Hạnh phúc được học trò đứng lén sau cánh cửa vì muốn học lại... cô giáo cũ

GD&TĐ - 16 năm trong nghề, cô Hoàng Thị Thơm - Chuyên viên phòng GD&ĐT Mường Chà (Điện Biên) - nhớ nhất những ngày tháng được trực tiếp lên lớp, dạy trẻ.

Trong câu chuyện của mình, ánh mắt cô giáo người Thái lấp lánh hạnh phúc khi nhớ lại hình ảnh học trò đã lên tiểu học đứng lén sau cánh cửa vì muốn được học lại lớp cũ, cô giáo cũ.

Từ nhỏ đã mơ được dạy mầm non

Trở thành cô giáo mầm non là ước mơ từ khi cô bé Hoàng Thị Thơm còn rất nhỏ. Khi đó, cả gia đình có 4 anh chị em tại Mường Lay (Điện Biên) còn bữa no, bữa đói và hầu hết người dân trong bản đều không coi trọng việc học. Thời điểm bấy giờ, trong bản Thơm sinh sống chưa có một gia đình nào đi thoát ly làm công việc nhà nước.

Nhưng may mắn, chị em Thơm có một người cha vô cùng tuyệt vời. Dù nghèo đói, lại hai lần gặp thiên tai, lũ lụt làm cho không còn nhà để ở, không còn gạo để ăn, ông vẫn động viên con: “Dẫu có bần cùng đến phải đi ăn xin, bố cũng vẫn cho các con ăn học. Đời bố mẹ đã khổ rồi, không thể để đời các con khổ thêm nữa”.

Câu nói đó chính là “thần dược” của Thơm và các anh chị em trong suốt quãng tuổi thơ khốn khó. Bởi vậy mà dù sáng đi học, chiều lại vác cuốc, cầm dao đi làm nương rẫy để lo cái ăn, Thơm vẫn 12 năm liền đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi; thi học sinh giỏi Văn cấp huyện, cấp tỉnh và đều đạt giải… 4 anh chị em Thơm cùng nỗ lực học hết lớp 12 và nay đều trở thành thầy cô giáo.

Dẫu con đường học tập có gập ghềnh, tốt nghiệp THPT phải ở nhà 2 năm làm ruộng vì không có điều kiện vào đại học, cô gái trẻ Hoàng Thị Thơm vẫn không từ bỏ ước mơ từ thuở bé.

Năm 1998, Thơm đỗ hệ trung cấp sư phạm khoa giáo dục mầm non (nay là Trường CĐSP tỉnh Điện Biên) và vui mừng nhận công tác tại chính nơi mình sinh ra, lớn lên.

Cô Hoàng Thị Thơm

Hạnh phúc là niềm tin con trẻ

Có lẽ dấu mốc cô Hoàng Thị Thơm không bao giờ quên là ngày 1/9/2000, khi chính thức trở thành cô giáo. Công việc ban đầu suôn sẻ bởi cô có lợi thế là người bản địa, biết được hai thứ tiếng (tiếng Thái và tiếng Việt) nên tiếp cận, dạy trẻ thuận lợi hơn.

Nhớ lại ngày ấy, cô giáo trẻ cho biết, dân bản khi đưa con đi học rất tò mò, nhiều người hàng ngày còn nán lại để xem cô giáo dạy con mình cái gì, dạy như thế nào?

Cũng chính vì thế mà ngay từ khi đó, cô Thơm đã tự đòi hỏi bản thân phải thay đổi hình thức tổ chức dạy học thật hiệu quả để cha mẹ trẻ có niềm tin khi gửi con tới trường; phải thay đổi suy nghĩ: cô giáo ở trường không phải chỉ trông trẻ mà là chăm sóc, giáo dục trẻ.

“Bước đầu rất khó khăn bởi giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng cách không nhỏ; tôi lại dạy lớp mẫu giáo ghép 3 độ tuổi, các em khá khó khăn trong hiểu ngôn ngữ Tiếng Việt.

Sau khi cân nhắc, tôi đã bắt đầu với nội dung đầu tiên là hướng dẫn trẻ một số kỹ năng như xếp hàng, tập thể dục sáng… Thời gian đầu, có lúc gần như rơi vào thất vọng vì mệt mỏi, nhưng rồi mọi chuyện cũng đi vào nề nếp. Những học trò nhỏ của tôi đã có được một số kỹ năng cơ bản sau thời gian ngắn rèn luyện.

Xúc động nhất là kết thúc năm học, học sinh cũ vào lớp 1 vẫn quyến luyến và nhớ trường, nhớ lớp, nhớ cô. Có lần, tôi bắt gặp mấy học trò cũ đứng lén sau cánh cửa nhìn vào lớp học.

Khi được hỏi, em nói sau buổi sáng học lớp 1 vẫn muốn đến lớp mẫu giáo vào buổi chiều. Tôi đã rất hạnh phúc. Chính tình cảm trong sáng của các em khiến tôi càng tin mình đã chọn con đường đúng và dốc toàn tâm với nghề dạy học” - Cô Hoàng Thị Thơm tâm sự.

16 năm công tác, 3 năm trực tiếp đứng lớp, 13 năm làm công tác chuyên môn về mầm non tại Phòng GD&ĐT, ở cương vị nào, cô Hoàng Thị Thơm cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc: Danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua, được nhận bằng khen của UBND huyện, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT…

Nhiều sáng kiến kinh nghiệm cô đúc rút từ thực tế làm việc đạt giải cao cấp tỉnh. Ngoài ra, với vai trò là Phó Chủ tịch Công đoàn giáo dục phụ trách công tác nữ công của Phòng GD&ĐT Mường Chà, cô Thơm cũng có nhiều thành tích xuất sắc được Liên đoàn lao động tỉnh tặng bằng khen… Năm 2016, cô Hoàng Thị Thơm là 1 trong 5 nhà giáo tiêu biểu nhất của tỉnh Điện Biên được đề nghị vinh danh toàn quốc.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hanh-phuc-duoc-hoc-tro-dung-len-sau-canh-cua-vi-muon-hoc-laico-giao-cu-2479391-v.html