Hàng Việt: vẫn gian nan tìm lối đi

Hiện nay, mặc dù hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng sử dụng phổ biến và yêu thích, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vẫn đang phải chịu nhiều “sức ép” từ hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái; người tiêu dùng trong nước vẫn còn lo ngại nhiều về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đối với nhóm hàng thực phẩm.

Người tiêu dùng sợ bẩn

Tại hội thảo công bố kết quả điều tra người tiêu dùng Việt Nam 2016 và tham vấn cho bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm, ông Trương Cung Nghĩa – Chuyên gia thị trường cho biết, thực trạng thực phẩm bẩn đang ở mức báo động.

Người tiêu dùng không ngần ngại nói lên những e ngại của chính họ, lo ngại lớn nhất là chưa có nhiều sản phẩm sạch thay thế trên thị trường – thiếu hoặc không có sự lựa chọn dù biết sản phẩm không an toàn (ngành nông sản tươi chiếm tới 53%; ngành thực phẩm đóng hộp 41%), lo ngại kế tiếp mà người tiêu dùng e ngại là sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất.

“Trong nhiều trường hợp người tiêu dùng dù biết là hàng không đảm bảo nhưng vẫn ăn bởi họ không thể tìm ra được sản phẩm đảm bảo chất lượng thay thế”, ông Nghĩa chia sẻ.

Theo kết quả từ cuộc điều tra được bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2017, hiện mức độ tập trung của người tiêu dùng tại tất cả các kênh phân phối không còn sôi động như những năm trước.Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất đó là “sức ép và lỗ hổng” trong hệ thống bán lẻ nội địa. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, chất lượng hàng hóa là chìa khóa để người tiêu dùng quyết định mua sản phẩm. Thế nhưng trên thực tế, có không ít doanh nghiệp không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm ổn định và nhất quán như người tiêu dùng của mình mong muốn.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, kênh phân phối chợ truyền thống đã giảm vị thế so với trước, trong khi hệ thống siêu thị đang trở nên hút khách, tuy nhiên các kênh phân phối cửa hàng chuyên dụng, đại lý, tạp hóa vẫn duy trì sự ổn định.

Bởi kênh phân phối này vẫn tạo ra những thuận tiện cho sự lựa chọn của người tiêu dùng. Theo ông Nghĩa, ở một chừng mực nhất định, người tiêu dùng Việt vẫn có thói quen giao dịch, mua sắm trực tiếp. Kênh phân phối điện tử (online) mặc dù có khởi sắc song chưa thể chiếm ưu thế. Hiện, người tiêu dùng mới tập trung mua online ở những dòng sản phẩm giá trị thấp, nhiều nhất là sản phẩm của các ngành thời trang, mỹ phẩm và đồ điện tử.

Doanh nghiệp sợ giả

Theo ông Trương Cung Nghĩa – Chuyên gia thị trường, cuộc khảo sát cho thấy doanh nghiệp Việt đang đứng trước thách thức lớn về “sức ép” và “lỗ hổng” trong hệ thống bán lẻ ngay tại thị trường nội địa, doanh nghiệp nào có hệ thống phân phối sâu rộng thì sẽ nhanh chóng chiếm được ưu thế trên thị trường.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa nhận định vì hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác ngày càng “nhan nhản” cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp mất thị trường và dẫn đến phá sản.

“Thực tế đã có không ít doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính đã mất thị trường và phải phá sản do sản phẩm của họ bị làm giả, làm nhái trên thị trường. Ngoài ra, tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước không sản xuất mà mua sản phẩm của Trung Quốc…, sau đó về dán nhãn rồi tung ra thị trường, đã khiến người tiêu dùng quay lưng do mất lòng tin”, ông Nghĩa cho hay.

Trên phương diện đánh giá người tiêu dùng, Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết: Người tiêu dùng đang có tâm lý ngày càng e dè với những hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt các sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi,… Do vậy, hàng hóa xuất xứ Thái Lan đã nhanh chóng nắm thời cơ thuận lợi này và đã đang nỗ lực thay thế “chỗ trống”.

Các doanh nghiệp Thái Lan gia tăng quyết liệt tiếp, họ cận thị trường thông qua các chuỗi bán lẻ (như Metro, Big C, B’s mart,…). Họ tổ chức nhiều loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý tiêu dùng sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng chỉ ra, “quyền lực thị trường đang tập trung trong tay các doanh nghiệp có hệ thống phân phối sâu rộng, bên cạnh đó là ưu thế tuyệt đối độc quyền của một số doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh về tài chính. Họ có đủ chi phí để mở rộng và đi sâu vào tất cả mạng lưới phân phối, chú trọng trưng bày tại các điểm bán, bao bì sản phẩm đẹp, truyền thông mạnh mẽ và có dải sản phẩm sâu rộng, rõ nét”.

Rõ ràng, câu hỏi “lối thoát nào cho hàng Việt và nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp?” vẫn đang là một bài toán khó. Bản chất của các nhãn hiệu, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao phải được nhìn nhận qua thực tiễn thị trường theo phương pháp thăm dò, ghi nhận khách quan và khoa học.

Đặc biệt yếu tố “người tiêu dùng bình chọn” được coi là nền tảng giá trị tổng hợp của biểu tượng Hàng Việt Nam chất lượng cao đáp ứng cả những yêu cầu hội nhập của thời kỳ mới. Muốn vậy, doanh nghiệp cần “tăng tốc” hướng đến chuyên nghiệp hóa từ khâu quản lý sản xuất đến cung ứng, phát triển và quảng bá thương hiệu, theo đuổi cảm nhận và trải nghiệm của người dùng, hiểu và đáp ứng nhu cầu tìm ẩn, đón đầu công nghệ… từ đó mới có thể mở thêm cơ hội phát triển thị trường mới, thị trường xuất khẩu.

Giang Phan

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/hang-viet-van-gian-nan-tim-loi-di/