Hàng nghìn trẻ em nhập viện mỗi năm vì bông ráy tai

Nhiều bậc phụ huynh có thói quen dùng bông ráy tai để vệ sinh cho trẻ nhỏ, tuy nhiên hành động này có thể dẫn đến nhiều tai nạn nguy hiểm.

Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, hàng năm có đến hơn 12.000 trẻ em phải nhập sau khi sử dụng bông ráy tai.

Các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia (tại Ohio, Mỹ) mới đây đã phát hiện rằng, trong vòng 21 năm từ 1990 đến 2010, có hơn 263.000 trẻ em được điều trị tại các bệnh viện vì tổn thương tai. Tương đương với khoảng 34 ca mỗi ngày và 12.500 ca mỗi năm.

Hầu hết các trường hợp tổn thương là do sử dụng bông ráy tai để làm sạch tai (73%), chơi đùa với bông táy tai (10%) hoặc bị té ngã khi đang dùng bông ráy tai (9%).

Hàng năm có đến hơn 12.000 trẻ em phải nhập sau khi sử dụng bông ráy tai.

Phần lớn tai nạn xảy ra khi trẻ tự mình dùng bông ráy tai (77%), và cứ mỗi 3 bệnh nhi thì có 2 trẻ dưới 8 tuổi, số lượng bệnh nhi dưới 3 tuổi chiếm đến 40%.

Tổn thương phổ biến nhất là cảm giác có dị vật trong tai (30%), thủng màng nhĩ (25%) và tổn thương mô mềm (23%). Thủng màng nhĩ có nguy hiểm không?

Hầu hết các ca đều được chữa trị và bênh nhân xuất viện về nhà (99%). Tuy nhiên, trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, tổn thương ở màng nhĩ, xương tai hay tai trong có thể dẫn đến chóng mặt, các vấn đề về thăng bằng và mất thính giác vĩnh viễn.

Theo thống kê tại Anh, mỗi năm nước này có hơn 7.000 người phải điều trị khẩn cấp sau khi sử dụng bông ráy tai.

Số liệu báo cáo từ các bệnh viện cho thấy, tổn thương do bông ráy tai gây ra gồm có thủng màng nhĩ, mất thăng bằng và mất thính giác.

Simon Baer, bác sĩ tai mũi họng tại bệnh viên Spire Sussex (Anh) cho biết, tổn thương do bông ráy tai khiến bệnh nhân phải nhập viện là thủng màng nhĩ.

Trong vài trường hợp hiếm gặp khác, bông ráy tai có thể gây mất thính giác hoàn toàn. Bị vấp ngã khi đang dùng bông ráy tai cũng rất nguy hiểm. Bông ráy tai cũng có thể làm tổn thương các xương nhỏ trong tai. Trong một số trường hợp, gãy xương bàn đạp – một xương nhỏ trong tai – có thể gây ra những vấn đề về thăng bằng.

Bác sĩ Kris Jatana, khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia (Mỹ) cho biết, hai quan niệm sai lầm lớn nhất ông từng nghe là cần phải làm sạch tai tại nhà, thứ 2 là bông ráy tai có thể giúp làm sạch tai.

Theo bác sĩ Jatana, các ống tai có thể tự làm sạch. Việc sử dụng bông ráy tai để làm sạch khu vực gần màng nhĩ có nhiều nguy cơ khiến tai bị tổn thương từ nhẹ đến nặng.

Bác sĩ Jatana cho biết thêm, cách tốt nhất để làm sạch tai là cứ để nguyên ráy tai. Tuy nhiên một số ít người có quá nhiều ráy tai đến mức cần được điều trị. Trong trường hợp này, họ nên đến gặp bác sĩ hoặc y tá đã qua đào tạo chuyên môn, các bác sĩ sẽ dùng dụng cụ và phương pháp thích hợp để làm sạch tai một cách an toàn.

Hà Di

Nguồn Theo Dailymail

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/hang-nghin-tre-em-nhap-vien-moi-nam-vi-bong-ray-tai-100040/