Hàng trăm tiểu thương chợ An Đông bức xúc vì chợ xập xệ

Đằng sau hành động đồng loạt bãi thị của các tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) là bức xúc dồn nén khi khu chợ xuống cấp không được sửa chữa dù các tiểu thương đã đóng góp hàng trăm triệu trong nhiều năm.

Vụ hàng trăm tiểu thương chợ An Đông bãi thị ngày 19.9 vừa qua thu hút sự quan tâm không chỉ của báo giới, chính quyền địa phương mà còn phản ánh tình trạng chung của hầu hết các chợ truyền thống hiện nay: buôn bán ế ẩm.

Một ngày sau đợt đồng loạt bãi thị, bà Lý Cẩm Vân, chủ một sạp hàng kinh doanh giày dép ở tầng 2, chợ An Đông, cùng con gái quay trở lại với việc kinh doanh thường nhật. Thế nhưng, thay vì cảnh tấp nập buôn bán, khách vào ra liên tục của hơn chục năm trước, giờ bà Vân chỉ rầu rĩ ngồi… lướt Facebook hoặc đọc tin trên mạng.

Cũng công khai giá bán, cũng khuyến mãi.... nhưng chợ An Đông vẫn vắng khách.

“Quần áo, giày dép chủ yếu bán cho mấy khách trẻ, mà chợ quá tệ thế này, mưa là đã dột trên ngập dưới, máy quạt thì mỗi sạp một cái, nóng hầm hập, lại còn tối om, khách nào mà chịu nổi? Còn phía đối diện bên kia đường, người ta đi mua sắm ở trung tâm thương mại có máy lạnh, nền gạch láng bóng… Trưa nóng quá, nhiều người chạy qua đó ngồi nghỉ ké cho mát”, bà Vân chua chát so sánh.

Bà Vân kể, vài năm trở lại đây, nhiều trung tâm thương mại mọc lên khắp nơi, ngay cạnh chợ An Đông cũng có tới hàng ngàn gian hàng thiết kế sang trọng, sạch sẽ, có thang máy cho khách, vừa đi chơi vừa mua sắm… khiến việc kinh doanh ở chợ ngày càng ế ẩm. Nhận thức được việc đang bị “lép vế” ngay trên sân nhà, bà con tiểu thương chợ An Đông đã nhanh chóng gom góp, vay mượn để đóng góp tiền sửa chữa, nâng cấp chợ.

Từ năm 2013, cùng với sự vận động của UBND quận 5 và Ban Quản lý chợ, bà con tiểu thương An Đông đóng góp số tiền hơn 217 tỷ đồng, mong “thay áo mới” cho chợ để có thể cạnh tranh với các trung tâm thương mại trong vùng. Bản thân bà Vân cũng đóng hơn 200 triệu đồng cho hai sạp. Hóa đơn đóng tiền các loại bà còn giữ y nguyên.

“Nâng cấp chợ ảnh hưởng tới sự sống còn của bà con tiểu thương kinh doanh ở chợ. Tiểu thương buôn bán ở đây đã hơn 20 năm, có những mối ruột nhưng rồi khách cũng dần bỏ đi hết! Không sửa chợ chỉ có dẹp tiệm, bán lỗ cũng phải dẹp”, bà Vân nói thêm.

11h trưa là giờ chợ thường đông khách nhưng tiểu thương An Đông vẫn "rảnh rỗi", ngồi tụm lại trò chuyện.

Còn theo chị M.Tr, chủ sạp quần áo tại tầng 2, chợ An Đông, tính ra, mỗi ngày hơn 2.000 sạp chợ An Đông đóng hơn 240 triệu đồng tiền thuế, phí các loại. Thế nhưng, trời chưa kịp mưa mà chị T đã phải lo chạy đôn chạy đáo gom hàng. Cửa hàng của chị ở ngay cửa sổ, đón ánh sáng mặt trời nhưng lúc nào cũng tối om.

“Chợ vắng tanh, chỉ toàn người bán, đâu thấy người mua. Trước đây khách nhộn nhịp, bà con tiểu thương còn thuê thêm lao động bên ngoài, nay tiền trả thuế, phí cho chợ còn kham không nổi, huống gì…”, chị Tr bỏ lửng câu.

