Hàng loạt những cái chết thương tâm, bi kịch ở Mỏ than Phấn Mễ

Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, những cái chết đau đớn, thương tâm nối dài năm này qua năm khác ở Mỏ than Phấn Mễ (thuộc Cty CP Gang thép Thái Nguyên, trụ sở tại thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã biến dãy núi than khổng lồ thành "mồ chôn" bao nhiêu sinh mạng con người.

Và dường như, bi kịch ấy vẫn chưa có hồi kết nếu trực tiếp chứng kiến những gì đang xảy ra ở đây.

Hàng loạt những cái chết thương tâm

Với trữ lượng hàng triệu tấn, Mỏ than Phấn Mễ, cùng với Mỏ thanh Khánh Hòa lớn nhất nhì tỉnh Thái Nguyên. Người dân những địa phương quanh các mỏ than bao đời nay sống nhờ bán sức mình cho lòng đất nhưng vẫn cứ nghèo. Chỉ có tang thương, chết chóc thỉnh thoảng lại đổ ập xuống những xóm, những làng, những gia đình lao động bần cùng.

Các hầm lò khai thác than được Mỏ than Phấn Mễ cho An Phát Thái thuê

Chưa bao giờ có con số thống kê chính xác số lao động ngày đêm miệt mài “đào hầm khoét núi” ở mỏ than Phấn Mễ. Và cũng vì vậy, bao nhiêu người lao động mất mạng từ những vụ tai nạn rất khó để thống kê. Chỉ trong vòng có vài năm, theo điều tra của của chúng tôi, ít nhất có hàng chục người chết ở khu vực này.

Phục Linh là một xã vùng bán sơn địa nằm ngay trong địa giới mỏ than Phấn Mễ. Ông trưởng công an xã này nói với chúng tôi rằng, dân Phục Linh sống dựa vào khai thác khoáng sản. Bao đời nay đào vàng, đào quặng, đào than khắp tứ xứ nên những vụ tai nạn lao động gây chết người thỉnh thoảng lại xảy ra.

Nhiều hay ít xã không thể nào thống kê nổi, bởi vì đi họ không trình báo, mà có chết người thì cũng chỉ biết là các chủ sử dụng lao động thỏa thuận bồi thường cho êm chuyện chứ đến ngay cả công an xã cũng không được tham gia.

Mấy năm trước, một vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ ngay địa bàn xã Phục Linh không khác gì trời sập đã chôn vùi 5 sinh mạng lao động. Cũng gần tết năm ngoái, một vụ nổ khí mê tan lại cướp thêm 3 người, trong đó có 2 người ở xã Phục Linh.

Có những cái chết mà thân nhân các lao động bàng quan như một sự chấp nhận cay đắng là ngày đó sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.

Trong căn nhà cấp 4 bạc phếch ở xóm Mận (xã Phục Linh) hướng nhìn lên mỏ than Phấn Mễ, ông Vũ Văn Thế ngồi chết lặng, mắt rươm rướm nhìn lên hướng mỏ than khi có người gợi lại câu chuyện xảy ra vừa tròn đúng một năm.

Ánh mắt khô không khốc, khuôn mặt co rúm vì nỗi đau mất đi đứa con trai, ông Thế lặng thinh như không muốn nhắc lại sự cố tai nạn đã cướp đi sinh mạng đứa con tên là Vũ Văn Giang, nhưng nhìn đôi bàn tay nắm chặt, thỉnh thoảng lại rung lên bần bật vì xúc động, chúng tôi biết rằng, toàn bộ câu chuyện đang được “tua lại” trong tâm trí người cha đã nếm đủ mùi đau khổ.

Giống như phần lớn những gia đình nông dân vùng bán sơn địa này, cuộc sống được xây dựng trên mỏ than mà trữ lượng của nó có thể che xám cả một bầu trời, mỗi năm mang lại cho các doanh nghiệp khai thác hàng trăm tỉ đồng, họ lại mang án nghèo truyền kiếp. Ruộng vườn không đủ sống. Đói nghèo buộc những thanh niên trai tráng như con trai ông Thế phải chấp nhận bán mình vào những động than mà sự sống, cái chết chỉ như trò may rủi.

