Hành trình chiến thắng số phận của đôi vợ chồng không chân

Sau tai nạn giao thông còn có một chân, anh là Phó Chủ tịch Hội Khuyết tật huyện đã mất đi cả hai chân. Số mệnh đã cho họ gặp nhau, tạo nên một gia đình hạnh phúc với những đứa con ngoan, khỏe mạnh.

Những ai biết về câu chuyện tình yêu chiến thắng số phận của cặp vợ chồng khuyết tật này đều cảm thấy ngọt ngào và ấm áp. Sau tai nạn giao thông (TNGT) còn có một chân, chị trở thành vận động viên khuyết tật nổi tiếng, anh là Phó Chủ tịch Hội Khuyết tật huyện Hoài Đức (Hà Nội), cũng là một người đã mất đi cả hai chân. Sự trùng hợp của số mệnh đã cho họ gặp nhau, tình yêu chiến thắng bất hạnh, tạo nên một gia đình hạnh phúc với những đứa con ngoan, khỏe mạnh.

Bước ra từ tai nạn kinh hoàng

Đi hết con đường đê xóc, rẽ xuống một thôn xóm bình yên, chúng tôi tới nhà anh Nguyễn Tiến Dũng ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Anh Dũng ngồi trên xe lăn đang đợi khách. Từ trong nhà, người phụ nữ với nước da trắng hồng, gương mặt còn khá trẻ đi bằng một chân ra đón chúng tôi. Nụ cười mãn nguyện luôn nở trên môi khiến chúng tôi không nghĩ rằng chị đã bước sang tuổi 44. Chị là Nguyễn Thị Xuân Ánh, vận động viên khuyết tật nổi tiếng giành được nhiều vinh quang trong các trận thi đấu quốc tế Para Games. Trong căn nhà ấm áp, tôi cảm nhận được hạnh phúc ngọt ngào của đôi vợ chồng khuyết tật khi suốt buổi trò chuyện họ đều dành cho nhau ánh mắt và nụ cười rạng ngời.

Những phút giây hạnh phúc của vợ chồng anh Dũng - chị Ánh.

Nhớ lại chuyện năm xưa, dường như nỗi ám ảnh kinh hoàng về vụ TNGT thảm khốc vẫn ẩn hiện tận sâu trong đáy mắt họ. Không phải họ gặp tai nạn cùng nhau nên mới quen nhau mà họ bị tai nạn ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng là năm họ vừa tròn 21 tuổi, cùng bị xe ô tô cán qua người.

Anh Dũng là người Cát Quế, nhà nghèo, vừa học xong phổ thông anh đã theo bạn bè trong làng đi chợ buôn hoa quả. Hàng ngày, anh phải dậy từ rất sớm, đạp xe thồ lên tận huyện Lương Sơn (Hòa Bình) mua trái cây về bán.

Anh nhớ rõ đó là vào tháng Bảy âm lịch năm 1993, vừa đến chợ Lương Sơn được một lúc, đang đạp xe thì anh bị một chiếc xe tải từ đằng sau lao tới. Cả người anh bị cuốn trong gầm xe, đau đớn khiến anh ngất đi. Khi tỉnh lại anh thấy mình nằm trong bệnh viện, mẹ anh ngồi bên khóc cạn nước mắt. Không ai nói cho anh biết mình bị sao, chỉ thấy toàn thân bất động đau đớn như bị xé nát.

Mãi mấy ngày sau, khi cơn đau đã dịu bớt, anh thấy gì đó khác thường, thử co chân thì bỗng nhận ra cảm giác hụt hẫng. Anh lật tấm chăn lên, đưa tay sờ xuống đùi mình, hoảng hốt khiến anh câm lặng. Hai chân của anh đâu? Nỗi bi phẫn kèm theo đau khổ khiến anh bị sốc nặng, suốt ngày chỉ nằm trên giường bệnh nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi có ánh nắng gay gắt và lá cây xà cừ đung đưa trong gió.

