'Hàng nóng và nhạy cảm' tung hoành tại chợ đường biên

Dù Lào Cai có trên 180km biên giới giáp Trung Quốc nhưng thực tế, các hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực “hai bên cánh gà” các cửa khẩu lớn như: Kim Thành (TP Lào Cai), Bản Vược (huyện Bát Xát). Lý do bởi ở khu vực này, nước sông cạn nên rất “lý tưởng” cho việc mang vác hàng lậu từ bên kia biên giới về.

Hai người Việt mang hàng xuống một bến đò bên phía Trung Quốc để đưa qua sông về nước. Ảnh: T.G

“Sóng ngầm” biên mậu

Cách cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) chưa đầy 1km, những con thuyền nan vẫn chở khách từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, với đầy hàng trên thuyền. Sau nhiều lần thuyết phục và một chút “bôi trơn”, Hòa “đầu bò” - một cửu vạn có hơn 5 năm bám trụ tại miền biên ải này mới đồng ý dẫn đường cho chúng tôi tìm hiểu hàng lậu. Theo lời Hòa, dù Lào Cai có tới trên 180km biên giới giáp Trung, nhưng thực tế, các hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực “hai bên cánh gà” các cửa khẩu lớn là Kim Thành (TP. Lào Cai) và Bản Vược (huyện Bát Xát). Lý do được giải thích là: “Ở các khu vực này, vào mùa cạn, sông Hồng hẹp lại khá nhiều và đặc biệt là lòng sông Nậm Thi chỉ còn chưa đầy 3m, nước chỉ đến đầu gối, rất “lý tưởng” cho việc mang vác hàng”.

Sau khi thực hiện một vài cuộc điện thoại để nghe ngóng, Hòa “đầu bò” quyết định, chúng tôi sẽ sang Hà Khẩu theo đường chính ngạch, qua Cửa khẩu Lào Cai với lệ phí làm giấy thông hành 300.000 đồng/người. Hòa tiếc rẻ: “Mấy hôm nay, bên phía Trung Quốc làm “rát”, không an toàn, chứ không thì đi đò cũng chỉ khoảng 150.000 đồng/người, muốn mang gì cũng được”. Dù vậy, Hòa vẫn lấy xe máy đưa chúng tôi mục kích những bến đò chui nằm dải rác dọc sông Hồng hay sông Nậm Thi loanh quanh khu vực cửa khẩu.

Tại bến đò tự phát có tên Gốc Nhót, đường xuống bến thậm chí đã được tạo thành bậc và kè đá chắc chắn, một lán dã chiến được dựng lên ven sông, người đứng ngồi lổn nhổn, một vài bọc hàng hóa đã được nai nịt kĩ, chỉ chờ đò tới là xuất phát sang bên kia biên giới. Có vẻ đã quá quen với cảnh này, Hòa húng hắng ra chiều dò hỏi. Lập tức, một người nhận là chủ hàng xuất hiện, cười giả lả: “Có tí đồ mỹ nghệ mà “cửa chính” kiên quyết không cho đi nên phải đi đường này”.

Còn tại một bến tự phát khác cũng trên sông Hồng, 3-4 chiếc đò loại nhỏ gắn động cơ đã chờ sẵn ở mép nước. Thấy sự xuất hiện của chúng tôi, một toán người xúm xít chạy lại, tư vấn: “Nay bên kia làm căng, nếu xác định đi dài ngày thì sang, còn không thì nên làm giấy thông hành”. Khi chúng tôi đặt vấn đề vẫn muốn sang, một người phụ nữ chạc 40 tuổi nói: “500.000 đồng/người. Chờ xẩm tối thì xuất phát”.

Trên đường đưa chúng tôi ra cửa khẩu, Hòa cho biết, những chuyến đò như vậy chủ yếu phục vụ các đối tượng mang theo hàng lậu, hàng cấm hay những thứ “bẩn thỉu” khác. Việc qua lại nhộn nhịp nhất là vào ban đêm - khoảng 2h sáng trở ra - bởi khi ấy, lực lượng biên phòng đổi ca, chợ đầu mối Trung Quốc chuẩn bị họp, “lộm nhộm” nên dễ qua lại. Chỉ cần hàng từ bên kia biên giới về đến bến phía Việt Nam là có cả một đội ngũ “phu hàng” chờ sẵn chất lên ô tô, cứ đầy xe là lại xuôi về mạn trung tâm thành phố.

Đi chợ Việt Nam bên nước bạn

Một bến đò chui ngay sát Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, ngay bờ bên kia là địa phận Trung Quốc.

Cửa khẩu Lào Cai có 3 cửa chính dành cho khách đi bộ, ô tô và xe thồ. Theo quan sát của chúng tôi, cửa dành cho người đi bộ kiểm tra kỹ lưỡng hơn cả. Sự nhốn nháo có lẽ là thứ đặc trưng nhất được ghi nhận tại đây, với những chuyến xe thồ cồng kềnh lũ lượt từ phía Trung Quốc về. Sau khi vận chuyển hàng về nước, những chiếc xe đạp đã được chế lại cho phù hợp với việc vận chuyển, lại lũ lượt kéo sang nước bạn chờ “ăn” những đợt hàng mới.