Bà La Thị Tím, vợ ông Thế nói rằng, hôm ấy là ngày 30/1/2016, nhằm ngày 21/12 âm lịch, cận kề tết cổ truyền. Cái tin anh Giang gặp nạn báo về lúc nửa đêm. Ông bà ngồi nhìn nhau chết lặng. Họ cũng không hề oán hận ai đã gây ra cái chết cho con trai mình.

Vậy nhưng khi kể đến đoạn lúc Giang lâm chung thì cả ông bà không kìm lòng được nữa: “Trước lúc chết thằng Giang cứ thều thào thương vợ, thương con. Hai đứa con của nó, một trai, một gái, đứa lên 10 đứa nữa mới chỉ 7 tuổi thôi”, ông Thế nói, xen lẫn những giọt nước mắt khô khốc mệt mỏi lăn trên khuôn mặt khắc khổ, nhăn nheo.

Những người sống sót kể lại rằng, hôm ấy tại tổ lò số 4A có 6 người đi làm, bao gồm: Hứa Văn Lực, Vũ Văn Giang, Tạ Quốc Khánh, Dương Văn Lĩnh, Nguyễn Đức Cường và Lạc Văn Thanh. Đầu ca, sau khi nhận bàn giao công việc của ca 1 và được ông Phạm Văn Chiến là cán bộ trực kỹ thuật thông báo khí mỏ và đường lò kỹ thuật đảm bảo an toàn. Nhiệm vụ của ca là gia cố đường lò và xúc bốc vận chuyển than từ gương lò lên mặt bằng. Độ sâu giếng khoảng 115m.

Lực và Giang trực tiếp xúc than tại gương lò. Khánh và Lĩnh vận chuyển than từ gương lò ra cửa. Thanh vận chuyển tời và Cường vận chuyển than từ miệng giếng ra bãi chứa. Chập tối hôm ấy, họ nghỉ giữa ca để ăn cơm. Đến khoảng gần 8 giờ tối lại tiếp tục công việc. Lĩnh vừa xuống được khoảng chục mét thì thấy Khánh hô to nổ lò rồi. Sau đó thấy lửa táp khắp người Khánh.

Tất cả các nạn nhân được đưa lên miệng giếng và chuyển cấp cứu tại Viện bỏng Lê Hữu Trác (Hà Nội) nhưng 3 người không qua khỏi. Hứa Văn Lực chết ngày 4/2/2016 (43 tuổi), Tạ Quốc Khánh chết ngày 6/2/2016 (32 tuổi), Vũ Văn Giang chết ngày 8/2/2016 (35 tuổi). Các nạn nhân chết trong tình trạng bỏng nặng, nhiễm trùng, nhiễm độc nặng…

Các hầm lò khai thác than được Mỏ than Phấn Mễ cho An Phát Thái thuê

Căn cứ báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường của Phòng KTHS Công an tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân vụ tai nạn là do trong quá trình khai thác, lò số 4A gặp túi khí Mê tan (CH4), công nhân đào xúc bục túi khí gây cháy nổ.

Những cái chết trong đau đớn, những cái chết để lại những gánh nặng vô cùng.

Nạn nhân Tạ Quốc Khánh chết khi đứa con trai thứ hai Tạ Quốc Minh chỉ tầm 6 - 7 tháng tuổi thôi. Gánh nặng gia đình, nhất là hai đứa con thơ trút hết lên người vợ Nguyễn Thị Hiệp (30 tuổi).

“Biết làm nghề than sống chết do trời nhưng không có con đường nào khác cả các anh ạ. Chồng tôi vốn là bộ đội phục viên, làm đủ thứ nghề nhưng không nghề nào sống nổi. Lúc ca ban ngày, khi ca ban đêm, người ta hợp đồng theo sản phẩm, làm được chừng nào ăn chừng đó, bạc hết mặt ra nhưng tháng mang về cho vợ con chỉ đôi ba triệu. Cũng có tháng chỉ được vài đồng”.