Sau này, bạn bè đi buôn trái cây với anh mới kể lại, khi họ kéo anh ra từ gầm xe tải, hai chân anh đã bị cán nát, người anh ngập trong máu, phải đưa vào Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật. Một tháng từ bệnh viện trở về, anh Dũng vẫn đắm chìm trong mặc cảm, chán chường. Từ một chàng trai khỏe mạnh, dung mạo tuấn tú, anh trở thành tàn phế. Nỗi đau này có gì bi ai hơn. Anh sẽ sống ra sao, tương lai thế nào khi gia đình anh chỉ có một mẹ một con, hơn nữa lại còn rất nghèo.

Mất nửa năm sa vào tuyệt vọng đen tối, mẹ anh đã phải bán một mảnh đất để mua cho anh một chiếc xe ba bánh làm phương tiện đi lại. Sau 6 năm vật vã với những khó khăn triền miên của người không còn đôi chân, ánh sáng cuộc đời cuối cùng cũng mở ra. Đó là khi anh gặp chị…

Nhắc đến khoảnh khắc của quá khứ, chị Ánh không giấu được nụ cười hạnh phúc và tình yêu của mình dành cho chồng. Nếu ai đã từng biết chị, từng nghe câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ này thì đều khâm phục nghị lực phi thường không chịu đầu hàng số phận của chị.

Cô gái ở độ tuổi 21 căng tràn sức sống bỗng một ngày phải cưa mất một chân vì TNGT (chị bị ô tô khách đâm phải khi đang đi trên QL32). Sau những ngày dài trong tuyệt vọng điều trị phục hồi chức năng, ý chí kiên cường đã đè bẹp phần mặc cảm tưởng đã ăn sâu, bén rễ trong lòng của cô gái mới lớn.

“Mình không còn chân nhưng không thể mất tất cả. Lúc đó tôi quyết tâm lắm, tôi nghĩ mình phải học nghề gì đó để tự nuôi mình. Tôi không ngừng tìm kiếm, đã liên hệ xin tham gia làm người mẫu cho một công ty chuyên sản xuất khuôn chân giả. Rồi xin được cho mình một chân giả, xin được cả xe ba bánh để di chuyển. Ban đầu chỉ là muốn được tập luyện trau dồi sức khỏe, có cơ hội gặp gỡ bạn bè cùng cảnh ngộ, không ngờ tập rồi thành đam mê. Chỉ khi tôi tham gia vào thể thao thì mới thấy mình có sức sống” – chị Ánh hồi tưởng.

Chị Ánh trở thành vận động viên bộ môn Marathon trên xe lăn ở CLB Thể thao người khuyết tật Khúc Hạo từ cơ duyên đó. Có tiền từ một số giải thưởng, chị đã xây được cho mẹ ngôi nhà khang trang trước khi theo chồng.

Tình yêu biến thành nghị lực

Nhắc đến mối lương duyên này, cả hai vợ chồng anh Dũng đều không giấu được nụ cười thẹn thùng. Dù họ đều ở tuổi ngoài 40, nhưng qua cách nói chuyện, qua ánh mắt họ trao nhau, chúng tôi thấy tình yêu của họ đong đầy như cặp vợ chồng mới cưới.

Chị Ánh nhớ lại: “Đó là năm 1996, anh trai tôi sang làng anh Dũng chơi, tình cờ thấy anh ấy dùng tay đặt lên hai chiếc ghế con để thay chân di chuyển, thấy rất thương. Về nhà, anh trai bảo tôi kêu gọi giúp anh ấy xin một chiếc xe lăn. Nghe anh kể, tôi cũng muốn giúp, nhưng vì bận bịu và cũng chưa có điều kiện nên phải 3 năm sau tôi mới giúp đỡ được anh. Khi chúng tôi gặp nhau, nhìn hoàn cảnh của anh tôi rất thương, nên đã dùng nghị lực của mình để động viên anh vươn lên. Ban đầu chỉ là giúp đỡ vì cùng cảnh ngộ, sau này tình yêu mới nảy sinh”.

