Hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà: Bác sĩ khuyến cáo những lưu ý quan trọng

Bệnh sùi mào gà chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể tái bệnh nhiều lần. Các bậc phụ huynh nên nắm rõ những điều này để bảo vệ cho con mình tốt nhất.

Vụ việc hàng loạt trẻ em mắc bệnh sùi mào gà ở Khoái Châu, Hưng Yên đang khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Về căn bệnh này, báo Tiền Phong dẫn lời PGS. TS Lê Hữu Doanh cho hay, bệnh sùi mào gà là do vi rút HPV gây ra, bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị bệnh sùi mào gà có thể thể tái bệnh nhiều lần. Riêng đối với trẻ nhỏ điều trị sùi mào gà gặp phải những khó khăn nhất định do trẻ chưa biết các hợp tác điều trị.

“Hiện nay, có khoảng 100 tuýp vi rút HPV, trong đó có khoảng 20-30 tuýp có thể gây ra bệnh sùi mào gà. Do đó, việc điều trị cho trẻ nhỏ chủ yếu là bôi và điều trị tại chỗ, điều trị can thiệp gây mê, gây tê sẽ sẽ khó hợp tác hơn” – bác sĩ Doanh trao đổi.

Trẻ bị sùi mào gà đang được điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Tiền Phong

Được biết, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà ở trẻ nhỏ, thường là do tiếp xúc trực tiếp với vi rút hoặc có thể đi chít hẹp bao quy đầu do dùng chung dụng cụ không được vô khuẩn đã vô tình lây sang các em. Ngoài ra, cũng có thể lây từ bố mẹ mắc chứng bệnh này và lây sang con.

Qua đó, PGS. TS Doanh khuyến cáo, bố mẹ của trẻ nhỏ nên lưu ý, khi trẻ em có những vết phồng rộp ở bộ phận sinh dục hoặc có bất thường ở cơ quan sinh dục cần phải đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Về mối nguy hiểm bệnh sùi mào gà ở trẻ, TS Doanh nhấn mạnh, nếu được chữa trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng phác đồ, bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến triển sang ung thư cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Do vậy, các TS Lê Hữu Doanh khuyến cáo, điều trị bệnh sùi mào gà bắt buộc phải tới cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị.

Trao đổi thêm với VnMedia về việc điều trị bệnh này, BS Lê Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình mỹ thuật nhấn mạnh, đã đi khám chữa bệnh thì phải đến cơ sở y tế chính thống. Đông y hay các bài thuốc gia truyền... cũng rất hiệu quả nhưng phải được cấp phép của cơ quan chức năng.

Với những bệnh nhi đã từng được cha mẹ cho đến làm thủ thuật tại cơ sở của bà Hiền trong thời gian gần đây nhưng hiện nay chưa phát bệnh, BS Sơn cho rằng nên đến bệnh viện để kiểm tra, làm các xét nghiệm với quan điểm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

"Nếu các bé đã có tiền sử phơi nhiễm, tiếp xúc như vậy thì nên kiểm tra. Với những tổn thương quá rõ thì gia đình chắc chắn sẽ đưa con đi khám, nhưng với những tổn thương nhỏ, đại đa số các gia đình đã bỏ qua. Về nguyên tắc, càng phát hiện sớm thì càng điều trị đơn giản. Đại đa số các trẻ trước đây đều làm ngoại trú vì khi phát hiện chỉ 1-2 nốt nhỏ, sau khi làm thủ thuật xong sẽ được cho về nhà chăm sóc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một số trẻ để nặng quá như đợt này thì phải có những biện pháp chăm sóc tích cực hơn" - BS Sơn nói.

Về thời gian ủ bệnh của bệnh nhân, BS Sơn cho biết, sớm nhất có thể chỉ là một vài ngày, còn trung bình là một vài tuần. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ủ bệnh lâu hơn hoặc nhiễm virus mà không phát bệnh.

"Việc phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay là vaccin phòng ung thư cổ tử cung dành cho phụ nữ trước lứa tuổi sinh hoạt tình dục và cũng chỉ phòng được các chủng virus hay gây ung thư chứ không phải là tất cả" - BS Sơn cho biết.

Có một điều khá may mắn là virus gây bệnh sùi mào gà chỉ phát triển tại chỗ nên các bác sĩ chỉ đặt vấn đề điều trị khi có tổn thương với mục đích là để loại bỏ tổn thương.

"Do hầu hết virus chỉ tập trung ở chỗ tổn thương nên khi loại bỏ tổn thương đó, đồng nghĩa với việc loại bỏ virus" - BS Sơn giải thích thêm.

Lâm Anh (t/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hang-loat-tre-mac-sui-mao-ga-bac-si-khuyen-cao-cha-me-d125765.html