Hàng rào kỹ thuật Việt Nam dựng xong chưa?

Tuần qua có 2 phát biểu của 2 quan chức trên 2 lĩnh vực khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ khiến dư luận thấy lạ lùng - một là phát biểu của BTC sân Thiên Trường Nam Định “T&T thích chơi theo cách nào Nam Định cũng xin chiều”, hai là phát ngôn không biết nên gọi là ngây ngô hay ngớ ngẩn của BGĐ Vinafood “Thịt chúng tôi để ở kho lạnh -18 độ C thì cơ quan chức năng căn cứ vào đâu để nói hàng của Vinafood hết đát?”.

Không cần bình luận thêm về chuyên môn, ai cũng biết rằng muốn bảo quản được lâu dài thực phẩm phải dùng đến Nitơ lỏng để duy trì ở nhiệt độ -196 độ C, có nghĩa là lạnh gấp hơn 10 lần ngưỡng của "quan đại gia Vinafood", hơn nữa trước lúc làm lạnh người ta còn phải qua nhiều công đoạn vô trùng ngặt nghèo. Hiển nhiên không phải đại gia Vinafood không biết chuyên môn mà còn rất rành rẽ nữa là khác. Cái chính là đồng tiền siêu lợi nhuận đã khiến cho đại gia này coi nhẹ sức khỏe của cộng đồng (mà biết đâu trong số người dùng thực phẩm quá đát của Vinafood có con, em, cháu chắt của ông quan đại gia nọ). Ở các nước, việc bán thực phẩm quá đát là một tội trọng, bởi vậy khi món hàng nào cận đát đều được dán một mẩu giấy vàng cam để cảnh báo người tiêu dùng và giá thường chỉ bằng phân nửa. Khi hết đát thì lập tức biến mất khỏi quầy hàng. Vậy luật pháp của WTO có chi phối những hành vi kiểu như Vinafood? Rất đầy đủ. Sự tồn tại của WTO dựa vào 18 hiệp định và bộ quy tắc ứng xử, trong đó có hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh động thực vật SPS và hiệp định hàng rào kỹ thuật TBT. Nhờ các hiệp định này mà hạn chế được sự lây lan của bệnh bò điên, của lở mồm long móng, của ruồi đục trái, thực phẩm có dư lượng hóc môn, thuốc trừ sâu… Mới đây thôi con tôm VN cũng từng lao đao với tiêu chuẩn dư lượng Chloramphenicol của châu Âu, của Nhật, thanh long sang Đài Loan vẫn tắc. Vậy thì phải dựng gấp hàng rào kỹ thuật này vì đấy là sống còn của mỗi quốc gia.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/77/77/36932/default.aspx