Anh Dũng thì hoàn toàn khác chị. Vừa gặp gỡ người con gái này, trong anh đã nhen nhúm niềm vui khó tả, vừa có sự cảm kích, vừa rung động. Bởi cô tuy mất một bên chân nhưng tinh thần lạc quan lại như dòng nước trong lành tưới mát cho tâm hồn vốn khô cằn vì mặc cảm của anh. Cô khuyết tật nhưng lúc nào cũng vui vẻ nói cười, năng động hoạt bát, tham gia vào nhiều phong trào dành cho người khuyết tật, đi đây đi đó để tìm kiếm việc làm, giúp đỡ người khuyết tật khác. Trái tim anh đã yêu cô từ lúc nào không hay.

Dù cách nhà cô 8 cây số, nhưng anh theo đuổi cô cũng thật mạnh mẽ. Để sang nhà cô, anh lái xe ba bánh đi trên con đường đê. Có những lúc hấp tấp quá, chiếc xe đổ chổng kềnh từ khúc cua trên đê xuống, xe bay lộn qua đầu anh. Đứng từ xa nhìn thấy, cô đờ đẫn, tim ngừng đập. Nhưng may anh không sao. Cứ thế, duyên phận đưa đẩy họ trở thành một đôi uyên ương.

Hôm cưới, chú rể lái xe ba bánh đến đón cô dâu. Đây cũng là đám cưới đáng nhớ với dân làng Di Trạch và Cát Quế. “Để nên duyên phận chúng tôi phải trải qua nhiều sóng gió, sự ngăn cấm kịch liệt của gia đình. Ai cũng lo cho chúng tôi, một người tàn tật đã đành, hai con người đều không có chân thì phải làm thế nào để nuôi nhau, để sống tiếp” - chị Ánh bỗng thở dài khi nhớ tới khoảng thời gian đó.

Nhà anh Dũng rất nghèo. Cưới nhau về, họ sống trong căn nhà tranh gần như “rách nát”. Mưa thì dột, nắng thì oi nồng không thể chịu. Bên trong chỉ có hai trái tim khuyết tật cùng chung nhịp đập. Càng sống cùng với anh, chị Ánh càng nhận ra chồng mình là người vô cùng tốt tính, chân thật, cần cù và yêu chiều chị hết mực. Tình yêu chị dành cho anh cũng ngày một lớn dần theo năm tháng.

Hằng ngày, chị phải đi hơn 20km đến CLB Khúc Hạo để tập luyện, đồng lương vô cùng ít ỏi, khó khăn có những lúc tưởng chừng lùi bước. Anh Dũng đi học nghề sửa chữa điện tử nhưng không cạnh tranh nổi bởi hạn chế về sức khỏe anh không thể đi đến từng gia đình để sửa chữa. Anh quay sang nghề sửa chữa điện dân dụng nhưng cuối cùng cũng phải bỏ nghề vì không khuân vác được. Cuối cùng, anh đến làm cộng tác viên cho một cửa hàng photoshop ảnh với tiền lương hơn 1 triệu/tháng.

Chị Ánh là vận động viên khuyết tật, tiền lương của chị eo hẹp không kém, riêng tiền đi lại cũng mất hơn một nửa. Chị kể: “Khi nào thi đấu có huy chương thì mới có tiền, phải giành được huy chương ở ngoài nước thì mới nhiều một tí, chứ còn trong nước ít lắm”.

Nhìn chị, tôi khó có thể hình dung người phụ nữ này đã làm lên kỳ tích dù việc tập luyện đối với chị vô cùng gian khổ. “Tập chạy trên xe ba bánh khó lắm. Những ngày đầu ngồi lên xe chỉ ngồi ra trước một tí hoặc ra sau một tí là xe đổ. Khi xe đang chạy, vấp phải hòn sỏi cũng đổ. Lên dốc rồi thả dốc, mỗi ngày tập đều 40-50km đôi tay chị tóe máu, mỏi nhừ. Nhưng muốn giành chiến thắng không có con đường nào phải nỗ lực tập luyện”.

