Hàng trăm hộ dân điêu đứng vì một dự án trang trại

Sau khi Báo PLVN phản ánh những bức xúc của các hộ dân tại thôn Nghè Thượng, thôn Lầy, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam về dự án 'trang trại' rộng hàng chục héc ta 'o ép', xâm phạm đời sống tâm linh của người dân địa phương, Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam xem xét, làm rõ vụ việc và trả lời Ban Dân nguyện để báo cáo UBTVQH.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phân tích, khuyên nhủ người dân xã Liêm Sơn cần bình tĩnh giải quyết vấn đề theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Khổ sở với “dự án ma”

“Dự án ma” là tên gọi mà người dân thôn Nghè Thượng dùng để định danh cho “Dự án xây dựng mô hình trồng cây ăn quả đặc sản, cây cảnh có giá trị kinh tế cao kết hợp với nuôi trồng thủy hải sản…” của ông Nguyễn Đình Lợi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Tư vấn đầu tư xây dựng công trình số 9. Bởi, theo người dân địa phương, việc thu hồi đất, giao cho hộ gia đình ông Nguyễn Đình Lợi làm trang trại, người dân không được biết, không được bàn, không có trong quy hoạch. Ông Đỗ Văn Thực, thôn Nghè Thượng, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm cho biết: “Khi triển khai dự án, chính quyền địa phương hay cá nhân ông Lợi không tổ chức họp dân, lấy ý kiến về dự án, mọi thông tin về dự án bị “ém nhẹm”. Khi chúng tôi phản ứng, ngăn chặn việc chủ dự án san lấp các khu vực có mồ mả của tổ tiên, chính quyền địa phương mới họp công bố thông tin qua Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) của huyện Thanh Liêm nhưng cũng qua loa, đại khái”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, “dự án ma” mà ông Thực đề cập chính là dự án theo mô hình “trang trại” của ông Nguyễn Đình Lợi. Dự án có diện tích 17,7ha, được UBND huyện Thanh Liêm phê duyệt bằng Quyết định 1679/QĐ-UBND ngày 29/3/2012 và Quyết định số 3039+3049/QĐ-UBND ngày 16/12/2016. Trong đó, diện tích thu hồi, giao đất tập trung chủ yếu tại khu vực núi Đụn, Tam Bố, núi Ngang thuộc thôn Lầy, thôn Nghè Thượng, thuộc xã Liêm Sơn và khu vực núi Non thuộc thôn Non, xã Thanh Lưu (Thanh Liêm, Hà Nam).

Tuy nhiên, từ khi triển khai, dự án này đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân địa phương. “Trong thời gian thụ lý đơn thư, chủ dự án vẫn ngang nhiên coi thường dân, coi thường luật pháp thi công cấp tập đổ đất, san lấp, có nơi cao hơn 6m so với trước đó tại khu Tam Bố, khiến nhiều ngôi mộ bị vây quanh, trong đó có ngôi mộ Cao tổ của dòng họ Đỗ chúng tôi an táng gần 400 năm. Hành vi đó đã xâm phạm nghiêm trọng đời sống tâm linh, khiến người dân vô cùng bức xúc” , ông Thực nói.

Ông Đoàn Văn Khởi (71 tuổi, thôn Lầy, xã Liêm Sơn) cho biết: “Ngôi mộ tổ họ Đoàn an táng tại gò Mã Vọ, thuộc địa phận thôn Lầy núi, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, theo lưu truyền là đời thứ 6, hiện nay tôi là Trưởng họ phụ trách chăm sóc ngôi mộ tổ này. Vậy mà, ngày 3/11/2016, khi thi công dự án, ông Nguyễn Đình Thắng (anh trai của ông Nguyễn Đình Lợi) đã xâm phạm vào mộ tổ của chúng tôi, tự ý bốc mộ chuyển đi nơi khác khi chưa được sự đồng ý của dòng họ Đoàn. Họ đã xâm phạm vào sự linh thiêng, xúc phạm đến danh dự và di sản của dòng họ Đoàn chúng tôi. Tôi đã làm đơn gửi chính quyền địa phương đề nghị làm rõ và xử lý hành vi này nhưng đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng. Hiện nay, tôi đã làm đơn đề nghị Công an huyện Thanh Liêm điều tra, khởi tố vụ án xâm phạm mồ mả theo Điều 246 Bộ luật Hình sự và Điều 629 Bộ luật Dân sự đối với người trực tiếp chỉ đạo thi công dự án này”.

Đánh đổi quyền lợi hàng trăm hộ dân cho một cá nhân?

Theo người dân địa phương, quyết định giao đất cho ông Lợi là chưa đúng đối tượng và điều kiện giao đất, thuê đất. Cụ thể, ông Nguyễn Đình Lợi không sinh sống tại địa phương, không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà có hộ khẩu thường trú tại số 126 tổ 31, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ông Lợi có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao nhưng lại được chính quyền địa phương ưu ái cho đấu thầu hàng chục héc ta để làm trang trại và được mua 21 xuất/35 xuất đất giãn dân, trong khi người dân địa phương có nhu cầu ở không biết và không còn để mua?

