Hàng Thái Lan từ chợ đến shop...

SGTT - Không thâm nhập ồ ạt như hàng Trung Quốc, nhưng hàng Thái Lan hiện diện khá phổ biến trên thị trường, gây áp lực đối với hàng sản xuất trong nước.

Theo số liệu thống kê, dãy sản phẩm hàng Thái nhập vào Việt Nam khá rộng và sản lượng đang tăng lên (xem box). Quan sát trên thị trường, dễ thấy hàng Thái Lan đang cạnh tranh với hàng Việt Nam khá mạnh ở những nhóm hàng tiêu dùng như thực phẩm chế biến sẵn, hóa mỹ phẩm, quần áo may sẵn, giày dép... Dép hiệu Adda của Thái Lan được bán ở nhiều nơi, trong đó chỉ số ít là hàng nhập chính thức. Ảnh: Hồng Thái Theo nhận xét của văn phòng thương vụ Thái tại TP.HCM, thì nhìn chung các sản phẩm phục vụ tiêu dùng của Thái không cạnh tranh với hàng giá rẻ bình dân. Họ đang đánh vào phân khúc giá trung bình, khá. Ông Lê Văn Hùng, phó phòng tiếp thị công ty Acecook Việt Nam nói: “Mì gói Thái Lan đang kích thích tiêu dùng của khách hàng có tiền bằng các sản phẩm có vị lạ”. Theo ông Hùng thì mì gói Thái không cạnh tranh trực tiếp với các loại mì gói Việt Nam sản xuất vốn chiếm phân khúc giá bình dân trong khoảng 2.000 – 3.000 đồng/gói, nhưng mì Thái có thể làm giảm cơ hội tăng thị phần, tiến lên chiếm lĩnh phân khúc tiêu dùng khá và cao của hàng nội. Còn ông Mai Tấn Dũng, giám đốc kinh doanh công ty mỹ phẩm Lan Hảo nhìn nhận: “Hàng Thái qua mặt hàng Việt Nam, và gần như không có đối thủ cạnh tranh trong nhóm các sản phẩm chăm sóc tóc ở mức giá trung bình khá như gel, keo, thuốc nhuộm, thuốc duỗi và uốn, dầu hấp tóc…” Theo khảo sát và ước tính của Mỹ Hảo, hàng Thái bao phủ hầu hết các tiệm uốn tóc nhỏ trong thôn cùng ngõ hẻm, chiếm hơn 80% lượng hàng ở các sạp chuyên bán mỹ phẩm cho thợ ngành tóc ở khu vực chợ Tân Bình, Kim Biên, Bình Tây… Và ông Dũng đánh giá: “Hàng Thái bán chạy là nhờ giá chỉ cao hơn hàng Việt Nam chừng 10 – 20%, rẻ hơn hàng Đức, Mỹ, Pháp đến 60 – 70%, lại có đủ các chủng loại đáp ứng cho nhu cầu của thợ chuyên nghiệp”. Tại khu vực chuyên bán quần áo may sẵn nằm sát bên chợ vải Soái Kình Lâm, quận 5, đồ bộ cho trẻ em và phụ nữ nhập từ Thái luôn được người bán giới thiệu là: “Mẫu mã sang, lạ, không đụng hàng, được đóng hộp đẹp”. Chính nhờ sự khác biệt có vẻ cao cấp này, mà bộ quần áo Thái giá khoảng 250.000 đồng được người buôn bán chọn mua nhiều hơn các loại đồ bộ hàng nội chỉ khoảng 100.000 – 150.000 đồng. Theo lời bà Huệ, chủ kinh doanh sỉ và lẻ hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 (gần chợ Thủ Đô) thì hiện nay hàng Thái chất liệu cao cấp hơn các loại hàng Trung Quốc giá rẻ, nên bỏ mối cho các shop được khá nhiều. Bà Nguyễn Thị Phương Mai, chủ hệ thống cửa hàng thời trang trẻ em A-T tại TP.HCM, chuyên nhập hàng Thái, cũng cho biết: “Giá quần áo trẻ em của Thái mắc hơn hàng Trung Quốc 30%, nhưng dễ bán hơn vì hàng Thái đảm bảo độ bền màu sắc, chất liệu vải, kỹ thuật may”. Mặt hàng dép Thái có ở nhiều cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, các sạp trong chợ An Đông, Vườn Chuối, Bàn Cờ… Chủ shop Thảo My trên đường Ba Tháng Hai cho biết: “Dép hàng Việt Nam mẫu mã không đủ nhiều để chưng nên phải lấy thêm hàng Thái cho dễ bán”. Hàng Thái cũng được phân phối khá nhiều ở các siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt là hàng thời trang, đồ gia dụng, nhà bếp. Sự đeo bám dai dẳng để phát triển phân phối chính thức của doanh nghiệp Thái thể hiện qua sự hiện diện liên tục của họ ở các kỳ hội chợ tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là một thị trường mục tiêu mà họ nhắm đến. Theo các nhà phân phối, hàng Thái sang Việt Nam, ngoài nhập khẩu chính thức, còn có hàng nhập tiểu ngạch qua biên giới, hàng xách tay theo đường hàng không. Ông Nguyễn Tùng, quản lý kinh doanh đại lý chính thức giày dép Adda tại TP.HCM nhận xét: “Hàng nhập tiểu ngạch về nhiều gấp hàng chục lần hàng chính thức. Các cửa hàng bày bán sản phẩm Adda có ở khắp nơi, nhưng họ chỉ lấy một ít sản phẩm chính thức từ chỗ chúng tôi để có hóa đơn hợp lệ. Còn lại họ lấy từ nguồn nhập tiểu ngạch”. Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, mua hàng Thái khá dễ dàng. Có thể liên hệ các công ty Thái trên mạng, ở các hội chợ, theo các địa chỉ in trên nhãn sản phẩm của họ… Chỉ cần đặt hàng số lượng vài ngàn chiếc là họ sẽ gửi hàng tận nơi sau 10 – 15 ngày bằng đường hàng không. Hàng Thái không chỉ về chợ đầu mối như Bình Tây, Kim Biên rồi từ đó tỏa đi, mà được đưa thẳng cho người bán lẻ. Bà Hà chủ sạp mỹ phẩm ở chợ Kim Biên cho biết: “Hàng Thái từ chợ Châu Đốc đưa về như bách hóa, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, chỉ cần cho địa chỉ, hàng sẽ được giao theo xe khách đến tận nơi”. Nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan tăng 37,8% Theo bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan sáu tháng đầu năm đạt 2,5 tỉ USD, tăng 37,8% so cùng kỳ năm 2009. Còn số liệu thống kê của cục Hải quan Thái Lan, kim ngạch hàng Thái xuất sang Việt Nam năm tháng đầu năm là 2.099,3 triệu USD, tăng 37% so cùng kỳ năm 2009. Trong đó, mỹ phẩm là 25,9 triệu USD, tăng 34,2%, sản phẩm may mặc là 1,3 triệu USD, tăng 14,4% so cùng kỳ năm trước. Theo trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại, các chủng loại hàng Thái Lan được nhập về khá phong phú, từ vật tư, nguyên liệu, máy móc, đến hàng tiêu dùng các loại. Theo bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan sáu tháng đầu năm đạt 2,5 tỉ USD, tăng 37,8% so cùng kỳ năm 2009. Còn số liệu thống kê của cục Hải quan Thái Lan, kim ngạch hàng Thái xuất sang Việt Nam năm tháng đầu năm là 2.099,3 triệu USD, tăng 37% so cùng kỳ năm 2009. Trong đó, mỹ phẩm là 25,9 triệu USD, tăng 34,2%, sản phẩm may mặc là 1,3 triệu USD, tăng 14,4% so cùng kỳ năm trước. Theo trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại, các chủng loại hàng Thái Lan được nhập về khá phong phú, từ vật tư, nguyên liệu, máy móc, đến hàng tiêu dùng các loại.

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/kinh-te/125631/hang-thai-lan-tu-cho-den-shop.html