Hòa cho biết: “Lợi dụng chính sách ưu đãi cư dân biên giới mỗi người được mua miễn thuế không quá 2 triệu đồng tiền hàng/ngày, các chủ buôn đã gom chứng minh thư, rồi thuê người địa phương xé nhỏ hàng để vận chuyển. Mỗi chuyến trả tiền công từ 30.000 - 50.000 đồng/người. Sau đó, hàng sẽ được các chủ buôn tập kết ở nội địa và vận chuyển về xuôi tiêu thụ”.

Phía chợ Hà Khẩu, cuối năm hàng hóa bày bán nhiều, nhưng không quá đông người đi chợ. Chợ Việt Nam ở đây là một khu nhà 3 tầng, rộng hàng nghìn mét vuông. Tuy mỗi gian hàng khoảng chừng 9 - 10m² nhưng sản phẩm bày bán thì đầy đủ chủng loại, từ thượng vàng đến hạ cám. Do vắng vẻ, nên các quầy bán đồ kích dục, vũ khí… trước đây từng được xem là sôi động thì nay cũng lâm cảnh chợ chiều. Vì thế, thấy chúng tôi, lập tức những tiếng mời chào vồn vã cất lên.

Một người bán hàng nói tiếng Việt giơ khẩu súng K54, giới thiệu giá 8 triệu đồng, bao công vận chuyển về trong nước. “Anh xem ưng thì đặt cọc một ít, sau đó cho địa chỉ bên Việt Nam. Đến chiều sẽ có người chủ động liên lạc giao hàng”, người bán hàng nói. Chúng tôi chê đắt, anh ta lôi ra một khẩu súng giống K54 nhưng bắn đạn bi bằng hơi nén và ra giá 3,7 triệu đồng bán tại chỗ, còn nếu cả vận chuyển về Việt Nam thì có giá 4 triệu đồng. Ngoài các loại súng ống, gian hàng cũng quảng cáo là có đủ các mặt hàng “nóng”, “lạnh” khác như: Đao kiếm, roi điện, dùi cui điện…

Từ chợ Hà Khẩu, Hòa dẫn chúng tôi lên xe bus đến một khu chợ của người Việt được gọi là chợ Việt Nam mới, cách chừng 3 km. Tại đây, việc buôn bán các mặt hàng cấm, hàng người lớn cũng tương đối công khai. Để thuận tiện, các chủ hàng thậm chí còn in sẵn cả catalog giới thiệu các mặt hàng có thể đáp ứng cho khách lựa chọn. Chúng tôi chỉ vào mẫu súng giống K54, chủ hàng chạy vào kho mang ra 2 màu để lựa chọn, ra giá 1,8 triệu đồng mua tại quầy hoặc 2 triệu đồng bao vận chuyển. Để tăng thêm độ “choáng ngợp” cho những vị khách phương xa, người bán còn đổ ra sàn cả đống đao, kiếm, giáo, mác… sắc lẹm, phát ra những tiếng loảng xoảng.

Ở một gian hàng khác, người bán lưu hình ảnh các mẫu vũ khí trong điện thoại. Khách có nhu cầu, anh ta mở điện thoại cho khách xem, đồng thời quảng cáo ưu nhược của từng loại. Thấy một chiếc dùi cui điện có bề ngoài giống hệt chiếc đèn pin, nhưng kích hoạt lên có thể phóng ra các tia điện xanh lét và tiếng nổ lách tách… chúng tôi đặt câu hỏi mang về Việt Nam kiểu gì, chủ hàng đáp: “Cứ để vào balo đeo lên vai và về nước tầm chiều tà thì ít bị kiểm tra vì lúc này, người buôn bán trở về rất nhiều (?). Còn nếu sợ thì bên này thuê đò mang về cho, rất dễ. Thậm chí, nếu thích thì có người mang về đến tận nhà, kể cả là Hà Nội”(?).

Khớp nối với sự việc ngày 4/1/2017, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) và đội Quản lý thị trường số 11 phát hiện lô hàng gồm 108 khẩu súng đồ chơi bằng kim loại nhãn hiệu Airsoft gun bắn đạn bi, có ghi xuất xứ từ Trung Quốc tại một công ty chuyển phát nhanh. Điều này minh chứng, “hàng nóng” vẫn đang nóng trên thị trường.

Trang bị phát hiện, ngăn chặn hàng lậu còn thiếu

Theo đại diện cơ quan Hải quan tỉnh Lào Cai, dù đã giảm đi nhiều, nhưng tại khu vực các cửa khẩu lớn trên tỉnh này vẫn còn hiện tượng các đối tượng lợi dụng cả chính sách và địa hình để buôn lậu, hàng cấm. Dù lực lượng Hải quan đã tăng cường kiểm tra, làm hết sức mình nhưng không thể ngăn chặn một cách triệt để. Hơn nữa, trang bị dùng để phát hiện, ngăn chặn hàng lậu còn thiếu. Sự phối hợp giữa các ngành chống buôn lậu còn thiếu chặt chẽ…

Nhóm PV

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hang-nong-va-nhay-cam-tung-hoanh-tai-cho-duong-bien-20170110092806647.htm