Nhìn gia cảnh sau khi những trụ cột gia đình như Vũ Văn Giang, Tạ Quốc Khánh mất, chúng tôi tự hỏi, liệu rồi đây những người đàn bà này làm gì để nuôi bầy con dại? Chị Bế Thị Đoàn, vợ anh Giang ngày ngày đi từ sớm tinh mơ, xách vữa phụ hồ, may mà còn có sức nhưng cũng chỉ được dăm ba chục ngàn. Còn như chị Hiệp, sức khỏe yếu, quanh quẩn đám rau trong vườn, đám ruộng đám chè còi cọc, không bị đói đã được xem là may mắn lắm.

Tôi gặp lại Lạc Văn Thanh, nạn nhân sống sót sau vụ nổ. Ở ngay mỏ than Phấn Mễ. Người như ngơ ngẩn. Thanh bảo rằng sợ lắm, nhưng vẫn phải đi làm.

Rẻ như mạng người ở mỏ than

Tất cả những lao động gặp nạn đều là người của Cty TNHH An Phát Thái, trụ sở tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Mặc dù được Bộ TN-MT cấp mỏ trong một thời gian rất dài, hiện có khoảng 600 cán bộ công nhân viên nhưng Mỏ than Phấn Mễ không đủ nhân lực khai thác mà phải thực hiện bản hợp đồng kinh tế về việc thuê khai thác than mỡ bằng phương pháp hầm lò tại các khu vực giếng IX, vành đai M3 và Núi Tán với Cty TNHH An Phát Thái.

Theo bản hợp đồng này, Cty An Phát Thái được toàn quyền tuyển dụng lao động vào khai thác tại các hầm lò. Mỏ than Phấn Mễ gần như khoán trắng tất cả các qui trình kỹ thuật khai thác, nhân công khai thác, an toàn lao động, bảo vệ môi trường… Điều khoản ràng buộc rõ nét nhất là toàn bộ sản lượng than khai thác được An Phát Thái phải bán lại cho Mỏ than Phấn Mễ. Khối lượng ước tính khoảng 30.000 tấn mỗi năm.

Điều đáng chú ý, trong bản hợp đồng qui định Cty An Phát Thái phải đăng ký lực lượng lao động với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên và được huấn luyện an toàn lao động cho người lao động trước khi làm việc theo qui định của Luật Lao động. Tuy nhiên, sau khi xảy ra các vụ tai nạn lao động, cơ quan thanh kiểm tra phát hiện, tất cả các nạn nhân đều chưa được huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh lao động đúng nhóm qui định.

Liên quan đến các vụ tai nạn lao động, các ông Nguyễn Duy Khải - Phó Giám đốc và ông Hoàng Hải Dương - Trưởng phòng An toàn Môi trường Mỏ than Phấn Mễ đều “chối bỏ” trách nhiệm của các đơn vị này.

Những đứa trẻ mồ côi cha ở Phục Linh

Ông Khải cho rằng, theo Luật Khoáng sản, Mỏ than Phấn Mễ được quyền hợp đồng với các doanh nghiệp khai thác, miễn là doanh nghiệp đó đảm bảo được các tiêu chí, các vấn đề pháp lí. “Vấn đề môi trường, vấn đề an toàn lao động là việc của người ta”, ông Khải nói.

Còn ông Hoàng Hải Dương khẳng định: Hiện Mỏ than Phấn Mễ có khoảng 600 cán bộ công nhân viên, việc Cty An Phát Thái đưa vào bao nhiêu lao động họ không cần phải báo cáo với chúng tôi.

Được biết, hầu hết các vụ tai nạn lao động gây chết người ở Mỏ than Phấn Mễ đều được các doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường với các gia đình nạn nhân. Đối với vụ nổ khí Mê tan làm 3 người chết ngày 30/1/2016, mức giá bồi thường của Cty TNHH An Phát Thái cụ thể như sau. Gia đình nạn nhân Hứa Văn Lực được nhận 220 triệu đồng. Gia đình Tạ Quốc Khánh được nhận 226 triệu đồng. Gia đình nạn nhân Vũ Văn Giang được nhận 228 triệu đồng…

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hang-loat-nhung-cai-chet-thuong-tam-bi-kich-o-mo-than-phan-me-post184891.html