Hàng rào đá- nét kiến trúc độc đáo hấp dẫn du khách

Những hàng rào được xếp thủ công bằng đá từ những đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của những chàng trai người Mông, không có xi măng và cát nhưng hiên ngang trở thành lũy chắn che chở cho ngôi nhà; hình ảnh ấy để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách khi lên với Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.

Hàng rào đá độc đáo bao quanh những ngôi nhà của người dân xã Phố Cáo (Đồng Văn).

Còn nhớ chuyến đi chinh phục đèo Mã Pì Lèng cách đây 2 năm, cô bạn Nguyễn Thị Thanh của tôi đến từ Hà Nội kiên quyết bắt đoàn dừng xe trên đèo chỉ để ngắm kỹ một ngôi nhà bé nhỏ phía dưới chân núi. Đó là một ngôi nhà trình tường của người Mông, được bao quanh bởi một hàng rào đá. Ấn tượng hơn, từ phía trên đèo nhìn xuống, hàng rào đá này còn được chủ của ngôi nhà khéo léo xếp thành hình trái tim.

Sau khi chụp ảnh, Thanh hỏi tôi:
- Họ xếp đá như thế nào?
- Họ chọn nhưng viên đá có góc cạnh, đặt cạnh nhau thật vừa vặn để những viên đá tự bám vào nhau vững chắc.
- Họ làm trong bao lâu thì xong một hàng rào như vậy?
- Có khi vài tháng, cũng có khi đến cả năm trời.

Rồi những câu chuyện về hàng rào đá của người Mông cứ chắp nối, theo chúng tôi vượt cả quãng đường dài.

Ở trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi mở mắt là thấy đá, bốn bề đều là đá với cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu nước, thiếu đất canh tác,... nhưng để sinh tồn, người Mông và đồng bào các dân tộc nơi đây đã tìm mọi cách để chinh phục đá. Đá trở thành một phần trong cuộc sống của họ. Họ phá đá để tạo thành lối đi, xếp hàng rào đá để bảo vệ ngôi nhà; họ xếp đá thành nương, cày trên nương đá và trồng ngô trong hốc đá. Trải qua thời gian, tri thức canh tác hốc đá ấy đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cáp Quốc gia và đang được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lại nói về hàng rào đá, những viên đá vô hồn sau khi được lựa chọn, gùi từ những ngọn núi xa về ngôi nhà của mình, nó sẽ được bàn tay khéo léo của người Mông xếp đặt thành một nét kiến trúc độc đáo. Có những hàng rào đá được xếp rộng trên 1 mét, cao gần 2 mét, đá được xếp to ở phần chân hàng rào và nhỏ dần về phía trên; không cần xi măng, cát mà sự sắp xếp dựa vào những góc cạnh của viên đá khiến chúng tự bám vào nhau một cách chắc chắn, vững chãi qua bao mùa nắng gió nơi cao nguyên khắc nghiệt này. Để có được một hàng rào đá chắc chắn, đòi hỏi những chàng trai người Mông phải rất kỳ công, có kỹ năng và cả con mắt tinh tường của người thợ kiến trúc.

Trong một lần trò chuyện mới đây về văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, ông Hạng Mí De, một người con của đồng bào dân tộc Mông ở Quản Bạ chia sẻ rằng: Con trai Mông từ 6 đến 7 tuổi là biết theo mẹ gùi đá về nhà, lớn lên chút nữa thì học cha cách xếp hàng rào đá, không biết hàng rào đá có từ khi nào nhưng những ngôi nhà của người Mông trên Cao nguyên đá đều được bao bọc bởi những hàng rào đá vững chãi. Con trai Mông trưởng thành phải biết cày nương, thổi khèn và xếp hàng rào đá”.

Hiện nay, trong xây dựng Nông thôn mới, những con đường đã được bê - tông hóa để tạo điều kiện đi lại thuận lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xi măng, cát cũng được chở về tận những bản làng xa xôi để xây dựng các công trình, nhưng những hàng rào đá vẫn được người Mông trên Cao nguyên đá giữ gìn như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc; với lịch sử hình thành, chức năng bảo vệ và kỹ thuật tinh tế, hàng rào đá được các nhà nghiên cứu gọi là một trong những tri thức dân gian của người Mông. Có hàng rào đá, những ngọn núi đá xám xịt, điệp trùng không còn cảm giác hoang sơ, xa xôi nữa mà trở nên ấp áp trong mỗi ngôi nhà.

Mùa Xuân, lên Cao ngyên đá Đồng Văn, hình ảnh về những ngôi nhà trình tường có hàng rào đá bao quanh, điểm tô là màu trắng, màu đỏ của hoa mận, hoa đào lặng lẽ khoe sắc bên hàng rào đá, là những cô gái Mông tuổi xuân thì với váy hoa sặc sơ,... chắc chắn là hình ảnh “đốn tim” du khách. Từ một nhu cầu thiết yếu là bảo vệ ngôi nhà khỏi mưa gió, kẻ xấu và thú giữ, trải qua thời gian, hàng rào đá trở thành một điểm nhấn không thể thiếu trong không gian văn hóa của người Mông.

Theo Báo Hà Giang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hang-rao-da-net-kien-truc-doc-dao-cua-nguoi-mong.aspx