Điều đáng nói là, trong đề án của ông Lợi nêu rõ mục đích triển khai dự án nhằm “…tạo công ăn việc làm ổn định cho gia đình”; “…tăng thu nhập cá nhân”. Trong khi, việc triển khai dự án làm 350 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng, nguồn thu nhập ổn định từ lúa, chè, hoa màu không còn nữa…Thế nhưng, chính quyền địa phương lại ra quyết định thu hồi đất của hàng trăm hộ dân giao cho một cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp(!?).

Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, 224 ngôi mộ đã phải di dời, trong đó có nhiều ngôi mộ cổ làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh và văn hóa truyền thống “mồ yên mả đẹp” của người Việt. Thế nhưng, gia đình ông Lợi được xây Lăng mộ, nhà thờ nguy nga, tráng lệ, tường cao, rào kín trên phần đất thuộc khu vực phòng thủ của quốc phòng tại thôn Lầy.

Theo Văn bản số 40/SNN-KL ngày 31/1/2013 của Sở NN&PTNT Hà Nam thì, chủ Dự án khi triển khai phải thực hiện theo đúng mục tiêu, mục đích và không đào bới mất tầng kết cấu đất trong khu vực Dự án, đảm bảo đúng mật độ trồng cây. Thế nhưng, ghi nhận của PV, từ khi triển khai, chủ dự án cho múc đất làm đường và đổ đất san lấp vây những mồ mả chưa di dời.

Chính quyền địa phương có bao che?

Để cấp phép cho toàn bộ dự án đã có 21 văn bản của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, UBND huyện Thanh Liêm. Điều đặc biệt, tất cả các văn bản cấp phép cho dự án đều được “xử lý” một cách “thần tốc” mà theo như người dân địa phương “đây là chuyện xưa nay hiếm”. Minh chứng cho điều đó ngày 29/3/2012 UBND huyện Thanh Liêm ban hành Quyết định số 1679/QĐ-UBND phê duyệt dự án của gia đình ông Nguyễn Đình Lợi. Ngày 4/4/2012, UBND huyện Thanh Liêm tiếp tục ra Quyết định 1732/QĐ-UBND thu hồi và giao đất của các hộ dân ở thôn Lầy, xã Liêm Sơn cho ông Nguyễn Đình Lợi. Như vậy, chỉ sau 3 ngày UBND huyện Thanh Liêm đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cho dự án của ông Nguyễn Đình Lợi.

Tiếp đó, ngày 13/5, ông Nguyễn Đình Lợi có nhu cầu mở rộng dự án, ngay lập tức, ngày 15/5/2012 UBND huyện Thanh Liêm tiếp tục ra thông báo số 57/TB thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện bổ sung cho dự án. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phương án bồi thường, GPMB nhưng UBND xã Liêm Sơn, UBND huyện Thanh Liêm vẫn để chủ dự án ngang nhiên san lấp mặt bằng tại khu Tam Bố từ tháng 10/2016. Sau khi có những phản ánh của người dân, ngày 16/12/2016 UBND huyện Thanh Liêm đã “nhanh tay” bổ sung ngay Quyết định số 3030a/QĐ-UND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Ngoài ra, quyết định của UBND huyện diện tích đất ruộng, đất núi bị thu hồi giao cho hộ ông Lợi trên 17,7 ha, thời hạn thuê 49 năm đã vi phạm nhiều quy định của Luật Đất đai 2013. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản (...) cho hộ cá nhân, gia đình sử dụng là 20 năm”. Khoản 4 Điều 70 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản (...) thì tổng hạn mức giao đất không quá 5ha đối với các xã ở đồng bằng.

Đặc biệt, dự án này được phê duyệt trong bối cảnh UBND tỉnh Hà Nam vừa có chủ trương tạm dừng chuyển đổi đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh theo Chỉ thị số 01/2012/CT-UBND ngày 5/9/2012 về “tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai”, nhưng UBND huyện Thanh Liêm vẫn phê duyệt dự án này một cách “thần tốc”?

Ngày 9/6 vừa qua, UBND huyện Thanh Liêm đã tổ chức đối thoại với đại diện các dòng họ tại hội trường UBND xã Liêm Sơn. Tuy là cuộc đối thoại công khai nhưng UBND huyện Thanh Liêm không cho bất cứ một cơ quan báo chí nào được tham dự. Sau buổi đối thoại, phóng viên đã gặp ông Nguyễn Văn Điểu - Phó Chủ tịch UBND huyện và đặt câu hỏi “Dự án này phê duyệt có đúng quy định của pháp luật?”. Ông Điểu lắc đầu, nói: “Tôi không trả lời, anh hỏi Chủ tịch”. Chúng tôi hỏi ông Đinh Văn An - Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, nhưng ông An cũng từ chối trả lời.

Trước những diễn biến phức tạp tại xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, sau khi nhận được đơn, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã có buổi tiếp xúc với người dân tại xã Liêm Sơn. Tại buổi làm việc, Đại biểu Dương Trung Quốc đã phân tích, khuyên nhủ người dân cần bình tĩnh giải quyết vấn đề theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Văn Hùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ca-phe-luat/hang-tram-ho-dan-dieu-dung-vi-mot-du-an-trang-trai-342030.html