Kể tới chuyện thuế, phí, chị Tr càng bức xúc hơn, vì số tiền gia đình chị bỏ ra để góp xây chợ những năm 1990 không hề nhỏ: 5 lượng vàng cho mỗi sạp chợ diện tích 1,4 x 1,5m. Số tiền này có thể mua được 1 căn nhà 2 mặt tiền lúc bấy giờ.

“Lúc đó, lãnh đạo quận 5 và ban quản lý chợ có đứng giữa bà con, vận động đóng góp xây dựng chợ cho khang trang, sạch đẹp và hứa sẽ không thu gì thêm trong vòng 20 năm tới. Ấy thế mà từ đó đến nay, chúng tôi vẫn cứ phải đóng tiền thuê quầy sạp với số tiền hàng trăm triệu đồng”, chị Tr nói thêm.

Buôn bán ế ẩm, tiền thuế, phí các loại vẫn phải đóng đủ khiến gánh nặng đè lên vai tiểu thương, đến nỗi thành “giọt nước tràn ly” khi trong 3 năm ròng, chợ An Đông chỉ sửa được… 4 cái nhà vệ sinh, mà cũng không sạch sẽ... Mới đây, một phụ nữ đi vệ sinh tại đây đã bị một mảng tường “rụng” xuống khiến chị bị thương, phải đi bệnh viện. Chưa kể, khách đi vệ sinh vẫn phải trả phí 2.000 đồng/lượt.

Điều dễ dàng nhận thấy ở chợ An Đông hiện nay, là tình trạng xập xệ, tả tơi như cái áo rách, vá chằng vá đụp với các tấm nilông che mưa che nắng của bà con tiểu thương, dây điện kéo lòng thòng như mạng nhện... Hai mặt tiền phía đường Hùng Vương và An Dương Vương, nhiều mảng tường bong tróc, trơ cả lõi thép bên trong.

Ý thức được nhu cầu chính đáng của khách đi chợ cũng như việc phải nâng cao tính cạnh tranh cho chính mình, bà con tiểu thương chợ An Đông nhiều năm qua kiến nghị, đốc thúc thậm chí viết “thỉnh cầu” gửi cơ quan chức năng. Nhưng, đâu vẫn hoàn đấy, bà con đã phải trả lãi ngân hàng hơn 80 tỷ đồng cho số tiền vay đóng góp sửa chữa chợ, trong khi những năm qua, hơn 200 tỷ đồng bà con gom góp không những không sinh lời mà còn… teo tóp bớt.

Thế nhưng, tại buổi họp báo thông tin về vụ việc chiều 20.9, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 lại cho rằng, việc sửa chữa chợ chỉ là… chậm do chủ quan và vướng cơ chế.

“Nếu nói rằng UBND quận không triển khai là không phải, vì vẫn đang triển khai các hạng mục, dù có chậm hơn so với cam kết” - ông Huy nói.

20 tỷ đồng chênh lệch đi đâu?

UBND quận 5 cho rằng, năm 2013, Ban Quản lý chợ An Đông đã lập bộ hồ sơ cho thuê 2.305 sạp chợ, tương ứng với số tiền 241,7 tỷ đồng và đã được UBND quận 5 phê duyệt. Trong quá trình triển khai, Ban quản lý chợ đã ký hợp đồng cho thuê 2.300 sạp, với tổng số tiền thực thu là gần 217,5 tỷ đồng.

Số tiền này chênh lệch so với dự tính ban đầu vì thực hiện giảm trừ 10% đối với tiểu thương thanh toán 1 lần, 5% đối với tiểu thương thanh toán 50% tiền thuê sạp và trừ 5 sạp không có người thuê. Sau đó, qua đối chiếu với sao kê của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương, Ban Quản lý chợ An Đông đã nộp 217,36 tỷ đồng vào Kho bạc Nhà nước quận 5. Trong số này đã bao gồm 399,5 triệu đồng tiền lãi ngân hàng và trừ chi phí phục vụ cho công tác triển khai ký kết hợp đồng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/hang-tram-tieu-thuong-cho-an-dong-buc-xuc-vi-cho-xap-xe-807001.html