Hành động vì sự an toàn của những người đang sống

Mỗi ngày trôi qua, trên đất nước Việt Nam, tai nạn giao thông (TNGT) đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 24 người và làm gần 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, mang đến nỗi đau tột cùng cho hàng trăm gia đình. Thiệt hại to lớn về tính mạng là không gì bù đắp được, những di chứng thương đau của TNGT cũng là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người thân, bạn bè những người bị nạn. Hãy vì niềm thương cảm những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống!

Tác hại khôn lường...

Mười tháng qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra gần 17.300 vụ TNGT, làm chết 7.120 người, bị thương 4.811 người và làm hơn 10 nghìn người bị thương nhẹ. Tuy đã giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương so cùng kỳ năm 2015, nhưng những thiệt hại do TNGT hằng ngày gây ra vẫn rất lớn, gây bao nỗi đau, nhức nhối cho xã hội. Đau lòng hơn, cái chết của những nạn nhân TNGT đã cắt đứt niềm hy vọng của những em nhỏ về tương lai đẹp đẽ hay nơi nương tựa của các bậc cha, mẹ khi về già. Cùng với đó là nguy cơ đói nghèo của hàng chục nghìn gia đình, là sự xói mòn những thành quả phát triển kinh tế - xã hội mà cả dân tộc đang gắng sức thực hiện và làm lan tỏa sự sợ hãi trong khắp cộng đồng, gây tổn thương nghiêm trọng hình ảnh một đất nước Việt Nam yên bình, thân thiện trong mắt đối tác, bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: Bằng nhiều hành động mạnh mẽ, thông qua các chính sách quốc gia và cam kết xã hội, chúng ta đã và đang chung tay hành động để kéo giảm thấp nhất số vụ TNGT, qua đó giảm số người chết và bị thương. Sự thật là số vụ TNGT ở Việt Nam đã liên tục được kéo giảm trong nhiều năm qua. Nhưng chúng ta vẫn có thể và cần phải hành động nhiều hơn nữa với quyết tâm cao cũng như khát vọng lớn về một xã hội yên bình, không còn nỗi đau do TNGT. Vì vậy, từng người dân cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về tác hại khôn lường của hiểm họa này đến sự phát triển của giống nòi và tiến trình vươn lên của dân tộc. Mỗi chúng ta phải thật sự dũng cảm và chân thành để đặt câu hỏi và trả lời cho được đâu là lỗi và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng và Nhà nước.

…Vì những người ở lại

TNGT gây ra những hậu quả nghiêm trọng, dai dẳng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng cơ hội phát triển của quốc gia và cộng đồng. Nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do TNGT gây ra, đồng thời tưởng nhớ đến các nạn nhân của TNGT và vinh danh các dịch vụ cứu hộ, năm 1993, Tổ chức Hòa bình Đường bộ (Road Peace) đã khởi xướng "Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ". Đến ngày 27-10-2005, Đại hội đồng LHQ đã chính thức công nhận và chọn ngày chủ nhật, tuần thứ ba của tháng 11 hằng năm là Ngày Thế giới Tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT) trên toàn cầu. Ngày kỷ niệm đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung toàn cầu để cải thiện ATGT.

Tại Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ, Ủy ban ATGT quốc gia đã phát động kế hoạch hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT lần đầu vào ngày 19-11-2012. Đến năm 2013, hoạt động nêu trên đã được tổ chức thường niên trên phạm vi cả nước nhằm cảnh báo toàn xã hội về thảm họa TNGT, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, phòng tránh TNGT cũng như cầu siêu cho những người đã mất do TNGT.

Hoạt động tưởng niệm các nạn nhân mà Việt Nam cùng thế giới tổ chức là dịp để chúng ta tưởng nhớ và thương cảm với những người không may qua đời khi tham gia giao thông; cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với người thân của họ. Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống và sự cần thiết phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Mỗi gia đình, nhà trường cần giáo dục con em mình từ khi còn bé về ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Về các hoạt động hưởng ứng trong năm 2016, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết: Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” và “Tính mạng con người là trên hết”, chương trình năm nay sẽ gồm các hoạt động chính sau: Truyền thông về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT các địa phương phối hợp cùng các tổ chức chính trị, xã hội, các tôn giáo để hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT; Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân TNGT trên cả nước (từ ngày 1 đến ngày 10-11); Tuyên truyền ATGT trong trường học, đọc, phát thông điệp về ATGT (trong tuần từ ngày 14 đến 18-11) tại các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT sẽ được Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa TNGT tại Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT, phòng, tránh TNGT. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV 1 (từ 20 giờ 10 phút ngày 18-11 tại Đài Truyền hình Việt Nam). Đặc biệt, trước đó, Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT sẽ được tổ chức vào ngày 13-11 tại chùa Trình Yên Tử, Trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh (xã Phương Đông, TP Uông Bí, Quảng Ninh) với sự tham gia của khoảng 10 nghìn tăng ni, phật tử và người dân nhằm chia sẻ những mất mát, nỗi đau do TNGT.

Hãy vì niềm thương cảm những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống! Ủy ban ATGT quốc gia kêu gọi mỗi người Việt Nam, vì sự an toàn của bản thân, vì tương lai của con cháu, vì sự trường tồn của dân tộc, hãy làm tất cả những gì có thể để giao thông ở đất nước chúng ta ngày càng an toàn hơn.

Khuất Việt Hùng
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31184102-hanh-dong-vi-su-an-toan-cua-nhung-nguoi-dang-song.html