Hành động 'xưa nay hiếm' để cứu hai bé sơ sinh dính liền của vị bác sĩ vùng cao

"Lúc đó gấp gáp lắm rồi, tiền công đoàn bệnh viện huy động chẳng được là bao, người nhà bệnh nhân thì chẳng có đồng nào. Tiến thoái lưỡng nan, tôi nghĩ ra phương án đó và thực hiện luôn”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung – Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên – Hà Giang chia sẻ.

Tôi chưa từng gặp bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, cũng chưa từng đến Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên nơi bác sĩ đang công tác chuyên môn. Tôi chỉ biết đến bác sĩ Chung qua hình ảnh đang được lan truyền trên mạng, khi bác sĩ đứng cạnh một tấm biển với dòng chữ: “Lời kêu gọi giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm”.

Ở đó tôi thấy một bác sĩ mặc áo blu trắng, với gương mặt hiền hậu đang đứng kêu gọi người dân hãy ủng hộ cho gia đình vừa có cặp song sinh chào đời nhưng lại bị dính liền phần bụng. Chỉ với những hình ảnh chân chất đó đã khiến tôi “ngả nón” thán phục lắm rồi.

BS Chung kêu gọi ủng hộ cho gia đình hai bé song sinh dính liền ở Hà Giang

Dù đi nhiều, dù tiếp xúc với các bác sĩ nhiều nhưng một bác sĩ với tấm biển in hình bệnh nhân, đứng ra giữa chợ kêu gọi quên góp cho bệnh nhân thì chưa bao giờ tôi gặp, có chăng đó chỉ là những lời kêu gọi trên facebook mà thôi.

Đó là những cảm nhận gián tiếp của tôi khi nhìn qua bức ảnh, nhưng khi bấm máy vào số điện thoại được một người bạn gửi và kèm theo đó là lời nhắn: “Em hãy viết về những bác sĩ như vậy em nhé”.

Alo, anh Chung ạ? Ở đầu dây bên kia là một giọng nói trầm ấm nhưng rất dứt khoát: “Vâng! Tôi Chung đây!”. Sau lời giới thiệu tôi hỏi: Anh không phiền khi em gọi anh vào giờ nghỉ trưa chứ ạ? Anh trả lời: “Không sao! Trên này bọn mình làm nhiều việc lắm, có mấy khi nghỉ trưa đâu”.

Câu trả lời đó khiến tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi không ít lần khi có sự việc, cần xác minh phỏng vấn gấp, cũng là các bác sĩ nhưng câu trả lời tôi thường gặp phải là: “Anh có biết bây giờ là mấy giờ không? Có gì trình bày nhanh đi”.

Quay trở lại cuộc đối thoại với bác sĩ Chung, khi trả lời câu hỏi lý do nào, động lực nào khiến anh đưa ra quyết định ra “đứng đường” kêu gọi sự giúp đỡ cho bệnh nhân như vậy?

Vẫn là câu trả lời đầy dân dã và thân mật: “Nói ra xấu hổ lắm đồng chí ạ, lúc đó (10 giờ sáng, ngày 14/7) gấp gáp lắm rồi, tiền công đoàn bệnh viện huy động chẳng được là bao, người nhà bệnh nhân thì chẳng có đồng nào. Tiến thoái lưỡng nan, tôi nghĩ ra phương án đó và thực hiện luôn”.

Người dân đến quyên góp ủng hộ 2 cháu bé

Kể cả khi, những hình ảnh đó đưa lên các trang báo , không ít người “ác ý” bình luận về hình ảnh bác sĩ không nên thế nọ, không nên thế kia. Nhưng đối với bác sĩ Chung, thì việc làm này không phải vì tạo dựng hình ảnh, không phải để đánh bóng tên tuổi, mà là tất cả vì người bệnh. “Trên này đồng bào nghèo lắm, nhiều nhà 50.000 đồng với họ là cả một vấn đề, vì thế mình phải bỏ đi “cái tôi” của bản thân, phải mặc áo blu và trực tiếp ra kêu gọi thì người dân mới tin”.

Qua những đoạn hội thoại chóng vánh, tôi cảm nhận được rằng, ở nơi đó tình người là trên hết, ở nơi đó dường như chẳng còn cơ chế “xin – cho” và cũng ở nơi đó các bác sĩ đã và đang thực hiện rất tốt những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Cán bộ y tế phải chuyển từ tâm lý ban ơn sang phục vụ người bệnh”.

Cuối cùng khi trả lời câu hỏi của tôi về việc: Qua sự việc này, anh có đề xuất hay mong muốn gì? Vẫn giọng đĩnh đạc và điềm đạm: “Mình chỉ mong nhà nước, ngành y tế quan tâm hơn nữa đến vùng sâu, vùng xa như chúng mình, để có những máy móc hiện đại như chiếc máy siêu âm màu chẳng hạn, để từ đó bọn mình ở trên này sớm phát hiện được những dị tật cho các cháu từ trong bụng mẹ”.

Cuộc nói chuyện kết thúc với câu nói của vị bác sĩ luôn đau đáu những nỗi niềm, những suy tư để phát triển y tế vùng cao.

Nhưng mọi thứ chưa dừng lại ở đó, sau cuộc nói chuyện khoảng 3 giờ đồng hồ, khi tôi biết được thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen cho BSCKII Nguyễn Ngọc Chung vì đã có thành tích xuất sắc trong việc mổ cấp cứu kịp thời và vận động quyên góp hỗ trợ gia đình hai trẻ sơ sinh bị dính bụng.

Quyết định tặng Bằng khen cho BSCKII Nguyễn Đức Chung của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Ngay lập tức tôi bấm máy gọi bác sĩ Chung, vẫn giọng nói trầm ấm: “Tôi nghe đây đồng chí ơi!”. Tôi nhanh nhảu gửi lời chúc mừng, bác sĩ Chung giật mình hỏi lại: “Mình chia sẻ rồi, việc làm nhỏ ấy có gì đâu mà phải chúc mừng, đồng chí chúc làm tôi ngại”.

Hóa ra, bác sĩ Chung vẫn chưa biết mình được nhận Bằng khen, khi tôi nói lý do chúc mừng, bác sĩ Chung: “Được Bộ trưởng tặng Bằng khen là vinh dự và niềm tự hào của bất cứ bác sĩ, nhân viên y tế nào. Nhưng mình xấu hổ lắm đồng chí ạ. Công sức là của tất cả anh em bệnh viện chứ đâu phải của riêng mình”.

Câu nói đó khiến tôi thật sự xúc động và nghĩ rằng, để đánh giá một con người qua những hình ảnh và 2 cuộc điện thoại thì thật khó, nhưng bằng những hành động tôi nhìn thấy và lời nói tôi được nghe, tôi nhận ra rằng xã hội này vẫn luôn có những người tốt hiện hữu ở đâu đó, điển hình như bác sĩ vùng cao Nguyễn Ngọc Chung.

Lê Đình Phương

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/bac-si-ra-cho-xin-tu-thien-cuu-2-be-song-sinh-dinh-lien-d96508.html