Với chị Ánh, thi đấu giải quốc gia là chuyện hết sức đơn giản. Chị đã tham gia nhiều giải khu vực, châu Á và quốc tế. Tháng 5-1996, chị Ánh đã giành giải Nhì toàn quốc môn xe lăn nữ 3km. Tháng 10 năm đó, chị giành giải Nhất ở cự ly 10km. Năm 1999, chị giành Huy chương Bạc cuộc thi Châu Á – Thái Bình Dương môn xe lăn nữ. Năm 2000, chị liên tiếp gặt hái thành công: giải Nhất Marathon xe lăn nữ tại Hàn Quốc, giải Ba Huy chương Vàng xe lăn nữ cuộc thi Đông Nam Á tại Malaysia, giải Nhất Marathon New York. Năm 2016, chị đạt giải Nhì cuộc thi xe lăn nữ quốc tế tại Malaysia…

Nước mắt kiêu hãnh và vinh quang đọng trên khóe mắt mỗi khi chị lên bục nhận giải. Dù đã nổi tiếng, nhưng trở về dưới mái nhà nghèo đơn sơ chị vẫn lạc quan tin tưởng vào tương lai sáng sủa hơn của hai vợ chồng. Chị làm đủ nghề để kiếm sống, từ bán trứng, nhặt chai lọ, mở gian hàng điện tử nhỏ…

Khi hợp tác xã chia đất, vợ chồng chị xin được 24m2 và xây một căn nhà cấp bốn để ở. Năm 2008, chị giành được 2 Huy chương Vàng Para Games tại Thái Lan nên đã có tiền mua thêm 16 m2 đất. Rồi tích cóp, tằn tiện làm thêm vợ chồng chị đã xây được ngôi nhà cao tầng.

Mấy năm nay, anh Dũng được bạn bè giúp đỡ, mua một chiếc xe ba bánh để chở hàng. Ai cũng quý anh, bạn bè giúp đỡ nên càng ngày anh càng có nhiều khách hàng hơn, thu nhập tốt. Cuộc sống của gia đình anh chị đã khấm khá lên rất nhiều.

“Tôi không còn phải quá lo lắng đến kinh tế nữa, anh ấy đã kiếm được tiền nuôi vợ con. Tôi giờ đây chỉ còn tập trung vào luyện tập để tháng 6 tới thi đấu trong nước và cuối năm đi thi đấu giải quốc tế” – chị Ánh vui vẻ khoe.

Vợ chồng chị có hai người con, con gái đầu lòng học lớp 10, con trai út lên lớp 8. Nhắc tới cậu con trai, ánh mắt của chị rưng rưng hạnh phúc. Trong một lần thi đấu quốc tế ở Mỹ, chị mang thai cậu bé mà không hề hay biết. Chị cảm thấy lúc thi đấu mình như người bị say xe, nhưng không ngờ rằng trong bụng mình đang có một sinh linh bé nhỏ.

“Đứa bé này đến với tôi rất tình cờ, là ông trời cho tôi, dù hôm thi tôi phải chạy tới 42km trong thời tiết mưa rét mà không hề sao. Bây giờ cháu đã cao 1,7m, nặng 78kg. Tết năm nay cháu cõng bố đi chúc Tết tất cả họ hàng, chuyện chưa từng làm được từ khi anh ấy bị tai nạn” – chị thổ lộ.

“Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra” - câu nói này rất đúng với vợ chồng anh Dũng. Dù họ đã từng bế tắc, từng đau khổ khi bỗng dưng mất đi một phần thân thể quan trọng, nhưng tương lai không hề sụp đổ trước mắt họ. Nghị lực vươn lên đối với họ không bao giờ ngơi nghỉ.

Điều khiến chúng tôi cảm động là khi cuộc sống của gia đình anh Dũng đã ổn định, khá giả hơn thì họ lại luôn tìm cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khác, đặc biệt là những người cùng cảnh ngộ.

Theo Trần Hằng/ANTG

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/hanh-trinh-chien-thang-so-phan-cua-doi-vo-chong-khong-chan-163350/