Hàng quá cảnh thẩm lậu vào thị trường trong nước

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhận định, hoạt động buôn lậu lợi dụng phương thức quá cảnh để thẩm lậu hàng hóa vào thị trường trong nước tiêu thụ đang diễn biến phức tạp, trong khi các lực lượng chức năng chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Phương thức, thủ đoạn được các đối tượng sử dụng phổ biến là khai báo tên hàng trên vận đơn gốc và tờ khai hải quan chung chung theo nhóm; không khai cụ thể số lượng, chủng loại, hoặc khai báo sai tên đối với hàng cấm… Khi các lô hàng quá cảnh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đối tượng tìm cách đưa trở lại bằng cách chia nhỏ lô hàng để vận chuyển qua đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu; mở tờ khai nhập khẩu trở lại Việt Nam. Thậm chí, đối tượng thẩm lậu hàng hóa ngay trên đường vận chuyển quá cảnh. Các địa bàn "nóng" hiện nay là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Hải Phòng, Lạng Sơn.

Đại diện Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cho biết, hàng hóa chủ yếu của thủ đoạn buôn lậu nói trên là hàng có trị giá cao, các mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu, hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành, các mặt hàng có thuế suất cao như: điện tử gia dụng qua sử dụng (máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, loa, âm-ly), điện thoại di động, rượu, sữa, xì-gà, máy tính bảng, máy tính xách tay, các mặt hàng thời trang, phụ kiện, nguyên phụ liệu may mặc, nhãn mác để sản xuất gia công…

Điển hình, ngày 14-1, lực lượng kiểm soát hải quan phối hợp C46 (Bộ Công an) kiểm tra, phát hiện một doanh nghiệp khai báo hàng hóa là tấm lợp lấy ánh sáng Polycarbonate mới 100%; được vận chuyển từ cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) đi cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh. Kết quả khám xét, phát hiện hơn 1.000 thùng rượu ngoại các loại, hơn 600 thùng sữa Ensure và 100 thùng bài tú-lơ-khơ, trị giá khoảng 10 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 8-2, lực lượng kiểm soát hải quan kiểm tra một lô hàng khai báo trên tờ khai là "hàng bách hóa dùng cho gia đình (kệ bếp, thảm lót sàn nhà bếp)" mới 100%, gồm 33 kiện, trọng lượng 1.976,6 kg, trị giá 2.970 USD, quá cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài để xuất sang Cam-pu-chia. Nhưng khi khám xét, phát hiện hàng hóa gồm 1.257 chai nước hoa, 58 chai rượu ngoại, 607 điện thoại Iphone 6 Plus và 7 Plus, 100 đồng hồ đeo tay hiệu Apple, 86 máy tính bảng, rượu ngoại, sữa bột, thuốc xì-gà... với tổng giá trị khoảng tám tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp này, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều kế hoạch kiểm soát hàng hóa quá cảnh, tăng cường công tác chống buôn lậu, chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan thực hiện hiệu quả những biện pháp nghiệp vụ, nhất là thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại địa bàn trọng điểm; xây dựng kế hoạch, chuyên đề, xác lập chuyên án đấu tranh; chủ động phối hợp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm hành vi thẩm lậu hàng quá cảnh vào thị trường nội địa.

Để đấu tranh hiệu quả hơn, ngành hải quan cần tập trung, khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan hoạt động kiểm soát hải quan và đầu tư, nâng cấp trang bị phương tiện. Những nhiệm vụ này là rất quan trọng vì có thể phát huy hiệu quả tức thì.

Phó Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải Quan) Nguyễn Hùng Anh cho biết, sau thời gian đi vào hoạt động, Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong đó, hỗ trợ công tác trinh sát kỹ thuật, theo dõi đối tượng trong các chuyên án, hỗ trợ lực lượng kiểm soát phát hiện ngăn chặn nhiều vụ việc, phá nhiều chuyên án lớn. Đồng thời, giám sát hiệu quả việc thực hiện quy trình, thủ tục nghiệp vụ của cán bộ, công chức hải quan, góp phần phòng, chống biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu.

Trung tâm dữ liệu của Phòng đã kết nối thông suốt với các hệ thống trang thiết bị kiểm tra giám sát hiện đại của ngành hải quan. Các cán bộ thực thi nhiệm vụ đều nắm vững nghiệp vụ và xử lý thông tin. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn vướng mắc khi hoạt động của hệ thống giám sát hải quan trực tuyến vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện về quy trình, quy chế và cần được tiếp tục đầu tư về nhân lực, vật lực để đáp ứng yêu cầu kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu trên cả nước. Đối với tuyến đường hàng không, do đặc thù hàng hóa vận chuyển có thời gian làm thủ tục rất nhanh, trong khi, dữ liệu hàng hóa trước chuyến bay chưa được các hãng hàng không, cảng vụ phối hợp cung cấp, gây khó khăn cho công tác giám sát trực tuyến.

"Khắc phục những hạn chế nói trên, Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến sẽ là kênh giám sát hữu hiệu giữa ba cấp (Tổng cục, Cục, Chi cục) trong việc thực hiện quy trình thủ tục, nghiệp vụ tại các địa điểm làm thủ tục hải quan, bảo đảm cán bộ, công chức chấp hành đúng quy trình nghiệp vụ, có tác dụng phòng ngừa, răn đe các đối tượng có âm mưu, thủ đoạn buôn lậu, nhất là hành vi lợi dụng quá cảnh hàng hóa để thẩm lậu vào thị trường nội địa" - đồng chí Nguyễn Hùng Anh nhấn mạnh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/33653602-hang-qua-canh-tham-lau-vao-thi-truong-trong-nuoc.html