm 1992 làm căn cứ phản biện báo cáo là không thỏa đáng, chưa thuyết phục. Nếu cuốn tư liệu lịch sử tổ chức cán bộ xã nói trên bị phủ quyết thì thời chống Pháp cả nước duy nhất chỉ có xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng , tỉnh Hải Dương là không có du kích, tự vệ mà đánh được giặc Pháp, đó quả là chuyện không tưởng.

Còn cụ Hoàng Kim Tích bị bắt, đem đi đâu, sống chết ra sao thì năm 2010 sự thật đã được sáng tỏ, khi mà anh Nguyễn Văn Thức sinh năm 1965, con trai cụ Nguyễn Văn Thoa sinh năm 1931, tìm tới nhà con cháu cụ Tích báo tin, “tháng 5/1949, giặc Pháp dong 10 tù binh qua thôn Cao Trai, đến bờ đê thì có một người tù chống đối địch, bỏ chạy bị chúng bắn chết, xã ủy lúc đó có giao cho 3 ông Nguyễn Văn Đắc sinh năm 1921, là chi ủy viên, xã đội phó; Phạm Văn Quyền sinh năm 1924, thôn đội trưởng dân quân du kích, Nguyễn Văn Thoa sinh năm 1931 ( đã mất 2007) là đội viên du kích xã chôn.

Trên ngực người tù binh này có ghi dòng chữ : Hoàng Kim Tích, xã Ngọc Trục, Cẩm Giàng, Hải Dương. Cụ Tích được chôn ngay tại chân đê. Năm 1985 xã phân phần đất này cho ông Nguyễn Văn Thoa canh tác, ông Thoa và vợ con đã chăm lo hương khói mộ chí cho cụ Tích".

Ngày 13/8/2016, chúng tôi đã tìm về thôn Cao Trai gặp các nhân chứng để nghe các cụ kể lại cái chết dũng cảm của cụ Hoàng Kim Tích. Đặc biệt lần này chúng tôi gặp cụ Nguyễn Duy Thừa, sinh năm 1930, lúc đó còn là thanh niên chưa tham gia công tác địa phương, cụ Thừa là người trực tiếp giám sát toàn cảnh cái chết của cụ Tích và sau khi giặc rút, cụ ra vuốt mắt cho cụ Tích, lật bảng tên lên xem trước khi tổ du kích ra chôn.

Cụ Thừa khẳng định, cụ Tích chống đối địch để lấy cớ bỏ chạy, mong tìm đường về với cách mạng để tiếp tục tham gia chiến đấu giải phóng quê hương. Thôn Cao Trai hiện còn lưu truyền hành động dũng cảm này của cụ Hoàng Kim Tích. Đáng lý xã Ngọc Liên sau khi con cháu cụ Tích báo cáo làm đơn gửi xã, và tòa soạn điều tra cung cấp thêm thông tin thì phải bắt nhịp tìm hiểu xác minh để nhân lên thành một điểm sáng, chuyển lửa cách mạng cho các thế hệ sau. Nhưng đáng tiếc điều tốt đẹp đó đã không xảy ra, và cũng đồng nghĩa cơ may chưa mỉm cười với con cháu cụ Tích.

Thông tư số 14/2002/TT-BLĐTBXH.

Là người viết nhiều các đối tượng chính sách, chúng tôi nhận thấy, khi có các thông tin liên quan tới địa phương nào thì thường là lãnh đạo xã rất quan tâm cho thẩm tra làm rõ ngay, chứ không phải phản biện để bác bỏ tức thì như xã Ngọc Liên, và viện dẫn như công văn số 59 ký ngày 19/9/2016, do phó chủ tịch xã Nguyễn Mạnh Cương kí không thừa nhận cụ Hoàng Kim Tích là du kích thời kỳ 1946 – 1949, cũng đồng nghĩa không thừa nhận sự hy sinh có thật của cụ Tích cho làng xóm quê hương, và vận dụng thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH là "thông tư hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công" vào việc cụ thể để làm chế độ cho cụ Tích là chưa đúng, mà phải vận dụng thông tư số 14/2002/TT-BLĐTBXH “ hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với một số trường hợp tồn sót trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, thuộc các trường hợp được quy định tại điều 11, nghị định 28 CP ngày 29/4/1995 của chính phủ, mà đến nay vẫn không có chứng cứ là còn sống, đầu hàng, phản bội, đào ngũ, bỏ việc, thôi việc hoặc chết vì tai nạn, ốm đau, hoặc đã vi phạm bị án tù của cách mạng , thì được coi như đã hy sinh làm nhiệm vụ”.

Cũng tại thông tư này, chỉ đặt ra yêu cầu hồ sơ gồm: 1 đơn của thân nhân liệt sĩ, nếu không còn thân nhân thì UBND xã đứng ra làm thay đơn đề nghị, 2- lập hội đồng của xã xét duyệt gồm các đoàn thể...; 3- khi đã thống nhất sẽ phải thông báo niêm yết công khai trên loa đài, bản tin xã, sau 15 ngày không có phản hồi trái chiều thì xã làm thủ tục báo cáo lên trên để công nhận liệt sĩ.

Như vậy, Đảng và nhà nước rất sáng suốt để tháo gỡ tồn đọng chính sách, quyết tâm không để người có công với cách mạng bị bỏ sót. Đây chính là kế giữ nước bền gốc sâu rễ nhất. Nhưng rất tiếc, từ chính sách đến hiện thực còn nhiều chông gai gian nan rào cản quá.

Với tấm lòng thơm thảo, chúng tay không để sót người có công với nước, chúng tôi rất mong lãnh đạo xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, sở LĐ TBXH tỉnh Hải Dương, trước một sự thật hiển nhiên như trường hợp của cụ Hoàng Kim Tích, vận dụng chế độ chính sách phù hợp để các gia đình có người hy sinh cho đất nước không bị bức xúc thiệt thòi uổng phí. Tòa soạn cũng sẽ có công văn gửi bộ LĐTBXH về trường hợp này.

Nhà văn Nguyễn Nam Đông &Đức Phổ/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/hanh-trinh-di-tim-su%cc%a3-tha%cc%a3t-cai-chet-cua-cha-ky-2-p42241.html