Hàng loạt 'ông lớn' doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ

Kết quả kiểm toán của các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy hiệu quả kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm sút so với năm 2015, nhiều đơn vị trực thuộc lỗ lớn.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước năm 2016. Nhiều đơn vị lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ

Theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều doanh nghiệp lỗ lớn thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thua lỗ. Cụ thể Vicem Tam Điệp lỗ 1.156 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng 359 tỷ đồng.

Tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp trực thuộc nằm trong tình cảnh tương tự. Cụ thể, Công ty cổ phần vật liệu Bưu điện Việt Nam lỗ 53,3 tỷ đồng. Công ty cổ phần phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến VDC lỗ 26,9 tỷ đồng. Công ty TNHH sản xuất thiết bị viễn thông (TELEQ) lỗ 22,5 tỷ đồng…

Một số doanh nghiệp thuộc VNPT làm ăn thua lỗ. Ảnh: Lê Hiếu.

Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) cũng có Công ty cổ phần Thương mại, dịch vụ và du lịch cao su lỗ 317,9 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68 (trực thuộc Handico) lỗ 52,3 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng (trực thuộc Lilama) lỗ 94,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trực thuộc DNNN bị âm vốn chủ sở hữu. Công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza (trực thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) là 168,7 tỷ đồng - lỗ trước khi bàn giao về TCT. Công ty TNHH một thành viên Petrolimex Singapore (trực thuộc Petrolimex) âm 1.335,2 tỷ đồng.

Khoản lỗ của một số DNNN trong năm 2016. Đồ họa: Hiếu Công.

Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines) âm 129 tỷ đồng. Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm và Công ty cổ phần du lịch và thương mại Dân chủ (thuộc Tổng công ty du lịch Hà Nội) lần lượt là 79,2 và 51,83 tỷ đồng. Công ty tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (thuộc VNPT) là 43,1 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra Công ty Xây dựng giao thông Sài Gòn (thuộc Samco) và Công ty liên doanh xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh (thuộc UDIC) cho nguy cơ ngừng hoạt động.

Các khoản đầu tư của DNNN đạt hiệu quả thấp

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết có không ít các khoản đầu tư tài chính của một số DNNN đạt hiệu quả thấp.

Theo đó, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (PTI) đầu tư vào 3 công ty liên kết gần 123 tỷ đồng với tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 1,34%. Ngoài ra, PTI cũng đầu tư dài hạn vào 7 doanh nghiệp khác hơn 57 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 chỉ là 0,48%.

Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những dự án đầu tư kém hiệu quả của SCIC. Ảnh: EVN.

Các khoản đầu tư của SCIC vào các dự án Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Bột giấy Phương Nam, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đều không hiệu quả.

Trong lĩnh vực thuế, qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 2.050 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp nộp tăng thêm 882 tỷ đồng.

Kiểm toán chỉ ra vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành thừa xe ôtô những vẫn mua mới, chưa rà soát sắp xếp xe dôi dư. Ngoài ra, việc thanh lý xe ôtô công chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý theo quy định (chưa đủ thời gian đã thanh lý).

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hang-loat-ong-lon-doanh-nghiep-nha-nuoc-lam-an-thua-lo-post765087.html